2 mảng chủ lực đều "hẻo", lợi nhuận Tổng Công ty Hàng hải đi lùi 46%
Lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm trước do sự khó khăn của thị trường.
Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC - UpCOM: MVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023, trong đó ghi nhận doanh thu đạt gần 3.232 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Sự sụt giảm doanh thu chứng kiến ở cả 2 mảng chủ lực của doanh nghiệp này, trong đó hoạt động vận tải giảm đến 35% chỉ ghi nhận doanh thu 1.034 tỷ đồng, hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải giảm ở mức thấp hơn 7%, duy trì doanh thu 1.682 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá vốn bán hàng gần như không có biến động so với cùng kỳ với 2.690 tỷ đồng, do đó lợi nhuận gộp sụt xuống chỉ còn 540 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2022. Biên lợi nhuận vì vậy cũng giảm mạnh từ 30% xuống còn 17%.
Trong kỳ, hoạt động tài chính của VIMC có khởi sắc. Nhờ được hưởng lợi chủ yếu từ khoản lãi tiền gửi, tiền cho cho vay mà doanh thu tài chính tăng đến 71% đạt 201 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính của doanh nghiệp lại giảm đến 30% chỉ còn gần 80 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng tăng cường tiết giảm các chi phí, do vạy chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm. VIMC cũng ghi nhận trên 32 tỷ đồng khoản lãi trong công ty liên kết, liên doanh.
Khấu trừ các chi phí, VIMC chỉ ghi nhận trên 370 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - giảm hơn 319 tỷ đồng, tương đương 46% so với cùng kỳ năm 2022 (689 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng, VIMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.418 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ; lãi trước thuế đạt 1.582 tỷ đồng, giảm 43%; lãi sau thuế hơn 1.271 tỷ đồng, giảm 46% so với năm 2022.
Năm 2023, VIMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 13.354 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 70% mục tiêu doanh thu và 68% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của VIMC tăng nhẹ 2,3% so với đầu năm ở mức 27.580 tỷ đồng, gần như chia đều cho tài sản ngắn hạn (12.446 tỷ đồng) và dài hạn (15.133 tỷ đồng).
Nợ phải trả của doanh nghiệp này tại thời điểm cuối kỳ giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn gần 12.526 tỷ đồng, chiếm khoảng 45% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu của VIMC tăng thêm 7%, đạt 15.053 tỷ đồng.
Việc tình hình kinh doanh vướng phải những gam màu xám thực tế đã được VIMC nhận định ngay từ giai đoạn đầu năm. Theo đó, doanh nghiệp này cho rằng ngành vận tải biển đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức như chỉ số thuê tàu hàng của thị trường đi xuống; thị trường tàu container quốc tế, giá cước vận tải liên tục giảm mạnh; thị trường vận chuyển container nội địa sản lượng hàng hóa luôn ở mức thấp trong khi nguồn cung tàu tuyến nội địa gia tăng; tuổi tàu VIMC cao (20 năm), tính năng không đồng bộ, khó cạnh tranh hãng tàu nước ngoài.
Năm 2023, thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều.
Đối với lĩnh vực cảng biển, VIMC cũng sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm bởi các yếu tố đầu vào của thị trường và số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa; xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý IV/2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận