'Rục rịch' lãi suất
Không hẹn mà gặp, khi lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng mạnh lên đỉnh 1,6%/năm, lãi suất tiền đồng liên ngân hàng cũng tăng đột biến và hiện duy trì ở mức cao hơn hẳn quí 4 năm ngoái. Liệu có mối liên quan gì giữa thị trường tiền tệ trong và ngoài nước khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam tương đối rộng?
Covid lùi, kinh tế tiến
Đã bước sang tuần thứ bảy liên tiếp số ca nhiễm mới Covid-19 toàn cầu giảm (tuy đầu tuần này, theo Tổ chức Y tế thế giới, số ca nhiễm có phần tăng), mở ra triển vọng cho các nền kinh tế dỡ bỏ phong tỏa, vận hành hết công suất trở lại.
Khi kinh tế phục hồi, Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ rút vốn về (từ các gói hỗ trợ được tung ra trước đây, kể cả chi tiền mặt cho các hộ gia đình). Tiền bị thu hồi bớt, cung tiền sẽ giảm, lãi suất không xuống nữa mà có thể sớm lên trở lại.
Xu hướng lãi suất dịch chuyển dường như đang được vẽ ra trong đầu của giới đầu tư quốc tế. Hành động đầu tiên của những người đang nắm giữ trái phiếu là bán, đẩy lợi tức trái phiếu chạy.
Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ là kim chỉ nam mà thế giới nhìn vào để dự đoán sức khỏe của đô la Mỹ cũng như nền kinh tế Mỹ. Tại Việt Nam, không ngoại lệ, các doanh nghiệp căng mắt quan sát liệu chính sách bơm tiền ra với lãi suất thấp của các nước sẽ điều chỉnh đến đâu và liệu chúng ta có khả năng hành động tương tự.
Trong khi đó cả thế giới kinh doanh dõi theo tín hiệu lạm phát của Mỹ. Chỉ cần lạm phát cán mốc mục tiêu 2%, Fed có thể sẽ tăng lãi suất, tác động trực tiếp tới lợi tức trái phiếu. Lợi tức tăng, giá trái phiếu sẽ giảm, sự kích hoạt “làn sóng” bán tháo trái phiếu nhiều khả năng mới chỉ bắt đầu.
Trên thị trường trái phiếu toàn cầu, các tổ chức đầu tư nắm giữ trái phiếu không phải để hưởng lãi suất coupon, mà chờ giá lên. Giá lên mới là yếu tố quyết định đem lại lợi ích cho người mua. Giờ thì giá đang xuống.
Lãi suất liên ngân hàng đã “chạy”
Tuần trước, lần đầu tiên sau một thời gian dài tính bằng năm, trái phiếu chính phủ Việt Nam do Kho bạc Nhà nước phát hành bị ế. Cụ thể, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 6.000 tỉ đồng trái phiếu các kỳ hạn khác nhau, nhưng chỉ 1.500 tỉ đồng kỳ hạn 10 năm và 1.300 tỉ đồng kỳ hạn 15 năm bán được.
Lý do trái phiếu ế là bởi lãi suất tiền đồng liên ngân hàng đã tăng và tiếp tục đứng ở mức cao. Trang web của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ghi nhận vào ngày 25-2-2021 lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn hai tuần ở mức 0,7%/năm; một tháng 0,86%/năm; ba tháng 1,32%/năm.
So sánh trước đó giữa tháng 12-2020 lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn trên tương ứng là 0,21%; 0,35% và 1,02%/năm. Ngay cả vào cuối tháng 12 năm ngoái lãi suất tương ứng cũng thấp hơn, là 0,3%; 0,42% và 2,33%/năm (kỳ hạn ba tháng này vọt lên do nhu cầu đột biến từ một ngân hàng thành viên - NV).
Lưu ý thị trường liên ngân hàng ít khi có nhu cầu phát sinh kỳ hạn 6-12 tháng, mà chủ yếu giao dịch một tháng, tối đa ba tháng trở lại. Chuẩn lãi suất liên ngân hàng hiện nay là hai tuần đến một tháng, không phải qua đêm.
Thông thường sau Tết Âm lịch, tiền trở lại ngân hàng, lãi suất giảm trở lại. Tuy nhiên năm nay tính chu kỳ này của lãi suất đang bị phá vỡ. Thanh khoản tiền đồng vẫn dồi dào nhờ NHNN can thiệp qua kênh thị trường mở và giao dịch giấy tờ có giá. Dẫu thế, các ngân hàng thương mại cũng không tỏ ra mặn mà với kênh thị trường mở vì lãi suất tái chiết khấu vẫn được NHNN treo biển 2,5%/năm.
Lệch thời gian dòng tiền
Lãi suất liên ngân hàng suốt năm ngoái thấp chủ yếu nhờ cơ quan quản lý mua ngoại tệ. Về nguyên tắc, NHNN mua đô la và hút tiền đồng về tương ứng. Tuy nhiên việc hút vào có phần chậm và không tương ứng nên thanh khoản tiền đồng vô cùng dồi dào, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm chỉ 0,1%/năm cho kỳ hạn qua đêm, 0,3% cho kỳ hạn một tháng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng không được phép vay liên ngân hàng để cung ứng tín dụng do quy định tỷ lệ cho vay trên huy động tối đa chỉ được 85%, tức huy động 100 đồng được cho vay tối đa 85 đồng.
Một số ngân hàng sử dụng vốn thừa để mua trái phiếu, nhưng nguồn cung trái phiếu không phải vô hạn, nên thanh khoản vẫn tiếp tục dồi dào và lãi suất không lên nổi.
Từ đầu năm nay NHNN thay đổi phương thức mua ngoại tệ từ mua giao ngay thành mua kỳ hạn. Trước đây ngân hàng thương mại bán đô la Mỹ cho NHNN, hôm nay tiền đô trao đi, ngày mai tiền đồng về. Nay ngân hàng thương mại bán ngoại tệ, sáu tháng sau NHNN mới nhận số ngoại tệ và trả tiền đồng cho bên bán.
Tiền đồng có đấy, nhưng không phải ngay bây giờ, mà sáu tháng sau. Chính vì diễn biến mới này mà thanh khoản tiền đồng trở lại bình thường, lãi suất từ từ nhích lên. Như vậy, yếu tố khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng không trở lại mức thấp nữa là việc mua ngoại tệ kỳ hạn, làm lệch thời gian của dòng tiền.
Đây là vấn đề kỹ thuật, không xuất phát từ biến động kinh tế vĩ mô và điều chỉnh chính sách tiền tệ của NHNN. Hiện NHNN tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất cho vay. Về lâu dài từ sáu đến chín tháng tới, lãi suất biến động như thế nào còn phụ thuộc vào sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp, tức tăng trưởng tín dụng.
Một số ngân hàng cho rằng lãi suất có thể đi lên từ quí 4-2021. Trước mắt tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn tăng trưởng huy động vốn và các ngân hàng không chủ trương phát triển tín dụng bằng mọi giá. Đã có hiện tượng một bộ phận khách hàng chuyển sang gửi tiền kỳ hạn một tháng, chờ cơ hội đầu tư vì chênh lệch lãi suất tiết kiệm một tháng và sáu tháng ngày một thu hẹp. Điều này giúp chi phí huy động vốn của ngân hàng hạ nhưng lại thiếu tính bền vững vì ngắn hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường