Chiều 15/1, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đồng tổ chức hội thảo với chủ đề "Triển vọng kinh tế tài chính năm 2021-2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán".
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Long Giang - Chủ tịch VFCA cho hay năm 2020 là năm nền kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do sự tác động tiêu cực, bất ngờ của đại dịch Covid-19. Trong cả năm vừa qua bệnh dịch không ngừng lây lan, diễn biến phức tạp và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ở rất nhiều nước trên thế giới. Sự gia tăng của số lượng người nhiễm và sự hạn chế hoạt động, giãn cách xã hội đã khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều quốc gia có mức tăng trưởng âm, thị trường tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việt Nam mặc dù được thế giới ghi nhận là tấm gương trong công tác kiểm soát dịch bệnh nhờ có biện pháp đối phó chủ động, quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành nhưng kinh tế Việt Nam vẫn không tránh khỏi sự ảnh hưởng của đại dịch. Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu đều bị sụt giảm gây suy giảm hoạt động sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia tại khu vực Châu Á không bị ảnh hưởng quá nặng nề và nền kinh tế đang có dấu hiệu khôi phục nhờ các biện pháp kinh tế vĩ mô hướng tới kích thích tổng cầu và phục hồi sản xuất của Chính phủ. Mặc dù một số chỉ tiêu kinh tế đề ra từ đầu năm không hoàn thành nhưng kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng dương (đạt 2,91%), được ghi nhận là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất năm 2020, là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất.
Ngược lại với những khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua phục hồi mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư mới và thanh khoản tăng cao.
Chủ tịch VFCA chỉ ra rằng những nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán trong nước liên tục hấp dẫn các nhà đầu tư và giá cổ phiếu tăng mạnh là do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế được duy trì ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan do được Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay vốn, lãi suất tiền gửi liên tục điều chỉnh giảm khiến người dân không muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng, một số ngành lại tìm thấy cơ hội phát triển trong dịch bệnh như công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử và sắp tới sẽ là xây dựng, bất động sản.
Những ngày đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên quay lại tiệm cận đỉnh lịch sử 1.200 điểm sau 3 năm và đánh dấu 11 tuần liên tiếp thị trường tăng điểm mạnh. Mặc dù sau khi chạm đỉnh thị trường đã có những phiên điều chỉnh nhưng không thể phủ nhận cơ hội tăng trưởng đối với thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới là rất lớn.
Ông Lê Long Giang, Chủ tịch VFCA phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ tại buổi hội thảo, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận 2020 là năm đầy thú vị của thị trường chứng khoán, khi thị trường phát triển tương đối nhanh nhưng đầy gập ghềnh, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam thay đổi lớn.
Nhìn lại kinh tế thế giới năm 2020 và hướng về tầm nhìn năm 2021, TS. Cấn Văn Lực cho cho biết dịch Covid-19 đã tác động lớn cả về phía tổng cung và tổng cầu.
Về tổng cung, các nước áp dụng biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, chuỗi cung ứng và chuỗi tiêu dùng toàn cầu bị ngưng trệ.
Các trung tâm lớn nhất bị ảnh hưởng gồm Mỹ, Trung Quốc, Đức có tác động mạnh tới chuỗi giá trị toàn cầu. Các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu chịu tác động nhiều (Campuchia, Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ý, Đức..).
Về tổng cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm mạnh. Nhu cầu nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa giảm; nhu cầu du lịch, đi lại giảm; tăng trưởng kinh tế của các nước dựa nhiều vào xuất khẩu và du lịch chịu tác động mạnh (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam..).
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020, kinh tế toàn cầu suy giảm 4, 5%, trước khi phục hồi năm 2021.
Lạm phát toàn cầu được dự báo duy trì ở mức thấp, dù có tăng trong năm 2021. Kiều hối và đầu tư nước ngoài (FDI và gián tiếp) dự báo giảm mạnh. Thâm hụt ngân sách tăng mạnh. Cùng với đó, rủi ro nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp ở mức cao.
TS. Cấn Văn Lực nhận định triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới cũng như từng nước tùy thuộc 3 điều kiện: khả năng kiểm soát dịch, hiệu quả của các gói hỗ trợ và hợp tác quốc tế…
Vị chuyên gia này cho rằng kinh tế thế giới khả năng cao sẽ phục hồi theo mô hình chữ "U" hoặc SWOOSH – logo của Nike. Trái lại, khả năng phục hồi theo hình chữ “W”, “M-ngược” hoặc “L” là không cao.
Tuy vậy, nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát tốt, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi theo hình chữ M-ngược.
Tựu trung, TS. Cấn Văn Lực cho biết kinh tế thế giới 2020 sẽ suy thoái sâu, giảm khoảng 4-4,5% so với 2019; nhưng có thể sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021 (khoảng 4-5%, theo IMF, WB); lạm phát ở mức thấp khoảng 2% từ mức 2,5% năm 2019 và có thể tăng trở lại mức 2,2% năm 2021.
Rủi ro, thách thức chính đối với nền kinh tế là đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại và công nghệ, địa chính trị phức tạp khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán… biến động mạnh và khó đoán hơn.
Về nền kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến 8 điểm sáng.
Thứ nhất, Việt Nam đã đạt mục tiêu kép: phòng chống dịch hiệu quả và kinh tế phục hồi hình chữ V (hoặc logo Nike) với mức tăng trưởng 2,91%; với động lực tăng trưởng từ nông nghiệp, công nghiệp chế biến – chế tạo, xây dựng, bán buôn - bán lẻ, công nghệ thông tin (ICT) và tài chính ngân hàng.
Thứ hai, chất lượng tăng trưởng tiếp tục cải thiện. Theo đó, năng suất lao động tăng 5,8% giai đoạn 2016-2020 (so với mức 4,3% giai đoạn 2011-2015), đóng góp TFP là 46,1% (giai đoạn 2016-2020 là 44,7%, 33,6% ở giai đoạn trước)…; hiệu quả đầu tư (ICOR) tăng nhẹ (6,1 lần so với 6,25 lần giai đoạn trước).
Thứ ba, lạm phát được kiểm soát: CPI bình quân tăng 3,23%; lạm phát cơ bản tăng 2,31%.
Thứ tư, tỷ giá duy trì ổn định; mặt bằng lãi suất giảm, thanh khoản dồi dào.
Thứ năm, thị trường chứng khoán phục hồi nhanh.
Thứ năm, đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường với nhiều thành công trong các vai trò quốc tế; hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020; ký kết RCEP….
Thứ sáu, cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển khả quan.
Thứ bảy, kinh tế số phát triển mạnh.
Thứ tám, năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện.
Số liệu kinh tế - tài chính Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và dự báo năm 2021. Nguồn: Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV
TS. Cấn Văn Lực đặc biệt lưu ý đến nền kinh tế số.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 2 khối ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số (tăng 27% giai đoạn 2015-2020, theo Google, Temasek, Brain & Company). Giá trị thị trường khoảng 14 tỷ USD (tương đương 5% GDP). Đặc biệt, Fintech và tài chính số phát triển nhanh.
Chuyên gia chỉ ra 4 rủi ro chính từ bên ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam. Đó là rủi ro dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường, sản xuất và phân phối vaccine còn chậm đến các nước đang phát triển; cạnh tranh chiến lược; căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang và khó đoán; địa chính trị phức tạp và thiên tai, lũ lụt tăng; rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu.
TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh rằng thâm hụt ngân sách, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng, nhưng trong tầm kiểm soát.
Cùng với đó, khối doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, trong khi triển khai gói hỗ trợ còn chậm. Thêm vào đó, nợ xấu tăng và rủi ro hoạt động tăng, nhưng cơ bản trong tầm kiểm soát.
Tuy vậy, việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tận dụng các hiệp định thương mại tự do chưa tốt.
Năm 2021, Chính phủ thực hiện mục tiêu kép: phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và phục hồi kinh tế - xãhội; tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; CPI khoảng 4%; xuất khẩu tăng 4-5%.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ đang thực hiện (tổng khoảng 3% GDP) và gói hỗ trợ ngành hàng không.
Đặc biệt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cùng với đó, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng và đô thị lớn, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số;
Chính phủ cũng sẽ tìm kiếm, phát huy các động lực tăng trưởng mới/bổ sung: thúc đẩy xuất khẩu các thị trường còn tiềm năng, giải ngân đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân, tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc FDI, kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển kinh tế số, kinh doanh số và chính phủ điện tử.
Liên quan đến thị trường chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực cho biết các chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh, đặc biệt là chỉ số HNX-Index tăng cao nhất thế giới trong một năm qua.
Chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán đang phản ánh khá rõ nét diễn biến của nền kinh tế khi các cổ phiếu ngành thép tăng gần gấp đôi, cổ phiếu chứng khoán cũng tăng mạnh; trái lại, cổ phiếu vận tải, du lịch, giải trí nhìn chung giảm mạnh.
Thanh khoản trên thị trường tăng mạnh, đồng pha với sự đi lên của thị trường chứng khoán. Điều này thậm chí đã khiến sàn HoSE "tắc nghẽn".
Ông Lực nhấn mạnh cơ quan quản lý cần nhanh chóng nâng cấp công nghệ từ "đường tỉnh lộ lên thành đường cao tốc", để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chia sẻ quan điểm đầu tư, TS. Cấn Văn Lực cho hay các nhà đầu tư Việt Nam cần lưu ý rằng lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, vì vậy nhà đầu tư nên đầu tư theo "khẩu vị rủi ro" của mình. Đặc biệt, nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích đầu tư, đồng thời đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Ông Lực cũng cho rằng nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy quá nhiều ở giai đoạn hiện tại, tránh đầu tư theo tâm lý bầy đàn, theo phong trào và "hãy là nhà đầu tư thông thái".
Chia sẻ thông tin hữu ích