Tiến sĩ ở Mỹ có thể làm đúng chuyên môn, tiếp tục nghiên cứu và đi làm cho những tổ chức nghiên cứu, như NASA.
Những câu chuyện về giáo dục và đào tạo ở bậc đại học tại Việt Nam vốn khá nhiều. Điểm chung nhất trong các cuộc thảo luận này là thường những người đã từng học ở các nước phát triển sẽ phê bình một khía cạnh nào đấy, và một số người sẽ đồng ý hay chê bai. Các ý kiến chê bai thường là chê sao sính ngoại quá, không phù hợp với thực tế ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, "trường" là để dạy kiến thức. Còn ở các nước phát triển, "đại học" là để tìm ra và dạy kiến thức. Các giảng viên dạy kiến thức cho sinh viên, đồng thời họ cũng tạo ra kiến thức thông qua nghiên cứu.
Còn nghiên cứu sinh, tức là những người "làm tiến sĩ", thì vừa phụ giúp việc nghiên cứu, vừa phụ giúp công việc giảng dạy. Ở các trường đại học ở Australia và Mỹ, các sinh viên bậc cử nhân sẽ được giảng dạy bởi giáo sư và giờ "kèm thêm" (tutoring) thì do các nghiên cứu sinh đảm trách.
Nguyên nhân không tuyển được các sinh viên cho bậc tiến sĩ ở Việt Nam là bởi vì các đại học không đào tạo bậc tiến sĩ. Nói đúng ra, các đại học có lớp học để trao bằng tiến sĩ nhưng có rất ít những công trình nghiên cứu cần phải có các nghiên cứu sinh làm việc.
Không có nhu cầu thực tế, tức là không có dự án nghiên cứu nào cần nghiên cứu sinh, thì làm sao có nguồn cung, tức là có người đi "ứng thí" vào các vị trí nghiên cứu sinh đấy?
Nói cách khác, việc không tuyển đủ chỉ tiêu bậc tiến sĩ chỉ đơn giản là vì các chương trình đấy không phải là chương trình dành cho các nghiên cứu sinh. Có những người có nhu cầu làm nghiên cứu sinh, nhưng đâu có mấy người có nhu cầu mài đũng quần trên ghế nhà trường thêm mấy năm để tha vào người thêm một tờ giấy?
Chia sẻ thông tin hữu ích