PLX: KỲ VỌNG DỰ THẢO 4 NGHỊ ĐỊNH NGÀNH XĂNG DẦU
Đánh giá PLX dựa trên báo cáo của VCBS
Giá cổ phiếu PLX đã có nhịp điều chỉnh 20% từ mức đỉnh gần nhất do giá dầu thế giới giảm mạnh trong quý 3 đã tác động đến KQKD của doanh nghiệp. Tuy nhiên, kỳ vọng triển vọng kinh doanh năm 2025 của PLX khả quan khi các vấn đề môi trường kinh doanh xăng dầu cơ bản được giải quyết, cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Những điểm mới của dự thảo số 4 thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Nghị định mới dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm 2024 và có hiệu lực từ đầu năm 2025.
- Cơ chế điều hành giá: dự thảo Nghị định đã đưa ra công thức để doanh nghiệp tự tính toán, công bố và kê khai giá với cơ quan quản lý với giá bán không cao hơn mức giá trần do BCT công bố.
- Dự thảo Nghị định thay thế quy định: Giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong và ngoài hệ thống được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu quyết định không cao hơn giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại Nghị định này.
Giá bán xăng dầu tối đa bằng = chi phí tạo nguồn cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) thuế giá trị gia tăng. Trong đó:
- Chi phí tạo nguồn bằng (=) [giá sản phẩm xăng dầu thế giới cộng hoặc trừ (±) premium] nhân (×) tỷ giá ngoại tệ cộng (+) chi phí vận tải, bảo hiểm, hao hụt, bốc dỡ cộng (+) chi phí thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường).
- Chi phí kinh doanh định mức hàng năm được điều chỉnh tăng, giảm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI thực tế bình quân của năm trước do Tổng cục Thống kê công bố.
Lợi nhuận định mức: 300 đồng/lít,kg xăng dầu
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: dự thảo Nghị định quy định Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo Luật Giá 2023 trong trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân.
Các quy định về Thương nhân đầu mối xăng dầu: Bổ sung thêm các điều kiện như (1) Là thương nhân phân phối xăng dầu tối thiểu trong 36 tháng liên tục trước khi đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; (2) thực hiện kết nối mạng với BCT để BCT giám sát tổng nguồn cung và tồn kho của doanh nghiệp; (3) Có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu không thấp hơn 100.000 m3 ,tấn(dầu, madút)/năm.
Dự trữ xăng dầu của thương nhân phân phối: Dự thảo Nghị định loại bỏ quy định thương nhân phân phối phải dự trữ xăng dầu 5 ngày, loại bỏ 1 số quy định về kho chứa…
Để tránh mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian, thương nhân phân phối được quy định là chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu của nhau.
Dự thảo Nghị định mới có tác động tích cực hơn đối với các thương nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu do các quy định về chi phí kinh doanh phản ánh sát sao hơn những thay đổi thực tế về chi phí của doanh nghiệp như giảm thời gian điều hành các chi phí cấu thành trong công thức giá bán tối đa. Ngoài ra, Dự thảo cũng không còn quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Bên cạnh đó, việc tự quyết định giá bán (nhưng thấp hơn giá cơ sở) sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu ngành như PLX và OIL do có thể tận dụng các ưu thế của doanh nghiệp về hệ thống phân phối, kho dự trữ xăng dầu để tăng tổng chi phí hoạt động định mức và lợi nhuận định mức thực nhận để cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Tổng nguồn cung xăng dầu được đảm bảo
Tổng nguồn cung xăng dầu được đảm bảo là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu hoạt động ổn định, tránh các rủi ro chi phí đầu vào biến động đột biến, tác động tiêu cực đến KQKD của doanh nghiệp. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, dự kiến 4 tháng cuối năm 2024, 2 Nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn sản xuất khoảng 6,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại và ước nhập khẩu khoảng 3,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại để đảm bảo nguồn cung. Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 10,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại để đảm bảo tiêu thụ 4 tháng cuối năm khoảng hơn 8 triệu m3/tấn với tồn kho từ 1,8 – 2 triệu tấn.
Các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp cũng được Chính Phủ yêu cầu phải đảm bảo. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được yêu cầu thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định. Đồng thời xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo, để không thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung như năm 2022.
Giá dầu biến động giảm mạnh là thách thức đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Doanh thu của nhóm kinh doanh xăng dầu chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu, nhưng lợi nhuận gộp chịu tác động bởi nhiều yếu tố như cơ cấu thành phẩm xăng dầu tiêu thụ, hàng tồn kho, quỹ bình ổn,...dù được nhận một khoảng lợi nhuận cố định trên mỗi lít xăng dầu tiêu thụ.
Quý 3/2024 ghi nhận sự suy yếu của thị trường dầu mỏ thế giới khi giá dầu chạm mốc thấp nhất trong gần 3 năm. Giá dầu Brent đạt mức trung bình 79 USD/thùng, giảm 8,4% so với cùng kỳ là 86 USD/thùng và giảm 7,6% so với Q2.2024 là 85 USD/thùng. Điều này đã làm cho Biên lợi nhuận kinh doanh xăng dầu giảm và tăng chi phí vốn do tăng trích lập dự phòng Hàng tồn kho.
Theo dự báo của EIA, việc xung đột đã leo thang trong những tuần gần đây đã làm tăng khả năng gián đoạn nguồn cung và biến động giá dầu. EIA kỳ vọng khả năng sản xuất dầu thô dư thừa đáng kể, có thể được đưa vào hoạt động trong trường hợp xảy ra gián đoạn và việc sản lượng ở Libya sẽ bắt đầu tăng trở lại từ tháng 10, sau những lần ngừng sản xuất gần đây sẽ góp phần giảm tác động biến động mạnh của giá dầu.
Chia sẻ thông tin hữu ích