Thuật ngữ F0 trong đầu tư chứng khoán (hay còn gọi là nhà đầu tư F0) ám chỉ bạn là người mới tham gia thị vào thị trường này, chưa có giao dịch nào. Nếu đã giao dịch chốt lời lãi hay cắt lỗ 1 lần thì sẽ là F1, 2 lần là F2… cho đến nhiều lần thì là Fn, không còn được (bị) gọi là F0 nữa !
“Nhà đầu tư F0” là những nhà đầu tư (NĐT) mới với kiến thức còn rất hạn chế, tâm lý không vững, muốn lướt sóng nhanh, kiếm lời lớn nên đa phần là họ đầu tư theo cảm xúc, không dựa trên “chất lượng thực” của cổ phiếu.
Không chỉ đối với chứng khoán, mà đối với bất kỳ lĩnh vực hay ngành nghề nào, bạn có thể hiểu F0 là những cá nhân/ tổ chức không có kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó và đang tham gia vào lĩnh vực đó lần đầu.
#2. F0 cần lưu ý những gì khi tham gia thị trường CK
Vì là người mới, mà nói đúng hơn thì ai mà chẳng có lần đầu đúng không các bạn.
Vậy nên, việc phạm sai lầm hay có những điều không nên làm trong quá trình giao dịch mà mình vẫn vô tình mắc phải thì cũng bình thường thôi, quan trọng là sau cú vấp đó bạn rút ra được những gì. Với kinh nghiệm của một cựu F0, mình xin lưu ý cho các bạn một số vấn đề sau đây:
1/ Tâm lý giao dịch vô cùng quan trọng, bạn phải nắm thật vững nhé, đừng dễ bị lung lay.
Ý mình muốn nói ở đây là khi thị trường đang tăng nóng thì bạn cũng đừng vội đu theo, dễ đu đỉnh vài hôm, rồi hoang mang cắt lỗ trong hoảng loạn khi thị trường xuống dốc lắm bạn à!
Lúc nào chúng ta cũng phải thật bình tĩnh, xem xét cho thật kỹ trước khi giao dịch. Tránh làm theo cảm tính nhé, vì cảm tính của những nhà đầu tư F0 thường dẫn đến mất tiền không à !
2/ Tránh đi theo số đông hay kiểu ai kêu mua gì thì mua đó, xong rồi lời thì không sao mà lỗ là chửi bới người ta trong uất ức.
Có nhiều người là muốn chỉ bạn thiệt, nhiệt tình thiệt, nhưng cũng có không ít người xem bạn là một còn gà và họ đang cố lùa bạn vào chuồng. Dân chứng khoán họ gọi là “lùa gà” đó bạn. Bạn không thể biết chắc ai tốt ai xấu, bạn chỉ có thể tin tưởng vào kiến thức của chính mình mà thôi.
Không ai biết được chính xác đâu là đỉnh, đâu là đáy của thị trường. Vậy nên, người thành công hãy chọn lối đi riêng. Đi theo số đông trong chứng khoán thì xác suất bị úp bô hay lùa gà rất cao.
Vì cũng giống như trong kinh doanh thôi, 90% (hoặc nhiều hơn) người chơi chứng khoán nuôi số ít % còn lại, số người thua lỗ luôn nhiều hơn số người được rất rất nhiều. Vậy nên bạn chạy theo số đông mà không biết tự phân tích thị trường chỉ có chết thôi !
3/ Tìm hiểu thật kỹ công ty mà bạn muốn mua cổ phiếu. Muốn tin vào bản thân mình thì ít ra bạn cũng phải có cái gì đó để tin chứ đúng không? Vâng, đó chính là KIẾN THỨC !
Bạn cần phải tìm hiểu cho kỹ về những cổ đông lớn, người điều hành, công ty con/ liên kết, công ty đang đầu tư mảng gì, lĩnh vực nào? liệu nó có tiềm năng để phát triển trong tương lai hay không…
4/ Mạnh dạn chốt lời, can đảm cắt lỗ. Nếu bạn đã lỡ đu đỉnh mà nhận thấy khả năng còn lâu thị trường mới hồi mã cổ phiếu này thì bạn nên chủ động cắt lỗ để bảo toàn một phần vốn bạn nhé. Còn chốt lãi thì không bao giờ sai, đừng lo nha.
Nhiều bài trước mình đã nói rồi, cứ thấy đủ là ăn thôi, đừng tham quá để rồi ôm hận. Tức là khi bạn xác định đầu tư vào một mã cổ phiếu nào đó, bạn cũng nên xác định luôn là giá cổ phiếu lên đến bao nhiêu thì bán đi chốt lời được.
Tất nhiên, ý mình đang nói đến ở đây là những bạn chơi hệ lướt sóng, dạng đầu cơ, mua vào bán ra liên tục. Còn đối với những bạn chơi chứng khoản kiểu tích lũy thì mình không nói nhé, chọn cổ phiếu tốt rồi cứ mua đều đặn hàng tháng thôi !
5/ Tham thì thâm. Đủ target thì nên bán. Ai mà biết khi nào thị trường thủng đáy, khi nào thì hồi?! Với mình thì lời non để không lỗ đậm, sớm chút cũng còn hơn muộn.
6/ Nếu bạn nhận thấy tiềm năng của một công ty thì mạnh dạn “ôm hàng” trung hạn hoặc dài hạn bạn nhé. Trung hạn là giữ cổ phiếu từ 3-6 tháng. Dài hạn thì lâu hơn (vài năm), có người ôm cổ phiếu của FPT 8-9 năm và tài khoản giờ đã x mấy lần rồi.
Mà nói chung muốn ôm cổ phiếu kiểu này thì bạn phải mạnh về vốn, bởi đa số các mã cp được cho là an toàn thì thường khá là đắt và thường chỉ tăng nhẹ theo từng năm.. Đơn giản vì giá cp nó đã cao sẵn rồi !
Bù lại, nếu tình hình công ty ăn nên làm gia thì bạn cũng được hưởng lợi hơn. Hơn nữa, việc đầu tư dài hạn cũng giúp bạn đỡ đau đầu, đỡ phải suốt ngày “cắm mặt” nhìn vào biểu đồ chứng khoán.. và có thời gian làm những công việc khác.
Okey, mình vừa tóm tắt khái niệm về F0 trong chứng khoán và một vài lưu ý cho các bạn. Có thắc mắc gì hãy để lại bình luận chúng ta cùng nhau trao đổi bạn nhé !
Chia sẻ thông tin hữu ích