Hai kịch bản kinh doanh của Vietbank: Lợi nhuận kỳ vọng tối thiểu 390 tỷ, tối đa 1.100 tỷ
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, dự kiến diễn ra ngày 26/4 tới.
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Vietbank tính đến 31/12 là 4,5%, tương đương đạt tối đa 51.267 tỷ đồng. Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên, Vietbank đề ra 2 chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2021.
Với kế hoạch kinh doanh tối thiểu, Vietbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tính đến cuối 2021 là 51.267 tỷ đồng. Tổng tài sản của Vietbank đến thời điểm này kỳ vọng tăng trưởng 20% so với đầu năm, đạt 110.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, tổng huy động vốn đến cuối năm dự kiến tăng 21%, tương đương đạt 84.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 theo kịch bản này là 390 tỷ đồng, tăng 2,6% so với thực đạt năm trước. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Trong trường hợp được NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3 lần cùng kỳ, ước đạt 1.100 tỷ đồng.
Dự kiến tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Vietbank lúc này sẽ tăng 31% lên mức 120.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 22% đạt 60.000 tỷ đồng và và huy động từ khách hàng (gồm giấy tờ có giá) tăng 31% đạt 91.000 tỷ đồng.
TPBank muốn bán sạch hơn 40 triệu cổ phiếu quỹ, ước thu khoảng 1.200 tỷ đồng
HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) vừa có nghị quyết thông qua kết hoạch bán tối đa hơn 40 triệu cổ phiếu quỹ hiện có, tương ứng 3,73% vốn điều lệ.
Mục đích của đợt bán cổ phiếu quỹ này nhằm gia tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, cơ cấu lại nguồn vốn và bổ sung vốn lưu động để đầu tư cho hoạt động kinh doanh.
Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2021 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho phép. Nguyên tắc xác định giá theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Tạm tính theo thị giá kết phiên 12/4 (29.150 đồng/cổ phiếu), tổng giá trị lô cổ phiếu quỹ của TPBank đạt gần 1.200 tỷ đồng.
Tỷ giá chịu áp lực từ nhiều phía
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô công bố mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho hay tỷ giá USD/VND liên ngân hàng liên tục giảm trong quý I và chỉ nhích tăng nhẹ vào cuối tháng 3 do áp lực tăng giá từ đồng USD.
Tính đến cuối tháng 3, tỷ giá trung tâm tăng 0,5% đầu năm trong khi tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,1%. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng biến động hẹp, ở mức 22.970/23.180 do nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhờ cán cân thương mại thặng dư (ước tính 2 tỷ USD trong quý I).
"Do nguồn cung ngoại tệ dư thừa, chúng tôi quan sát trong quý I có khoảng 6,5 tỷ USD được ngân hàng thương mại bán kỳ hạn cho NHNN", KBSV cho biết.
Trên thị trường chợ đen, tỷ giá tăng mạnh do chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế. Chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế nới rộng lên 5 -7 triệu đồng/lượng; nhu cầu tích trữ tăng mạnh sau Tết trong khi nguồn cung hạn chế và vàng là loại hàng hóa không được nhập khẩu chính ngạch khiến nhu cầu nhập lậu vàng tăng mạnh. Theo KBSV, đây là lý do đẩy tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh trong thời gian qua.
Trên thị trường quốc tế, tỷ giá danh nghĩa đa phương (NEER) và tỷ giá thực tế đa phương (REER) quay trở lại xu hướng tăng từ cuối tháng 2, phản ánh diễn biến biến tăng giá của đồng USD trên thế giới. Kết hợp với khoảng cách giữa tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng được nới rộng, KBSV cho rằng áp lực phải phá giá VND càng rõ nét hơn.
NHNN tỉnh Hòa Bình yêu cầu kiểm soát việc vay vốn liên quan lan đột biến
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Hòa Bình yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tập trung triển khai, thực hiện chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng tín dụng của các hộ sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào địa bàn đang có phong trào trồng hoa lan và các giao dịch mua bán hoa lan đột biến gen.
Từ đó, các ngân hàng, TCTD phát hiện kịp thời khách hàng sử dụng vốn vay đầu tư vào lĩnh vực này để cảnh báo rủi ro có thể xảy ra đối với khách hàng; kiểm soát chặt chẽ các dự án vay vốn mới, trong quá trình thẩm định phải phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, tổ dân phố, thôn, xóm... để nắm bắt thông tin cơ bản của dự án và chủ dự án, thận trọng khi đầu tư vốn vào các dự án nêu trên.
Ngoài ra, NHNN tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu các ngân hàng, TCTD tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm cam kết hợp đồng tín dụng, sử dụng vốn vay sai mục đích, không hiệu quả, có nguy cơ thất thoát vốn vay, áp dụng các biện pháp, chế tài xử lý phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn vốn vay ngân hàng.
Cùng với đó, các ngân hàng, TCTD cần phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kết hợp nắm bắt thông tin từ các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngân hàng liên quan đến các giao dịch mua, bán hoa lan bất bình thường nêu trên hoặc có hành vi thông đồng với các đối tượng lợi dụng mua, bán hoa lan đột biến gen để lừa đảo.
OCB ước đạt 1.275 tỷ đồng lãi trước thuế, hoàn thành 23% kế hoạch cả năm
Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 ngay trước thềm ĐHCĐ thường niên.
Theo đó, OCB ghi nhận tổng thu thuần trên 2.000 tỷ đồng, tăng 3,3% cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 15,7%, đạt 1.366 tỷ đồng.
Ngược lại, thu ngoài lãi và thu từ dịch vụ có dấu hiệu giảm nhẹ, tỷ lệ thu thuần ngoài lãi trên tổng thu thuần của OCB trong quý I/2021 giảm nhẹ 7%.
Chốt quý I, OCB ước thu về 1.275 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020. NIM (biên lãi ròng) của OCB tăng mạnh trong quý đầu năm lên 4,19%, trong khi quý I/2020 là 3,86%. ỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) của OCB tăng nhẹ lên 29,1% từ mức 26,3% của quý cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết quý I/2021, tổng tài sản OCB đạt 160.418 tỷ đồng, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Huy động thị trường 1 (bao gồm ủy thác đầu tư), đạt 112,299 tỷ đồng, tăng 24,6% so cùng kỳ năm 2020.
Dư nợ tín dụng thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 94.839 tỷ đồng, tăng 19,7% so với quý I/2020. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 93.400 tỷ đồng, tăng 20,1%.
ĐHCĐ VietinBank: Chưa có kế hoạch điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước
Sáng 16/4, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.
Chia sẻ tại đại hội về kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ 16.800 tỷ đồng, tăng 2,14% so với mức thực hiện năm 2020 (16.448 tỷ đồng), Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ cho biết ngân hàng có đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 khoảng 10-20% so với năm 2020 nhưng sau khi cân đối, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tạm giao kế hoạch lợi nhuận 16.800 tỷ đồng như trình tại đại hội.
Giải thích về việc trình 2 phương án chia cổ tức, Chủ tịch VietinBank cho biết sự khác nhau chỉ thuần túy đến từ việc tính toán cổ tức trước và sau khi tăng vốn. Về cơ bản, VietinBank sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, toàn bộ phần vốn còn lại sau khi trích quỹ theo quy định sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu. "Quan điểm của ngân hàng là cân bằng giữa 'tiêu dùng' (cổ tức bằng tiền mặt) và 'tích lũy' (cổ tức bằng cổ phiếu", ông Thọ nói.
Liên quan đến vấn đề tăng vốn, Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết cho đến thời điểm hiện tại, chưa có kế hoạch điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước. Hiện tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại VietinBank đang ở mức 64,45%, là mức thấp nhất có thể theo quy định hiện hành.
Tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài hiện ở mức xấp xỉ mức tối đa 20%. "Vừa rồi IFC thoái bao nhiêu thì thị trường hấp thụ ngay", ông Thọ tiết lộ.
Chia sẻ thông tin hữu ích