Nền kinh tế Đức đang đối mặt với thời kỳ thử thách khắc nghiệt. Đầu tiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề và hiện tại tác động của cuộc xung đột ở Ukraine (U-crai-na) đang đẩy nền kinh tế đến bờ vực khủng hoảng trầm trọng.
Lạm phát, giá năng lượng tăng cao và tắc nghẽn nguồn cung, tất cả tạo nên một cơn bão “lớn” cho nền kinh tế. Theo lý thuyết của các chuyên gia, cơn bão đó lên xuống theo từng đợt, khác hẳn so với quy luật 4 giai đoạn thường thấy trong kinh tế là: Liên tục tăng trưởng (hay còn gọi là thời kỳ thịnh vượng); Bùng nổ; Suy thoái; Trì trệ.
Chẳng hạn, một cuộc suy thoái thường đánh dấu bằng sự giảm sút khi năng lực sản xuất yếu đi do xuất khẩu giảm, nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong nước đều giảm.
Thước đo sức khỏe nền kinh tế được tính bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giá trị của tất cả các dịch vụ và hàng hóa được sản xuất trong một thời kỳ nhất định. Nếu GDP giảm trong hai quý liên tiếp, thì đây được gọi là “suy thoái kỹ thuật”.
Như năm 2021, nguy cơ suy thoái kỹ thuật từng xảy ra khi GDP của Đức trong quý cuối cùng của năm giảm 0,3% do hậu quả của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong ba tháng đầu năm 2022, sản lượng kinh tế đã tăng 0,2%. Trong khi đó, tình hình bây giờ khác hẳn. Cả quý cuối cùng của năm 2022 và quý đầu tiên của năm 2023, nền kinh tế Đức đều suy giảm.
Nếu suy thoái tiếp tục kéo dài trong một thời gian, nó có thể biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự. Tỷ lệ thất nghiệp và số các vụ vỡ nợ gia tăng, hàng hóa tồn kho và khủng hoảng tài chính, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và ngân hàng sẽ tạo nên một kịch bản ác mộng.
Nhiệm vụ của chính phủ lúc này là ngăn chặn nền kinh tế trượt vào suy thoái, từ đó có thể rơi vào giai đoạn thấp nhất của chu kỳ kinh tế. Chính phủ sẽ phải nỗ lực để chống lại các cuộc suy thoái đang lớn dần hoặc kiểm soát suy thoái trong thời gian càng ngắn càng tốt.
Các công cụ sẵn có lúc này chỉ có thể là các gói cứu trợ cho công ty và người dân, chẳng hạn như trợ cấp của chính phủ và cắt giảm thuế, giống như những gì Chính phủ Đức đã đưa ra để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng vài tháng trước./.
Chia sẻ thông tin hữu ích