Mỹ sắp công bố thuế mới đánh vào hàng hóa của Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lập tức lên đường thăm ba nước châu Âu – Pháp, Hungary và Serbia
Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ công bố các quy định mới về thuế đánh vào hàng hóa của Trung Quốc ngay trong tuần tới, nhằm vào các lĩnh vực mang tính chiến lược, trong đó có việc tăng mạnh thuế đối với xe ô tô điện (EV).
Hãng tin Anh Reuters dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, một thông báo đầy đủ có thể được đưa ra vào ngày 14/5, với việc duy trì mức thuế hiện nay đối với nhiều hàng hóa của Trung Quốc vốn được đặt ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, khi số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập từ Trung Quốc phải chịu thuế.
Tuy nhiên, thuế mới đối với các chất bán dẫn và thiết bị năng lượng Mặt trời có thể được bổ sung, cũng như thuế đối với EV sẽ tăng. Các nhà cung cấp các thiết bị y tế như ống tiêm và thiết bị bảo hộ cá nhân của Trung Quốc có thể đối mặt với thuế bổ sung.
Xem xét lại các loại thuế được áp dụng trong thời gian diễn ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc theo “Mục 301”, chính quyền của Tổng thống Biden nhằm mục tiêu vào các lĩnh vực liên quan tới an ninh quốc gia và mang tính cạnh tranh chiến lược.
Việc cập nhật quy định thuế được chờ đợi từ lâu này diễn ra sau khi một số nghị sỹ kêu gọi tăng thuế đối với xe ô tô của Trung Quốc. Hiện có tương đối ít xe hạng nhẹ của Trung Quốc được nhập khẩu vào Mỹ.
Tờ Wall Street Journal đưa tin, thuế đánh vào EV của Trung Quốc sẽ tăng từ 25% lên khoảng 100% theo kế hoạch mới của Tổng thống Biden.
Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Sherrod Brown muốn chính phủ cấm hoàn toàn EV của Trung Quốc, do lo ngại về những rủi ro đối với dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.
Đây được coi là một thời điểm không thể nào thích hợp hơn cho chuyến đi nhằm cải thiện mối quan hệ đang gập ghềnh giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Điểm dừng chân đầu tiên của ông Tập sẽ là thủ đô Paris của nước Pháp – nơi ông sẽ gặp Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào ngày 6-5.
Mặc dù chuyến thăm của ông Tập đánh dấu 60 năm quan hệ ngoại giao Pháp – Trung Quốc, nhưng cả ông Macron và ông Tập đều muốn tập trung vào mối quan hệ rộng lớn hơn của Trung Quốc với EU.
Quan điểm về Trung Quốc trên khắp lục địa châu Âu đã thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây. Đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, khi EU đã và đang tiến hành các cuộc điều tra chống trợ cấp nhà nước đối với tuốc bin gió và thiết bị y tế, xe điện của Trung Quốc. EU cho rằng Bắc Kinh thực hiện thương mại không công bằng khi trợ cấp cho các hãng tư nhân Trung Quốc xuất khẩu hàng với giá rẻ.
Bên cạnh đó, các công ty và chính phủ châu Âu từ lâu đã phàn nàn về việc bị hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc và cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài cáo buộc thương mại bất bình đẳng, căng thẳng về gián điệp Trung Quốc ở châu Âu cũng là vấn đề lớn khi Đức và Anh trong những ngày gần đây bắt giữ và buộc tội ít nhất sáu người với cáo buộc hoạt động gián điệp và các tội danh liên quan tới Trung Quốc.
Vấn đề Đài Loan và cuộc xung đột Ukraine cũng tiếp tục chia rẽ Trung Quốc và châu Âu, cũng như quan điểm thống nhất giữa các quốc gia trong lòng châu Âu đối với Bắc Kinh.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mong muốn ổn định mối quan hệ song phương với EU. Ông Tập cũng đang nỗ lực tránh một cuộc chiến thương mại với EU và làm giảm những cáo buộc chỉ trích của châu Âu đối với Trung Quốc về thương mại cũng như về sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn đảm bảo châu Âu không xích lại gần Mỹ hơn, khi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới vào tháng 11 khó có thể đoán trước. Chuyến đi cũng được kỳ vọng gia tăng sự chia rẽ giữa những nước trong châu Âu sẽ có lợi cho Trung Quốc khi hai nước cuối trong chuyến thăm châu Âu của ông Tập được coi là những nước ủng hộ Trung Quốc trong khối EU.
Nước Pháp được chọn làm nơi khởi đầu của chuyến thăm bộ ba Pháp – Hungary – Serbia không phải là ngẫu nhiên. Trong chuyến thăm Bắc Kinh năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu nhấn mạnh ý tưởng về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu trước Mỹ.
Ông Macron lúc đó nói rằng Pháp không nhất thiết phải luôn tuân theo Mỹ trong chính sách đối ngoại. Điều này khiến các quốc gia trong lòng EU tranh cãi nhưng lại khiến Trung Quốc “hài lòng” về quan điểm ủng hộ sự độc lập của EU đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Còn gì “vui vẻ” hơn cho Trung Quốc nếu EU không lắng nghe theo Mỹ khi căng thẳng ở eo biển Đài Loan tăng cao. Do đó, chuyến thăm châu Âu của ông Tập sẽ được Washington theo dõi chặt chẽ vì lo ngại giảm bớt sự ủng hộ của lục địa già đối với các mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng của nước này.
Sau khi rời Pháp, ông Tập sẽ thăm Hungary và Serbia – hai quốc gia được coi là thân thiện với Trung Quốc và gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thủ tướng Hungary, Viktor Orbán, người đã cầm quyền 14 năm, được coi là một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Tập ở châu Âu.
Vào tháng 2 năm nay, Bắc Kinh và Budapest thỏa thuận tăng cường quan hệ thực thi pháp luật, đưa mối quan hệ vốn đã thân thiết của họ vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế và trở thành một thỏa thuận hợp tác an ninh gây lo ngại ở các nước EU khác.
Các quốc gia EU vốn đã lo ngại về lực lượng cảnh sát Trung Quốc đang hoạt động ngầm, không chính thức ở các “đồn cảnh sát mật” tại châu Âu.
Vai trò của Hungary quan trọng khi nước này giữ tư cách thành viên của cả hai khối đa phương quan trọng là EU và khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), và có mối quan hệ cởi mở với Nga và Trung Quốc.
Thủ tướng Hungary Orbán là người thường xuyên lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế, cũng như phản đối các động thái của EU chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền.
Điểm dừng cuối cùng và cũng mang tính biểu tượng nhất trong chuyến thăm châu Âu của ông Tập là tới Belgrade, nhân kỷ niệm 25 năm ngày Mỹ ném bom trúng Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô của Serbia.
Chuyến thăm này cũng gửi “thông điệp nhắc nhở” tới Mỹ về sự cố ba nhà báo Trung Quốc bị giết trong vụ ném bom vào năm 1999 vốn đã gây ra làn sóng chống Mỹ ở Trung Quốc lúc đó. Lá bài “chủ nghĩa dân tộc” không bao giờ biến mất ở Trung Quốc.
Việc ông Tập lựa chọn Pháp, Hungary và Serbia theo thứ tự trong lịch trình chuyến thăm là một sự tính toán kỹ lưỡng nhằm lôi kéo các quốc gia châu Âu lại gần Trung Quốc hơn và xa Mỹ hơn. Có lẽ ông sẽ thành công với Hungary và Serbia nhiều hơn.
Trả lời Hãng tin Reuters, một trợ lý của Tổng thống Macron cho biết nhà lãnh đạo Pháp sẽ đại diện EU lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ngừng xuất khẩu sang Nga các sản phẩm mang tính “lưỡng dụng” cho cả dân sự và quốc phòng và các công nghệ giúp đỡ Nga duy trì xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, có lẽ EU không có nhiều “đòn bẩy” để gây sức ép lên “mối quan hệ không giới hạn” giữa Trung Quốc và Nga.
Nguồn: Reuters, AFP, Tuổi trẻ
Chia sẻ thông tin hữu ích