24HMoney
Thông báo
menu
menu

Bài của Thu Cúc

Ảnh đại diện
- Việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) đã được Thủ tướng ký Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2021. Xin ông cho biết, đến thời điểm hiện tại đã chuẩn bị tới đâu cho VNX đi vào hoạt động? Và xin ông chia sẻ thêm về nhiệm vụ chính của HNX và HoSE sau thời điểm thành lập VNX?
Ông Trần Văn Dũng: Ngày 23/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2021.
Để SGDCK Việt Nam có thể được tổ chức và đi vào hoạt động chính thức, Bộ Tài chính hiện nay đang tích cực triển khai các công việc có liên quan như: Triển khai công tác chuẩn bị tổ chức, nhân sự; Trình Chính phủ sửa đổi văn bản pháp luật quy định về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; Triển khai xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Xây dựng lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác,...
Với việc thành lập SGDCK Việt Nam, SGDCK Hà Nội và SGDCK TP. HCM sẽ có sự điều chỉnh về chức năng nhiệm vụ so với trước đây. Theo đó, SGDCK Việt Nam là công ty mẹ, có chức năng quản lý các công ty con, ban hành các Quy chế nghiệp vụ, định hướng phát triển về công nghệ mới, sản phẩm mới... SGDCK Hà Nội sẽ tập trung chủ yếu tổ chức, vận hành thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp); trong khi SGDCK TP. HCM sẽ tập trung chủ yếu tổ chức, vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán có tính chất giao dịch như cổ phiếu.
GDCK Hà Nội và SGDCK TP. HCM thực hiện giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán; giám sát hoạt động công bố thông tin của tổ chức có chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch và nhà đầu tư thuộc đối tượng công bố thông tin; Triển khai phát triển hệ thống công nghệ thông tin, công nghệ mới và phát triển sản phẩm mới theo nhiệm vụ được giao; Triển khai các hoạt động nghiệp vụ theo Quy chế do SGDCK Việt Nam ban hành.
- Nhà đầu tư lo ngại rằng, sau khi tất cả các mã cổ phiếu chuyển sang giao dịch tại HoSE sẽ gây tình trạng quá tải cho HoSE và việc đứt đoạn giao dịch sẽ diễn ra thường xuyên hơn? UBCKNN đã có phương án gì để giải quyết tình trạng này?
Thanh khoản thị trường tăng đột biến trong thời gian vừa qua với khối lượng lệnh giao dịch trên thị trường chứng khoán tháng 12/2020 đã tăng gần 4 lần so với tháng 1/2020 và đánh giá xu hướng thanh khoản sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, trong khi đó, hệ thống giao dịch của HoSE mặc dù thời gian qua cơ bản hoạt động ổn định, phục vụ được nhu cầu giao dịch trên thị trường, nhưng hệ thống cũng đã cũ, gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng được nhu cầu giao dịch đang bùng nổ trên thị trường.
Trước thực trạng đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang chỉ đạo quyết liệt để khắc phục. Giải pháp căn cơ nhất là chỉ đạo để sớm hoàn thành dự án đầu tư hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động nhằm khắc phục những vấn đề của hệ thống giao dịch hiện tại. Dự kiến hệ thống mới sẽ được vận hành chính thức vào cuối năm 2021.
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác. Việc chuyển toàn bộ thị trường giao dịch cổ phiếu niêm yết từ SGDCK Hà Nội sang SGDCK TP.HCM sẽ thực hiện sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới được vận hành ổn định. Trước mắt, để giảm tải cho hệ thống, UBCKNN đồng ý cho SGDCK TP.HCM áp dụng một số giải pháp kỹ thuật như tăng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu, phối hợp với các công ty chứng khoán thành viên để tối ưu hóa lượng lệnh vào hệ thống...
- Một trong những điều mà nhà đầu tư băn khoăn là những mã cổ phiếu đang giao dịch trên HNX sau khi VNX được thành lập liệu có biến động gì không khi bộ chỉ số tiêu chuẩn niêm yết trên HNX và HoSE khác nhau? Các mã cổ phiếu này có phải chuyển sang HoSE hay xuống UPCoM khi không đủ tiêu chuẩn lên HoSE không?
Theo quy định tại Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, công ty đại chúng đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trước ngày 1/1/2021 mà vẫn đáp ứng điều kiện niêm yết theo quy định của Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 62/2010/QH12 và các văn bản quy định chi tiết thi hành thì không bị hủy tư cách công ty đại chúng, không bị hủy niêm yết, đăng ký giao dịch trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có quyết định khác. Do đó, tất cả các cổ phiếu đang giao dịch bình thường trên SGDCK Hà Nội hoặc SGDCK TP.HCM thì tiếp tục được giao dịch bình thường trên SGDCK đó. Việc chuyển cổ phiếu niêm yết từ SGDCK Hà Nội sang SGDCK TP.HCM sẽ được thực hiện theo lộ trình do Bộ Tài chính quy định như đã trả lời ở trên.
Đối với các công ty đăng ký niêm yết mới từ 1/1/2021 sẽ phải đáp ứng điều kiện niêm yết mới quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, không phân biệt tiêu chuẩn niêm yết giữa SGDCK Hà Nội và SGDCK TP.HCM. Việc phân loại, sắp xếp phân bảng cổ phiếu niêm yết sẽ căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Quy chế niêm yết của SGDCK Việt Nam.
- Xin ông cho biết, việc thành lập VNX dự kiến sẽ có tác động ra sao tới thị trường trong năm 2021?
Việc thành lập SGDCK Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội và SGDCK TP.HCM về bản chất là việc thực hiện sắp xếp lại các chức năng nhiệm vụ của các SGDCK nhằm tập trung vào chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động, phát huy vai trò của TTCK trong phát triển kinh tế như đã nói ở trên. SGDCK Việt Nam sẽ góp phần tạo nên một TTCK vừa có tính tập trung, thống nhất, tránh chồng chéo về nghiệp vụ giữa hai Sở như hiện nay, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, phát triển thị trường. SGDCK Việt Nam với quy mô lớn hơn, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò quản lý, định hướng phát triển thị trường, thống nhất các mảng thị trường. Hơn nữa, với việc hình thành một hệ thống giao dịch/hệ thống thông tin/giám sát… tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc điều hành kinh tế vĩ mô và các chính sách đối với TTCK.
Có thể thấy năm 2021 là năm tập trung thành lập SGDCK Việt Nam, hình thành cơ cấu tổ chức, bộ máy, điều lệ và các quy chế quan trọng. Nhà đầu tư qua đó sẽ có một bức tranh rõ ràng hơn về TTCK Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, cơ cấu thị trường trong năm 2021 về cơ bản vẫn chưa thay đổi vì việc tổ chức lại sẽ được tiến hành thực sự từ năm 2022.
Việc xây dựng SGDCK với quy mô lớn hơn sẽ nâng tầm vị thế của TTCK Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư đối với TTCK nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung; làm tăng vị thế cho Việt Nam trong việc liên kết hay đàm phán về tài chính, chứng khoán với quốc tế.
Nhà đầu tư lưu ý
12 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ