Cập nhật tình hình thương mại tháng 8/2024
Cán cân thương mại đạt mức cao kỷ lục trong tháng 8/2024.
Xuất nhập khẩu hàng điện tử không còn duy trì được nhịp độ tăng đều đặn dù vẫn tăng trưởng ở mức cao.
Tăng trưởng thương mại có thể chậm lại trong nửa đầu năm 2025.
Cán cân thương mại đạt mức cao kỷ lục trong tháng 8/2024
Theo số liệu ước tính của TCHQ, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 08/2024 đạt 71,5 tỷ $, tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 14,9% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,8 tỷ $, tăng 4,3% so với tháng 07/2024 và tăng 15,2% so với cùng kỳ, đây là mức xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 08/2024 đạt 33,7 tỷ $, giảm nhẹ 0,4% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Cán cân thương mại ghi nhận thặng dư lên 4,05 tỷ $, tăng 1,7 tỷ $ so với tháng trước do nhu cầu nhập khẩu chậm lại. Mức thặng dư thương mại trong tháng 8/2024 là cao nhất trong vòng 4 năm, mặc dù có thu hẹp so với ước tính trước đó là 4,5 tỷ $ của TCTK. Thặng dư khối FDI cải thiện, trong khi, thâm hụt thương mại của khối trong nước ngày càng thu hẹp.
Nhu cầu nhập khẩu chậm lại chủ yếu đến từ khối FDI. Trong tháng 08/2024, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của khối FDI đạt lần lượt 26,8 tỷ $ và 21,8 tỷ $, tăng trưởng lần lượt 13,2% và 14,7% so với cùng kỳ. Mặc dù vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, nhưng mức tăng trưởng của khối FDI có phần chững lại, thấp hơn mức tăng lần lượt 18,1% và 32,6% của tháng trước. Ngược lại, tăng trưởng trong hoạt động thương mại của khối trong nước cao hơn khối FDI, với kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 11,0 tỷ $ và 12,2 tỷ $, tăng lần lượt 20,2% và 14,7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 8T2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 265,4 tỷ $, tăng trưởng 15,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 246,9 tỷ $, tăng trưởng 18,1% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại lũy kế 8T2024 thặng dư 18,6 tỷ $ thấp hơn 688 triệu $ so với mức thặng dư của cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu hàng điện tử không còn duy trì được nhịp độ tăng đều đặn dù vẫn tăng trưởng ở mức cao
Mức tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 8 đã chững lại so với trong tháng 7, chủ yếu là do sự sụt giảm trong xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (-8,8% so với cùng kỳ và -13,8% so với tháng trước). Điều này khiến cho kim ngạch xuất khẩu chung của sản phẩm điện tử chỉ tăng 9,3% so với cùng kỳ trong tháng 8, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 20,9% trong tháng trước. Tuy nhiên, luỹ kế 8T2024, tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng điện tử vẫn duy trì ở mức cao, tăng 20,6% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong tháng 8/2024 với nhiều mặt hàng đạt kết quả ấn tượng. Nổi bật nhất là mặt hàng sắt thép, với mức tăng trưởng mạnh mẽ, lên đến 29,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng 10,3% trong tháng trước. Tính chung 8T2024, xuất khẩu sắt thép đã tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu máy móc thiết bị cũng tích cực không kém, tăng tới 31,5% so với cùng kỳ, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp mặt hàng này dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Lũy kế 8T2024, xuất khẩu máy móc thiết bị đã tăng 22,0% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu mặt hàng dệt may, giày dép, túi xách cũng tăng 16,9% so với cùng kỳ. Luỹ kế 8T2024, nhóm dệt may, giày dép, túi xách tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ, cải thiện tháng thứ 4 liên tiếp. Xuất khẩu nông lâm nghiệp và thủy sản cùng với gỗ và sản phẩm gỗ cũng đạt được mức tăng trưởng tích cực lần lượt là 23,9% và 17,8%. Lũy kế 8T2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận mức tăng cao nhất là 22,6% so với cùng kỳ.
Xét theo thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là điểm sáng khi tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 8/2024 đạt 31,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 8T2024, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng 25,9%, dẫn đầu các thị trường. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Anh và EU vẫn tương đối tích cực, lũy kế 8T2024, xuất khẩu sang hai thị trường này lần lượt tăng trưởng 23,5% và 16,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tại các thị trường châu Á, tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, tăng trưởng sang ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt chỉ đạt 12,6%/0,8%/4,7% trong tháng 8/2024. Đáng chú ý, trong tháng 08/2024, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng âm (-1,9%), lũy kế 8T2024 xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Trong các tháng gần đây, nhập khẩu nguyên vật liệu hàng điện tử tăng trưởng nhưng với tốc độ không đều đặn. Riêng tháng 8/2024, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng điện tử chỉ tăng 15,6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng lần lượt là 36,0% và 29,4% của hai tháng liền trước. Trong khi đó, nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất hàng dệt may hay nhập khẩu máy móc thiết bị duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định hơn. Nhập khẩu hai nhóm hàng này lần lượt tăng 20,7% và 15,7% so với cùng kỳ trong tháng 8/2024. Luỹ kế 8T2024, nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất hàng điện tử vẫn ghi nhận mức tăng cao nhất, 26,6% so với cùng kỳ, đóng góp khoảng 44% vào mức tăng trưởng chung của nhập khẩu
Tăng trưởng thương mại có thể chậm lại trong nửa đầu năm 2025
Cho đến tháng 8/2025, hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục cho thấy sự phục hồi tích cực nhờ nhu cầu bền bỉ từ bên ngoài, đặc biệt là thị trường châu Mỹ và châu Âu. Nhờ đó, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp tiếp tục là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,4 điểm trong tháng 8/2024, vượt mốc 50 điểm trong năm tháng liên tiếp, cho thấy động lực tăng trưởng vẫn sẽ duy trì trong ngắn hạn.
Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ duy trì mức tăng trưởng vừa phải trong thời gian còn lại của năm nhờ hiệu ứng nền thấp, sự mở rộng hoạt động sản xuất của khối FDI và đầu tư của doanh nghiệp nội địa cùng với hiệu ứng đơn hàng dồn về thời điểm trước bầu cử Tổng thống Mỹ do quan ngại liên quan đến thuế quan. Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại thể chậm lại trong nửa đầu năm 2025 do nhu cầu hàng hóa ở nước ngoài dần yếu đi. Tăng trưởng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm tốc từ 14% năm 2024 xuống 10% vào năm 2025. Tương tự, tăng trưởng nhập khẩu có thể giảm từ mức tăng 18% năm 2024 còn 11% trong năm 2025.