Ảnh đại diện Pro
18 sai lầm nên tránh khi đầu tư
Với một thị trường biến động không ngừng việc kiểm soát tâm lý là rất khó đối với các nhà đầu tư chứng khoán.Theo quan điểm của William Oneil, nhà đầu tư cần tránh các sai lầm phổ biến sau để có thể tạo ra lợi nhuận cho danh mục đầu tư của mình:
1. Cố chấp giữ những cổ phiếu thua lỗ trong khi chúng đang có rất ít giá trị và lý lẽ
Đa số mọi người có thể tống khứ chúng ngay từ đầu, nhưng do họ là con người nên đã để cho tình cảm chi phối. Bạn không muốn chịu lỗ, nên bạn cứ chờ đợi và hy vọng, cho đến khi khoản lỗ này càng lớn và bạn phải trả giá đắt. Cho đến nay thì đó là sai lầm số một mà hầu hết của các nhà đầu tư mắc phải. Theo O’Neil, ông luôn bán ngay cổ phiếu chịu lỗ khi cổ phiếu giảm 7% hoặc 8% so với giá mua. Việc tuân theo nguyên tắc này sẽ đảm bảo bạn tồn tại được đến ngày hôm sau để tiếp tục đầu tư vào những cơ hội trong tương lai.
2. Mua cổ phiếu đang rớt giá, việc làm đảm bảo sẽ đem lại những kết quả tồi tệ
Một vài cổ phiếu đang giảm giá có vẻ như rất hời vì nó trông rẻ hơn so với giá của chính nó vài tháng trước. Tuy nhiên, nếu một cổ phiếu đang bị rớt giá mạnh, tức là nó có vấn đề, tại sao bạn lại phải dồn tiền của mình vào đó trong khi có những cổ phiếu đã chứng minh được giá trị và đang tăng giá?
3. Mua cân đối giảm thay vì mua cân đối tăng
Nếu bạn mua một cổ phiếu giá 40.000đ và sau đó mua thêm ở giá 30.000đ để “cân đối” phí tổn ở mức giá trung bình là 35.000đ, bạn đang theo chân những kẻ thất bại và ném tiền vào những nơi tồi tệ. Chiến lược nghiệp dư này có thể gây ra nhiều thua lỗ nghiêm trọng và kéo danh mục đầu tư của bạn xuống vực sâu cùng với một vài kẻ thất bại thảm hại.
4. Mua một lượng lớn cổ phiếu giá thấp thay vì mua cổ phiếu giá cao hơn nhưng với số lượng ít hơn
Nhiều người nghĩ rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu mua những số lượng hàng trăm hoặc hàng nghìn cổ phần. Điều này làm cho họ có cảm giác là mua được nhiều cổ phiếu hơn từ số tiền họ có. Bạn nên mua các cổ phiếu tốt nhất hiện có, chứ không phải đổ xô đi mua các cổ phiếu rẻ nhất. Cổ phiếu giống như một loại hàng hóa khác: mặt hàng tốt nhất không bao giờ được bán với giá rẻ nhất!
5. Mong muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng
Mong muốn quá nhiều, quá nhanh mà không có sự chuẩn bị cần thiết, chỉ vội vàng học những phương pháp cơ bản nhất hay chỉ nắm được các kỹ năng và nguyên tắc cần thiết sẽ khiến bạn sớm bị thua lỗ. Nhiều khả năng bạn lao vào mua một cổ phiếu quá nhanh và sau đó quá chậm trong việc cắt lỗ khi cổ phiếu đó ngày càng giảm giá. Làm như vậy chắc chắn bạn sẽ bị thua lỗ.
6. Mua cổ phiếu dựa vào các lời gợi ý, các tin đồn, những tin tức, sự kiện
Nhiều người quá mạo hiểm đầu tư với số tiền khó nhọc mà họ kiếm được vào cổ phiếu mà một người nào đó nói, thay vì dành thời gian để nghiên cứu học hỏi và nắm chắc các cổ phiếu đó hoạt động như thế nào. Kết quả họ đã thua lỗ rất nhiều tiền. Hầu hết các tin đồn và gợi ý mà bạn nghe được đơn giản là không đúng. Ngay cả nếu chúng là sự thật chăng nữa, trong đa số trường hợp cổ phiếu liên quan sẽ giảm giá chứ không tăng giá.
7. Lựa chọn các cổ phiếu hạng hai bởi vì cổ tức cao hoặc tỷ số Giá/Lợi tức (P/E) thấp
Các tỷ lệ cổ tức không quan trọng bằng tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (tỷ lệ tăng trưởng của EPS). Trong nhiều trường hợp, công ty càng trả nhiều lợi tức thì công ty đó càng yếu kém. Có thể công ty đó phải vay nợ lãi suất cao để đổ đầy các quỹ chi trả dưới hình thức cổ tức. Những công ty hoạt động tốt thường sẽ không chi trả cổ tức. Thay vào đó, họ sẽ đầu tư nguồn vốn của mình vào công tác nghiên cứu và phát triển hoặc những cải tiến hoạt động khác. Còn về tỷ lệ P/E, tỷ lệ P/E có thể thấp bởi vì trong quá khứ thành tích của công ty đó quá kém cỏi. Đa số cổ phiếu đều được bán đúng với giá trị thật của chúng tại thời điểm đó
8. Không bao giờ bước chân qua khỏi vạch xuất phát có thể là do các tiêu chuẩn lựa chọn kém và không biết chính xác mình phải tìm kiếm cái gì ở một công ty thành công
Những người mua cổ phiếu hạng tư, “hoàn toàn không có gì đáng chú ý”, đang vận động không tốt, có mức tăng trưởng lợi nhuận, doanh thu và lợi tức trên một cổ phần (EPS) đáng đặt câu hỏi, và không phải là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường thực sự.
9. Mua những tên tuổi “lão làng” mà bạn đã quá quen
Có thể bạn từng làm việc cho một công ty nào đó nhưng không nhất thiết bạn phải chọn cổ phiếu của công ty đó để mua. Có rất nhiều cơ hội đầu tư tốt lại nằm ở các tên tuổi công ty khác mà bạn chưa biết, nhưng chỉ cần nghiên cứu một chút bạn có thể phát hiện ra và kiếm được lợi nhuận trước khi chúng trở thành tên tuổi lớn.
10. Không có khả năng xác định (và tuân theo) các thông tin và lời khuyên tốt
Bạn bè, họ hàng, một số nhà môi giới cổ phiếu nhất định và các dịch vụ tư vấn đều có thể trở thành các nguồn cung cấp cho bạn những lời khuyên sai. Chỉ có một số trong rất ít số đó mới đáng để bạn xem xét.
11. Không sử dụng biểu đồ và lo sợ mua các cổ phiếu đang leo lên đỉnh giá mới
Hơn 98% nhà đầu tư nghĩ rằng một cổ phiếu đang leo lên đỉnh giá mới có vẻ là quá cao, nhưng các quan điểm và cảm giác cá nhân kém chính xác hơn nhiều so với bản thân thị trường. Thời điểm tốt nhất để mua một cổ phiếu trong thị trường tăng trưởng là khi cổ phiếu đó bắt đầu đột phá lên từ một nền tảng giá vững chãi kéo dài trong nhiều ngày.
12. Vội vàng bán đi các cổ phiếu đang lên giá trong khi giữ lại các cổ phiếu đang giảm giá
Nói cách khác là bạn làm ngược lại những gì đáng ra bạn nên làm: tống khứ ngay các cổ phiếu đang thua lỗ và cho các cổ phiếu đang sinh lợi thêm thời gian.
13. Lo lắng quá nhiều về thuế và các khoản hoa hồng
Mục đích chính của đầu tư cổ phiếu là thu về lợi nhuận ròng đã. Quá lo lắng về thuế thường dẫn đến các quyết định đầu tư thiếu hợp lý với hy vọng “tránh” được thuế. Những khoản hoa hồng kèm theo việc mua hay bán cổ phiếu là rất nhỏ so với số tiền mà bạn có thể kiếm được nếu đưa ra được những quyết định đúng ngay từ đầu và hành động ngay khi cần thiết.
14. Tập trung thời gian vào việc nên mua cổ phiếu nào và khi đã quyết định mua thì lại không biết khi nào hoặc trong điều kiện nào thì cổ phiếu đó cần phải bán
Hầu hết các nhà đầu tư đều không có quy luật hay kế hoạch bán cổ phiếu. Như vậy họ chỉ thực hiện một nửa công việc cần làm để có thể thành công.
15. Thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của việc mua các cổ phiếu chất lượng cao có sự bảo trợ (sở hữu) của các tổ chức mạnh và tầm quan trọng của việc biết cách sử dụng biểu đồ để có thể cải thiện khả năng lựa chọn và nắm bắt thời cơ.
16. Ít giao dịch những lệnh thị trường và thích sử dụng những lệnh giới hạn về giá cho các lệnh mua và bán
Khi làm như trên, nhà đầu tư chỉ chăm chú vào từng sự tăng giá nhỏ thay vì tập trung vào những vận động lớn và quan trọng hơn của cổ phiếu. Với những lệnh giới hạn, bạn có thể phải chịu rủi ro khi không kịp mua cổ phiếu do đặt giá mua quá thấp và không kịp bán cổ phiếu để giảm thiểu thua lỗ do treo giá bán cao.
17. Thiếu khả năng định hướng khi cần đưa ra quyết định
Nhiều người không biết là họ nên mua, bán, hay nắm giữ, và sự không chắc chắn này cho thấy họ không có đường lối chỉ đạo. Đa số mọi người không tuân theo một kế hoạch đã được chứng minh, một tập hợp những nguyên tắc nghiêm ngặt hay những quy luật mua và bán để dẫn dắt họ đi đúng hướng.
18. Không đánh giá cổ phiếu một cách khách quan
Nhiều người lựa chọn các cổ phiếu mà họ ưa thích. Thay vì dựa vào hy vọng và các ý kiến cá nhân của riêng mình, các nhà đầu tư thành công thường chú ý đến thị trường, vì thị trường gần như luôn luôn đúng.
CUỐN SÁCH "LÀM GIÀU TỪ CHỨNG KHOÁN"
WILLAM J.O'NEIL
Nhà đầu tư lưu ý
6 Yêu thích
2 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ