Yêu cầu xử lý sai phạm trong gần 1.000 dự án gây lãng phí
Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm, thất thoát, lãng phí trong gần 1.000 dự án không hiệu quả, chậm tiến độ.
Chiều 15/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng hoàn thành thống kê các thông tin, số liệu liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; báo cáo rõ kết quả phát hiện vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương.
Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm về tình trạng diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật. Có gần 80.000 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.000 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm với đơn vị, cá nhân liên quan đến 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khai thác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đát đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn, vướng mắc; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ chủ trì giám sát các công việc nói trên.
Năm 2023, Chính phủ phải ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện các luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bổ sung định mức chi tiêu xe công, tài sản công, khoán chi, khoán xe công; lao động, biên chế; quản lý, sử dụng tài nguyên, đất, khoáng sản.
Trước năm 2025, các cơ quan hoàn thành đánh giá sự chồng chéo, chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật; đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ được yêu cầu đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế; trong năm 2023 rà soát các văn bản không đúng thẩm quyền liên quan miễn, giảm, giãn, hoàn thuế; tăng cường chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI.
Các dự án đầu tư công cũng phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành. Năm 2023, Chính phủ rà soát để có phương án xử lý khó khăn, nhất là với dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, sử dụng vốn ODA không hiệu quả, chậm tiến độ; dự án BT dở dang; giải quyết vướng mắc các dự án BOT.
Báo cáo số chi cải cách tiền lương
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ trong năm 2022 và Quý I năm 2023 rà soát toàn bộ các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước đến 31/12/2021 để hủy bỏ, thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản chuyển nguồn không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân.
Đồng thời, Chính phủ cần thống kê và báo cáo Quốc hội đầy đủ số chi cải cách tiền lương của từng bộ, ngành, địa phương chưa sử dụng tại ngày 31/12/2021 trong báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022; nghiên cứu cơ chế quản lý, sử dụng hiệu quả, chặt chẽ nguồn dư cải cách tiền lương để không sử dụng sai mục đích, thất thoát, lãng phí.
Theo nghị quyết, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần đánh giá kỹ, để không thất thoát nguồn lực nhà nước, phát triển thị trường bền vững, minh bạch, an toàn. Chính phủ có lộ trình, giải pháp cụ thể với dự án sử dụng vốn nhà nước thua lỗ tại doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm và kết quả xử lý trách nhiệm với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nguồn vốn nhà nước khác.
Chính phủ cũng được giao đánh giá lại việc giao, quản lý biên chế, làm rõ căn cứ xác định biên chế khối sự nghiệp lĩnh vực giáo dục, y tế; khắc phục giảm biên chế bình quân tại các cơ quan. Xác định biên chế phải căn cứ vào điều kiện, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực, địa phương gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước...
Viết Tuân - Sơn Hà
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận