Yeah1 và những đơn thuốc vội vã
Một căn bệnh trầm kha chẳng thể chữa khỏi bằng những đơn thuốc vội vã.
Gần 20% cổ phần của Yeah1 vừa được chuyển nhượng cho “đối tác chiến lược”, nhưng khoảng 300 tỷ đồng được chuyển... vào tài khoản của Chủ tịch Yeah1 (HOSE: YEG) Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và Tổng Giám đốc Đào Phúc Trí. Chuyện xưa nay hiếm trên thị trường chứng khoán, khi những người nội bộ công bố về việc giao dịch cổ phần cá nhân và gọi bên mua là “đối tác chiến lược” của doanh nghiệp. Một góc nhìn khác, trước trong và sau giao dịch, những cổ đông nhỏ của Yeah1 chẳng nắm được gì hơn ngoài những thông tin trong các báo cáo giao dịch từ Sở GDCK.
Yeah1 lên sàn vào tháng 06/2018, và hơn 8 tháng sau thì rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng với Youtube. Cổ phiếu YEG “đổ đèo”.
Tại buổi họp cổ đông thường niên tổ chức đầu tháng 05/2019, lúc này YEG đã tạm ngừng rơi nhưng viễn cảnh tương lai của doanh nghiệp là thứ đã tổn thương nặng nề, sự lạc quan của những lãnh đạo cấp cao Yeah1 vẫn duy trì. Tinh thần thoải mái và những phát biểu của Chủ tịch Tống xua bớt đi sự âu lo của cổ đông và thị trường chứng khoán, tuy nhiên, các con số dần được công bố đã không thể làm bệ đỡ cho lời ông nói.
Khi nhắc đến khoản phải thu từ việc thanh lý công ty con ScaleLab, vị Chủ tịch quả quyết về khả năng Yeah1 sẽ thu được tiền và thậm chí “biết đâu có thể có lãi”. Bên cạnh đó, dù biết rằng chiến lược kinh doanh mới cần thời gian để xây dựng, hãng truyền thông này vẫn nhanh chóng trấn an cổ đông rằng những hiệu quả tài chính có thể được thấy trong nửa cuối năm. Thực tế sớm cho thấy điều ngược lại.
Liên tiếp 3 quý sau đó, khoản trích lập dự phòng gần 280 tỷ đồng liên quan đến thương vụ kể trên là tác nhân chính yếu khiến Yeah1 báo lỗ ròng gần 372 tỷ đồng trong cả năm 2019. Suốt thời gian này, Ban lãnh đạo Yeah1 không có bất kỳ cập nhật nào đến cổ đông về khả năng thu hồi hàng trăm tỷ đồng từ bên thứ ba.
Thị trường chứng khoán là nơi được xây dựng bằng gạch vữa của niềm tin. Cổ phiếu giảm giá trước viễn cảnh tương lai kém đi và ngay cả khi những lời hứa hẹn không được thực hiện.
Cổ phiếu YEG giảm 56% trong giai đoạn khủng hoảng với Youtube (từ ngày công bố sự cố đến khi kết thúc đàm phán với Youtube), nhưng người ta không để ý rằng thời hậu khủng hoảng (từ sau khi chính thức chấm dứt hoạt động mạng đa kênh cho đến trước thời điểm rộ thông tin “đối tác chiến lược” mua cổ phần) mức giảm giá còn khủng khiếp hơn, với 65%. Nếu cổ đông nào của Yeah1 có thói quen cắn móng tay mỗi khi hồi hộp, người đó có lẽ sẽ ăn mất ngón cái của mình khi nhìn vào biến động giá cổ phiếu mỗi ngày.
Mức định giá cao trước đây của cổ phiếu YEG được dựa lưng bởi một mô hình kinh doanh đã được chứng minh. Hiện tại, thách thức với hãng truyền thông này là làm sao cho thấy khả năng tăng trưởng, kể cả sau khi mất đi một động lực kinh doanh chính yếu. Ít nhất cho đến nay, Yeah1 đã nhận ra một điều rằng họ nên tự xây nên những sản phẩm của riêng mình và không để phụ thuộc quá lớn vào một đối tác.
Hồi tưởng về mức giá 300,000 đồng/cp đã phát hành cho những nhà đầu tư ngoại giờ đây không ích gì nhiều. Tuy nhiên, đừng quên rằng thương vụ huy động vốn đó diễn ra vào thời điểm bức tranh tương lai của Yeah1 vẫn còn rực rỡ và ngàn tỷ đồng là số tiền mà doanh nghiệp này đã thu về.
Nguồn lực là một lợi thế không nhỏ để bắt đầu lại, đồng thời, cũng tồn tại một rủi ro cố hữu. Tiền sẽ là bệ phóng khi bạn có một ý tưởng tuyệt vời, nhưng nếu bỗng ý tưởng đó bị dập tắt và bạn buộc phải nghĩ ra cái gì đó khác cũng tuyệt vời như vậy một cách nhanh chóng, để xoa dịu sự lo lắng của những nhà đầu tư đã tin tưởng và góp tiền cho bạn, thì đây là trường hợp cực kỳ rủi ro.
Lượng vốn ngàn tỷ đồng mà Yeah1 huy động được phần lớn đã được giải ngân. Giờ đây, điều tốt nhất nhà đầu tư có thể làm là hy vọng các mảng miếng kinh doanh mới của Chủ tịch Tống và cộng sự sẽ không chỉ là những đơn thuốc vội vã.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận