Ý nghĩa đằng sau khoảnh khắc Donald Trump giơ cao tay sau khi trúng đạn?
Đó là hình ảnh có giá trị biểu tượng chính trị như Napoleon Bonaparte trên 'Cầu Arcole 1796'. Và hình ảnh này sẽ đưa ông trở lại quyền lực.
Ảnh. Hình ảnh này sẽ gần như chắc chắn thành biểu tượng và sẽ đưa cựu tổng thống Donald Trump trở lại quyền lực vào cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới đây.
Thời điểm sau vụ ám sát cựu tổng thống Donald Trump bất thành, như hình dung là thông tin rất nhiễu loạn. Các hãng truyền thông đã liên tục thay đổi nhận định từ thông tin ban đầu tai nạn, đến các thuyết âm mưu ở cả hai phía ủng hộ và chống.
Lọc độ nhiễu, có 2 luồng ý kiến đáng chú ý phản ánh não trạng chi phối và thao túng.
Luồng ý kiến từ phe phái chống lại ông Trump, cho rằng đây là sự việc được "set up" dàn dựng công phu của chính phe Cộng Hòa. Một dạng tương tự như tự tạo đảo chính giả, sau đó phản đảo chính để giành lại uy tín.
Hãng truyền hình CNN đã không nói vậy, song có đưa ra thông tin hung thủ là người đăng ký đảng Cộng Hòa. Sau đó có thêm nhận xét là hung thủ có đóng góp tiền cho chiến dịch tranh cử của phe Dân Chủ.
Luồng ý kiến thứ hai, từ các bình luận chính trị phe bảo thủ có xâu chuỗi các sự kiện và nhắc lại nhận định của nhân vật quan trọng như Tucker Carlson, một bình luận gia chính trị bảo thủ nổi tiếng khẳng định từ nhiều tháng trước đây rằng việc ám sát cựu tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ diễn ra.
Trong khi việc tự dàn dựng vụ ám sát, sẽ gặp phải thách thức về tính logic khi viên đạn từ khẩu súng trường ở khoảng cách xa đã thực sự bắn trúng tai của ứng viên Cộng Hòa. Mạng sống của ông khoảng cách chỉ là đúng 1 cm.
Thì việc xâu chuỗi nhận định theo logic của Tucker Carlson khi đặt ra vấn đề: nếu những nỗ lực phế truất khi Donald Trump còn tại vị và những vụ điều tra luận tội không thành công trong việc ngăn chặn vị cựu tổng xuất hiện trong lá phiếu bầu chọn tổng thống vào tháng 11, thì chắc chắn sẽ có vụ ám sát.
Nó cũng có logic thuyết phục nếu áp dụng "sổ tay hành động chính trị không chính thống" và lý thuyết về khoa học chính trị hiện đại.
Ta cũng có thể hình dung rằng giống như vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy năm 1963, sẽ có thể không bao giờ khẳng định chắc chắn động cơ của sự việc hay tổ chức nào dàn dựng ám sát chính trị nghiêm trọng như này.
Dẫu có những cái "nhíu mày" về sự thiếu logic trong các kết luận điều tra như sự việc về đường đạn của hung thủ trong vụ ám sát JFK năm 1963.
Ảnh. Vụ ám sát tổng thống Kennedy tháng 11/1963
Và ngay sự kiện ám sát ông Trump cũng sẽ có băn khoăn, nếu nghe lại phỏng vấn hiện trường của bình luận viên BBC nổi tiếng Gary O'Donoghue, nhân chứng cho biết rằng đã nhìn thấy hung thủ leo lên mái nhà với cây súng trường theo cách thức giống như cách thức huấn luyện quân đội. Và nhân chứng nhấn mạnh rằng đã chỉ cho đặc vụ và cả cảnh sát trước khi vụ nổ súng từ 3 đến 7 phút, nhưng đã không có phản ứng để sơ tán hay báo động cho cựu tổng thống.
Anyway, dẫu sao sự việc đã xảy ra.
Trong chiến dịch nước Ý tháng 3 năm 1796, Napoleon Bonaparte, một thiếu tướng pháo binh 26 tuổi, một ngôi sao đang lên, nhận lãnh sứ mệnh đối đầu với liên quân Áo - Italy.
Cùng với 37,600 quân, vị tướng trẻ có hình thức bên ngoài trông giống như nhà toán học này, còn đem theo một nhóm lớn các nhà khoa học đa ngành trong đó có nhà văn và nhiều họa sĩ vượt qua dãy Alps hiểm trở phủ đầy băng tuyết để tiến vào nước Ý, trong chiến dịch Italy nổi tiếng.
Không chỉ giỏi về quân sự, tướng Bonaparte còn có năng lực nhạy bén về chính trị.
Trong các nghiên cứu lịch sử, hầu như các sử gia đều thu hút bởi tài năng quân sự của Napoleon, mà quên rằng chính năng lực chính trị mới đưa vị tướng trẻ lên ngôi vị hoàng đế nước Pháp.
Chiến thắng ở Ý, nhưng câu chuyện hay nghệ thuật phải được kể tại Paris, nước Pháp và toàn Châu Âu.
Không một ai có lý trí mà hiểu rằng xây dựng Kim Tự Tháp thuần túy chỉ bởi sức người, bằng cách đặt từng tảng đá một.
Lý thuyết để chiến đấu và chiến thắng trong quân sự, trong kinh doanh hay trong chính trị [để chiếm đoạt quyền lực] cũng vậy, mọi sự khởi đầu bằng tư duy kiểm soát "vị trí chiến lược" để đặt đòn bẩy.
Đòn bẩy cho phép khuếch trương thành quả, hoàn thành các mục tiêu lớn hơn nhiều và với ít hoặc không chi phí. [Không đánh cũng thắng]
Chiến dịch nước Ý kéo dài 2 năm 1796 - 1797 là "vị trí đòn bẩy" cho nước Pháp thay đổi vị thế với Châu Âu, là đòn bẩy đối với cá nhân tướng Bonaparte thay đổi vị thế của ông đối với giới chính trị tinh hoa.
Trong hàng ngàn bức họa về các chiến dịch, trong đó có bức sơn dầu tuyệt vời "Napoléon Bonaparte dẫn quân qua cầu Arcole", là sức mạnh hình ảnh, là đòn bẩy cho phép khuếch trương thành quả.
Ảnh. Bức sơn dầu tuyệt vời "Napoléon Bonaparte dẫn quân qua cầu Arcole".
Và truyền thông và "nghệ thuật kể chuyện" hoàn tất vai trò cuối như một công cụ.
Và đó là tầm nhìn và lý do đằng sau của tướng Bonaparte khi đưa nhà văn và nhiều họa sĩ vượt qua dãy Alps hiểm trở phủ đầy băng tuyết để tiến vào nước Ý cùng với các quân đoàn chiến đấu trong chiến dịch Italy nổi tiếng.
Trong một sự kiện không hoàn toàn tương tự về bối cảnh, nhưng giá trị về chính trị có lẽ tương đương. Ứng viên Cộng Hòa, cựu tổng thống trong nỗ lực thuyết phục công chúng tại "bang chiến trường" Pennsylvania, đã bị ám sát.
Năng lực chính trị, bản năng nhạy cảm của một ngôi sao truyền hình về sức mạnh hình ảnh hay đó sự dũng cảm như là tính cách của người thành công, ta không thể biết. Nhưng bất chấp vẫn còn nguy hiểm, ông Donald Trump đã đứng lên vươn mạnh tay là một hình ảnh biểu tượng cho những người cộng hòa, có lẽ cả cử tri độc lập rằng ông là người "không bao giờ đầu hàng" như chính những dòng text gửi tới công chúng ngay sau sự việc.
Hình ảnh này, cũng có sức mạnh tương tự như bức tranh sơn dầu "Napoléon Bonaparte dẫn quân qua cầu Arcole". Sự kiện và hình ảnh này sẽ gần như chắc chắn thành biểu tượng và sẽ đưa cựu tổng thống Donald Trump trở lại quyền lực vào cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới đây.
Hoàng Anh Tuấn.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường