Xuất khẩu Trung Quốc chững lại khi các nước thắt chặt chi tiêu
Sau 2 năm bùng nổ về xuất khẩu, các nhà sản xuất Trung Quốc giờ ghi nhận những kết quả ảm đạm khi người tiêu dùng ở các thị trường lớn cắt giảm chi tiêu và các đợt phong tỏa tại Trung Quốc thôi thúc khách hàng chuyển sang các nước Đông Nam Á.
Khi mà hầu hết quốc gia đều chọn sống chung với Covid-19 và các lệnh giãn cách được gỡ bỏ, người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu cho laptop, điện thoại và các sản phẩm hỗ trợ làm việc tại nhà được sản xuất tại Trung Quốc. Đây là các hàng hóa đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, qua đó châm ngòi cho đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong bối cảnh dịch bệnh năm 2020.
Hơn nữa, đà tăng của lạm phát ở Mỹ và châu Âu đang buộc người dân phải thắt lưng buộc bụng, trong khi chi phí nguyên vật liệu thô và logistics vẫn còn quá cao và bào mòn lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Đây là một số thách thức mà các doanh nghiệp như Shenzhen Teanabuds Electronics đang phải đối mặt. Là một nhà xuất khẩu tai nghe và loa tới Mỹ, châu Âu và Trung Đông, Công ty này chứng kiến số đơn đặt hàng giảm 50% so với cùng kỳ.
“Số đơn đặt hàng sẽ chỉ tiếp tục giảm trong phần còn lại của năm 2022 vì chúng tôi đang đánh mất lợi thế”, Zhang Wanli, Giám đốc marketing toàn cầu tại Shenzhen Teanabuds Electronics, cho hay.
Một số khách hàng của Teanabuds gần đây đã chuyển đơn đặt hàng sang các quốc gia Đông Nam Á, do các nhà cung ứng ở đó chào giá thấp hơn vì chuỗi cung ứng của họ không bị gián đoạn như Trung Quốc, ông Zhang cho biết. Chi phí mua nguyên vật liệu và vận chuyển đã bào mòn biên lợi nhuận của Công ty từ 30% (năm 2019) xuống 15%, ông cho biết.
Sự suy giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc đang giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngay khi nước này đang vật lộn với bất ổn từ thị trường bất động sản và các biện pháp kiểm soát Covid-19 quyết liệt từ Chính phủ.
Sau khi tăng trưởng 30% trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc có khả năng chỉ tăng trưởng 1.6% trong năm nay, theo dự báo của Nomura Holdings. Xuất khẩu đóng góp hơn 1/3 tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2021 và 20% trong năm 2020, Nomura Holdings ước tính.
Hoạt động thương mại nhiều khả năng sẽ nhận được cú huých tạm thời khi Thượng Hải tái mở cửa trở lại sau 2 tháng phong tỏa. Các chuyên gia kinh tế dự báo kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8% trong tháng 5/2022, cao hơn so với mức 3.9% của tháng 4. Tuy nhiên, xu hướng trong phần còn lại của năm 2022 vẫn là giảm.
“Cú bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc đã chấm dứt”, Larry Hu, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group, cho hay.
Số lượng hàng xuất khẩu có thể giảm trong năm nay ngay cả khi tăng trưởng danh nghĩa vẫn dương nhờ giá cả hàng hóa tăng, Thomas Gatley, Chuyên viên phân tích cấp cao tại Gavekal Research, nhận định. Đà giảm tốc mạnh của xuất khẩu sẽ đẩy mục tiêu tăng trưởng 5.5% vụt khỏi tầm tay của Trung Quốc.
“Đây không phải là thời điểm tốt lành để xuất khẩu suy yếu”, Gatley nhận định. “Đây là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách ngày càng hoảng loạn”.
Mặc dù người tiêu dùng toàn cầu vẫn còn lượng tiền tiết kiệm dồi dào, nhưng việc không còn hỗ trợ tài khóa từ Chính phủ và lãi suất ngày càng tăng đang tác động tới thu nhập khả dụng của họ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh người tiêu dùng chuyển sang chi cho dịch vụ nhiều hơn, nhu cầu hàng hóa đang giảm dần.
Các ông lớn bán lẻ Mỹ như Walmart và Target đang nắm giữ 45 tỷ USD hàng tồn kho, tăng 26% so với cùng kỳ, sau khi tăng cường tích trữ để đối phó với tình trạng gián đoạn cung ứng. Điều này có nghĩa họ không có áp lực phải đặt đơn hàng mới.
Guangzhou GL Supply Chain – sản xuất từ các sản phẩm làm vườn (như bình tưới cây và khăn trải bàn) cho tới túi đựng đồ – cho biết số đơn đặt hàng từ Mỹ và châu Âu đã giảm một nửa so với cùng kỳ.
Thậm chí các sản phẩm cho mùa Giáng sinh cũng đang có thành quả rất tệ so với năm 2021, “có lẽ vì người dân buộc phải chi nhiều hơn cho các hàng hóa thiết yếu cơ bản” vì lạm phát cao hơn, Chen Zijian, Giám đốc kinh doanh, cho hay.
“Năm ngoái, đại dịch là vấn đề nghiêm trọng hơn”, ông nói. “Nhưng chúng tôi vẫn bán được các sản phẩm làm vườn và việc làm ăn chẳng bị tác động mấy, có lẽ vì người dân ở nhà và chăm vườn”. So với năm ngoái, đơn hàng của Công ty đã giảm rất nhiều, ông nói.
Đánh mất đơn hàng
Nhìn rộng hơn, các chuyên viên phân tích cho biết sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước có chi phí sản xuất thấp hơn ở Đông Nam Á đang được đẩy nhanh. Khoảng 7% số đơn hàng nội thất của Trung Quốc đã bị mất vào tay các nước như Việt Nam trong giai đoạn tháng 9/2021-3/2022, cũng như 5% đơn hàng dệt may và 2% đơn hàng thiết bị điện tử, theo ước tính của Everbright Securities.
Thách thức còn gia tăng bởi giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển. Chỉ số nguyên vật liệu thô thuộc chỉ số sản xuất (PPI) Trung Quốc đã tăng 17.4% trong tháng 4/2022. Chỉ số vận chuyển bằng container của Thượng Hải vẫn cao gấp 4 lần so với trước dịch, dù rằng đã giảm 17% từ đầu năm.
Thậm chí những nhà xuất khẩu đang ăn nên làm ra cũng lo ngại về tương lai khi Fed và các NHTW khác nâng lãi suất.
Hermann Zhai, Tổng Giám đốc của công ty sản xuất xe golf điện Kinghike Vehicle ở Sơn Đông, đang chứng kiến đơn hàng tăng mạnh khi khách hàng chuyển từ xe chạy xăng sang xe chạy điện vì đà tăng của giá năng lượng.
“Tôi hy vọng các biện pháp của Fed sẽ ngăn chặn lạm phát hiệu quả”, Zhai cho biết. “Nếu tình hình trở nên tệ hơn và biến thành siêu lạm phát, doanh số của chúng tôi sẽ bị tác động cực kỳ nặng nề”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận