Xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ - Cơ hội mở rộng thị phần
Tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Hoa Kỳ từ Việt Nam vẫn ở mức thấp là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này trong thời gian tới.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 203,2 triệu USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2020, góp phần đưa trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 11 tháng đạt 3,25 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong 10 tháng năm 2021, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Hoa Kỳ đạt 40,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ luôn khiến người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm mới, mở ra cơ hội cho các hoa quả, đặc sản từ vùng nhiệt đới của Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Hoa Kỳ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Trong đó, vú sữa Kế Sách (Sóc Trăng) được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Singapore với số lượng ngày càng tăng.
Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, cả nước có 105.400ha trồng bưởi, sản lượng gần 950.000 tấn. Từ này đến hết quý I/2022, cả nước sẽ thu hoạch khoảng 140.000 tấn bưởi. Việc trái bưởi được chính thức xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây nói chung và trái bưởi nói riêng tại thị trường này. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến nghị doanh nghiệp nào có nhu cầu, khả năng thì nhanh chóng phối hợp với các đơn vị kiểm dịch thực vật của Việt Nam hoàn tất các hồ sơ để sớm xuất khẩu trái bưởi sang Hoa Kỳ.
Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả. Biểu đồ cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu sang các châu lục trong năm 2021 cho thấy sự chuyển dịch rõ nét. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ tăng, thì tỷ trọng xuất khẩu sang châu Á giảm. Trong năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu tới châu Âu đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020; tới châu Mỹ đạt 271 triệu USD, tăng 29,1% so với năm 2020.
Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt khi có tới 332 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, hệ thống phân phối tại Hoa Kỳ đa dạng, nhiều kênh, hiện đại, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ. Tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Hoa Kỳ luôn khiến người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm mới, mở ra cơ hội cho các loại rau quả đặc sản từ vùng nhiệt đới của Việt Nam. Mặt khác, tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Hoa Kỳ từ Việt Nam vẫn ở mức thấp là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này trong thời gian tới.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, hoạt động xuất khẩu trái cây, đặc biệt là trái cây tươi sang Hoa Kỳ cũng gặp các khó khăn. Trước hết, sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng ngày càng nhiều tại các bang như Florida, California, hay như tại Mexico và các nước Nam Mỹ có điều kiện tự nhiên gần giống Việt Nam, cũng như sản phẩm của các nước châu Á khác và sản phẩm thay thế được trồng ngay tại Hoa Kỳ.
Ngoài ra, do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao, nên hàng rau quả của Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được nhiều với thị trường này. Hoa quả tươi có mùa vụ ngắn cũng đòi hỏi các khâu trong chuỗi phân phối phải rất nhịp nhàng, hiệu quả để nâng hiệu quả xuất khẩu của các loại trái cây tươi của nước ta.
Để gia tăng xuất khẩu hàng rau quả vào thị trường Hoa Kỳ, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến nghị, các doanh nghiệp trong nước nên phối hợp với nhà nhập khẩu, phân phối tại Hoa Kỳ nghiên cứu phương thức thanh toán linh hoạt, hỗ trợ chia sẻ rủi ro, nhất là giai đoạn đầu tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, xem xét việc liên kết, đầu tư kho lạnh để lập trung tâm phân phối hàng Việt Nam tại một cảng nhập lớn ở Bờ Tây, sau có thể mở thêm tại Bờ Đông hoặc phía Nam, với quy mô đủ lớn, phục vụ nhiều nhóm hàng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí, tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động cập nhật, thường xuyên cung cấp thông tin, chủ động khai mở, tạo cơ hội thị trường.
Chịu tác động của dịch COVID-19, trong năm 2021 cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã có sự dịch chuyển, cụ thể trong khi chủng loại hàng quả và quả hạch giảm tỷ trọng xuất khẩu, thì chủng loại sản phẩm chế biến lại tăng. Trị giá xuất khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến trong năm 2021 chiếm 25,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, tăng 1,5 điểm phần trăm so với năm 2020.
Mặc dù có sự chuyển dịch tích cực, nhưng so với yêu cầu phát triển và hội nhập, ngành rau quả chế biến của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh việc xuất khẩu trái cây tươi, nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư cho chế biến sẽ giúp ngành hàng rau quả tăng giá trị xuất khẩu. Vì vậy, cần phải đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.
Dịch COVID-19 được cho là không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến toàn cầu. Ngược lại, nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi hoặc đông lạnh giảm, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến. Trong khi đó, giá cả, thời gian sử dụng và sự đổi mới là những động lực chính thúc đẩy sự gia tăng tiêu thụ trái cây và rau quả chế biến trong thời gian tới.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong quý IV/2021 đạt 800,2 triệu USD, tăng 10,5% so với quý III/2021, tăng 3% so với quý IV/2020. Tính chung năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận