Xuất khẩu rau quả có thể lập kỷ lục mới trong năm 2023
Dù tình hình xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng.
Xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục gần 5 tỷ USD
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 4,9 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này vượt xa so với kế hoạch hồi đầu năm (4 tỷ USD) và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu rau quả chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 2,75 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 21%, Nhật Bản tăng 6%. Hiện, Trung Quốc là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 65%, tăng 22% so với cùng kỳ 2022.
Đáng chú ý, một số mặt hàng trái cây có sự bứt phá ngoạn mục như: sầu riêng đạt 1,8 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu; mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan cũng tăng mạnh từ 45 - 150% so với cùng kỳ năm trước.
Gọi tên những loại hoa quả triển vọng
Báo cáo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 chắc chắn sẽ vượt con số 2 tỷ USD. Nguyên nhân là do, sau khi ký Nghị định thư, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh.
Năm nay, Hải quan Trung Quốc cũng đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép. Đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân này.
“Với việc tăng cường chất lượng, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và mở cửa thêm nhiều thị trường thì con số xuất khẩu sầu riêng 3,5 tỷ USD trong thời gian tới là hoàn toàn có thể đạt được”, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Đáng chú ý, một loại trái cây nữa cũng được Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá tiềm nang trong thời gian tới, đó là quả dừa tươi. Hiện, Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục xuất chính ngạch dừa sang Trung Quốc. Đây là loại trái cây được kỳ vọng nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Công Thương, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo trong hai tháng cuối năm, nước ta có thể thu về khoảng 200 - 300 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm lên 2,4 - 2,5 tỷ USD.
Cùng với sầu riêng, bưởi cũng trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả bởi theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong năm 2023, bưởi đã ghi danh là loại quả có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu trái bưởi đạt 29,6 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022, mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.
Kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm xuất khẩu
Thông tin trên Kinh tế & Đô thị, nhìn nhận về bức tranh xuất khẩu ngành hàng rau quả, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, dù tình hình xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, song các doanh nghiệp cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu.
Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm các loại như mít, thanh long…
Đáng nói, đã có một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ NN&PTNT sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
“Các doanh nghiệp và địa phương cần kiểm soát tốt chất lượng để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu. Như vậy, ngành hàng rau quả và xuất khẩu rau quả mới đạt được tăng trưởng bền vững trong những năm tới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến cáo.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đàm phán với Trung Quốc các nghị định thư về những mặt hàng xuất khẩu như: dưa hấu, sầu tiêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi từ xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu những mặt hàng này, thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn cao hơn nhiều.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nhiều thách thức khi liên tục thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật.
Do vậy vấn đề đặt ra lúc này là các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ những quy định để kịp thời điều chỉnh sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn mới. Đồng thời, các cơ quan hữu quan cũng cần đồng hành với doanh nghiệp trong chiến lược đưa hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.
Theo báo điện tử Chính Phủ, đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD; trong đó, tỉ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận