menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Vũ

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, thích ứng với quy định mới

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần thay đổi cách tiếp cận về các yêu cầu của Trung Quốc như an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thủ tục…

Sáng 6/11, Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn trực tuyến “Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 và Lệnh 249)".

Cụ thể, Lệnh số 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Trung Quốc ra nhiều quy định mới

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc là trái cây, thủy sản…

Để đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021 quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm.

So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại, tăng 16,7%; giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại, tăng 42%.

Để tăng cường giám sát các sản phẩm nông sản nhập khẩu, tiêu chuẩn này cũng thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký sử dụng ở Trung Quốc.

Trước việc tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm của Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận về các yêu cầu của thị trường như an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác, thủ tục pháp lý… để thích ứng.

Đặc biệt, Trung Quốc có quy định về cửa khẩu nhập khẩu loại nông sản, loại trái cây được nhập khẩu theo từng cửa khẩu, không phải hàng hóa cứ lên các cửa khẩu là được thông quan. Trước khi hàng hóa đưa lên thông quan phải được cơ quan Việt Nam kiểm dịch, chẳng hạn như trái cây sẽ do Cục Bảo vệ thực vật đảm nhiệm kiểm dịch.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật cho biết, phía Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch, cùng với đó là yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm.

Ngoài ra, Trung Quốc đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư, đồng thời yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Đáng chú ý, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có 500 loài; trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam.

Cục phó Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, do đó, các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc phê duyệt gần 2.000 mã số vùng trồng và gần 1.800 cơ sở đóng gói. Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo và phối hợp với các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu để đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng.

Cơ quan quản lý cần đồng hành cùng doanh nghiệp

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An chia sẻ, do dịch Covid-19 nên phải thực hiện kiểm tra doanh nghiệp trực tuyến về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, việc kiểm tra trực tuyến cũng còn khó khăn, tồn tại, điển hình như vừa qua khi kiểm tra trực tuyến các doanh nghiệp lớn không đạt yêu cầu thì doanh nghiệp nhỏ sẽ khó khăn hơn nữa. Do đó, các cục chuyên môn cần có hướng dẫn chi tiết hơn để tránh có những sai sót trong kiểm tra trực tuyến.

Với các quy định mới của Trung Quốc, các đơn vị cần kịp thời cung cấp tài liệu, kèm hình ảnh minh họa các quy định để các địa phương làm tư liệu, tuyên truyền, hướng dẫn dễ dàng cho doanh nghiệp; đồng thời tăng cường đào tạo tập huấn cho các địa phương.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, thông tin thị trường còn chậm, chẳng hạn khi hàng bị cảnh báo mà doanh nghiệp chưa cập nhật kịp sẽ gây tốn kém khi hàng hóa vẫn ra cảng nhưng không được thông quan lại phải quay trở về.

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản thông tin, hiện nay Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thuỷ sản sống. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu vì phải mất một thời gian chờ tại cảng.

Bên cạnh đó, số lô hàng thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Đây là điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu, đặc biệt là các chỉ tiêu phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu về bệnh thuỷ sản.

Để kịp thời hướng dẫn cho địa phương doanh nghiệp nắm bắt quy định mới, ông Lê Bá Anh cho rằng, Ban chỉ đạo thị trường cần thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định mới của Trung Quốc, thường trực là Văn phòng SPS Việt Nam; ứng dụng đăng ký trực tuyến cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh áp dụng kiểm tra chứng nhận xuất khẩu trực tuyến, chứng nhận ký số…

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, thích ứng với quy định mới
Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoa Việt phát biểu tại diễn đàn. (Nguồn: NN)

Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoa Việt cho rằng, Trung Quốc đang dần hoàn thiện về thể chế, pháp luật về an toàn thực phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi.

Bà Hương kiến nghị cơ quan quản lý cần thành lập tổ công tác hướng dẫn kỹ thuật cho doanh nghiệp, có thể thu phí, doanh nghiệp sẵn sàng trả phí để nhận được sự hướng dẫn chi tiết. Nhưng trước mắt cần có bộ tài liệu hướng dẫn cụ thể của nước xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Ông Ngô Xuân Nam cho biết, Văn phòng SPS Việt Nam và các cơ quan chuyên môn sẽ tăng cường thông tin đến doanh nghiệp và cần sự phối hợp vào cuộc của các bên liên quan trong chuỗi liên kết để chủ động thích ứng với các quy định của trường; số hoá dữ liệu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, địa phương cần chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, nuôi, các doanh nghiệp chế biến, đóng gói xuất khẩu để chuẩn bị cho việc kiểm tra đánh giá trong việc mở cửa thị trường hoặc thanh tra của đối tác.

Doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cũng chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường việc thanh tra và giám sát đối với các doanh nghiệp vi phạm cảnh báo.

Ông Ngô Xuân Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vào Trung Quốc tiếp tục đăng ký cũng như kiểm tra thông tin đăng ký tại trang web của Văn phòng SPS Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại