24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dương Hải
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xuất khẩu giữ vững "phong độ"

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do đại dịch bùng phát, xuất khẩu vẫn giữ được tăng trưởng, trong đó nông - lâm - thủy sản năm nay vượt xa chỉ tiêu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 11, giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp đã đạt 43,48 tỉ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt chỉ tiêu xuất khẩu của cả năm được giao là 42 tỉ USD. Theo thông lệ, giá trị xuất khẩu của tháng 12 thường cao nên cả năm 2021, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản có thể lên tới 47 tỉ USD, vượt kế hoạch đến 5 tỉ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay.

Nhiều mặt hàng trúng giá

Giá nông sản tăng là một trong những lý do khiến giá trị xuất khẩu của ngành tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng cao nhất phải kể đến là hồ tiêu có giá trung bình 3.519,6 USD/tấn, tăng 54,4%; cao su 1.670,3 USD/tấn, tăng 25,8%; cà phê đạt 1.931,4 USD/tấn, tăng 10,7%; gạo đạt 528,1 USD/tấn, tăng 6,5%... Với hạt điều, dù giá giảm trong các tháng đầu năm nhưng cuối năm đã nhích lên, bình quân 11 tháng vẫn đạt 6.289,8 USD/tấn, tăng 0,2% so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết xuất khẩu hồ tiêu cả năm 2021 có thể đạt khoảng 900 triệu USD, tăng 250 triệu USD so với năm ngoái. Dịch bệnh gây khó khăn rất lớn đối ngành hồ tiêu nhưng các doanh nghiệp (DN) đã tổ chức nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn. Trong đó, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, khách hàng truyền thống cũng như khách hàng mới để bảo đảm xuất khẩu thuận lợi nhất. Đồng thời, liên kết với nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu bền vững. DN cũng tăng dần giá thu mua nguyên liệu trong dân từ 40.000 đồng/kg trong năm ngoái lên 80.000 đồng/kg như hiện nay.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay kế hoạch xuất khẩu của ngành năm 2021 là 16 tỉ USD, từ mức 12,3 tỉ USD của năm ngoái.

Sau nhiều khó khăn của giai đoạn phong tỏa, giãn cách vì đại dịch, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cuối năm đã phục hồi nhanh chóng, riêng tháng 11 xuất khẩu được 1,15 tỉ USD. Dự kiến trong tháng 12 này, xuất khẩu được khoảng 1,34 tỉ USD và cả năm có thể đạt 14,5 tỉ USD, dù chưa đạt kế hoạch ban đầu nhưng vẫn là mức kỷ lục từ trước đến nay.

Không chỉ các DN chuyên về xuất khẩu mà DN sản xuất hàng tiêu thụ nội địa như Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) cũng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để bù đắp những khó khăn ở thị trường trong nước. Bà Kao Huy Phương, Phó Giám đốc ABC Bakery, thông tin năm trước DN xuất khẩu được khoảng 10 container/tháng sản phẩm bánh các loại thì năm 2021 đã tăng lên 16-18 container/tháng. Nguyên nhân một phần do sản phẩm của ABC Bakery được các hộ gia đình ở nước ngoài mua để dự trữ sử dụng trong thời điểm dịch bệnh. Thị trường chính của DN là Nhật Bản, nơi hàng xuất khẩu Việt Nam có lợi thế nhờ thuế suất giảm theo các hiệp định thương mại tự do.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina, cho hay năm 2021, sản lượng hàng xuất khẩu của công ty chiếm tỉ trọng lớn so với hàng tiêu thụ nội địa. Để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu bảo đảm tiến độ, công ty phải điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất cho hàng nội địa chuyển sang sản xuất hàng xuất khẩu. Do khó khăn về lao động nên công ty phải tổ chức tăng ca liên tục.

Nỗ lực vượt bậc

Duy trì hoạt động và xuất khẩu là nỗ lực phi thường của các DN giữa bối cảnh Covid-19 với nhiều yếu tố tác động không thể lường trước được. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T - chuyên xuất khẩu trái cây tươi, cho biết ông không thể nào quên được vụ thu hoạch thanh nhãn, một giống nhãn đặc sản mỗi năm chỉ có 1 mùa ở Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) lại rơi ngay vào giai đoạn cao điểm giãn cách. "Nhiều DN khác đã bỏ cuộc vì không thể nào đáp ứng nổi quy định về "3 tại chỗ", về vận chuyển liên tỉnh, xét nghiệm Covid-19 cho đội ngũ tài xế, công nhân thu hoạch... phải buông vùng nguyên liệu. Còn chúng tôi, khó đến đâu gỡ đến đó, có khi nửa đêm gọi điện thoại cho Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổ 970) để nhờ tháo gỡ vướng mắc. Có lúc đêm hôm 2 tài xế phải lo "sang xe" cho hơn 13 tấn thanh nhãn tại chốt để kịp đưa hàng về nhà máy xử lý để kịp tiến độ. Nhờ vậy, kết thúc vụ thanh nhãn, DN đã xuất khẩu được 300 tấn, tăng 30% so với năm ngoái dù khó khăn muôn bề. Từ vụ nhãn này, chúng tôi giữ được uy tín với bà con nông dân, HTX và uy tín với khách hàng" - ông Tùng nhớ lại.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific, cho hay 6 tháng đầu năm công ty hoạt động tốt, đáp ứng đầy đủ các đơn hàng xuất khẩu. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhiều địa phương thắt chặt giãn cách khiến việc lưu thông, sản xuất gặp rất nhiều trở ngại. Công ty ông phải rất cố gắng mới duy trì được "3 tại chỗ" để kịp thực hiện đơn hàng, tạo công ăn việc làm cho công nhân. "Điều may mắn là từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch dài hạn, chủ động sản xuất dự phòng nên luôn có sẵn một lượng hàng tồn kho đủ cung cấp cho 2-3 tháng sau khi dịch bùng phát. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch dự trữ nguồn gỗ và nguyên phụ liệu. Nhờ đó mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu của công ty vẫn được duy trì trong suốt giai đoạn dịch bệnh phức tạp. Tuy vậy, một số khách hàng vẫn gây áp lực về tiến độ giao hàng nên ngay khi vừa nới lỏng giãn cách, chúng tôi phải tổ chức tăng ca liên tục mới đáp ứng được đơn hàng" - ông Thắng kể và cho biết để bảo đảm đủ lực lượng lao động, công ty phải chăm lo tốt cho công nhân từ việc chi trả lương đầy đủ, kể cả nơi ăn ở và bảo đảm an toàn sức khỏe để họ yên tâm làm việc.

Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, cho hay xuất khẩu điều 10 tháng đầu năm đạt hơn 505.000 tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái (số lượng này đã gần bằng con số xuất khẩu của cả năm 2020). Hai tháng cuối năm, lượng điều xuất khẩu sẽ tăng lên đáng kể do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điều trên thế giới trong năm nay tăng khá cao do mặt hàng này có chất dinh dưỡng cao đáp ứng trong tình hình dịch bệnh, dễ bảo quản. Cũng theo ông Hậu, sở dĩ xuất khẩu điều tăng trong khi tình hình dịch bệnh gây khó khăn quá lớn là nhờ DN điều tổ chức tốt chuỗi hoạt động từ khâu thu mua nguyên liệu, sản xuất, chế biến, vận chuyển, xuất khẩu. Từng công đoạn đều được phối hợp đồng bộ, không để xảy ra tình trạng gián đoạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả