Xuất khẩu cá ngừ tháng 9 giảm 18%, dự báo cuối năm kém khả quan
Tháng 9/2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 72 triệu USD, giảm 18% so với tháng trước đó.
Tạp chí Mekong Asean dẫn số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 72 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước và giảm 18% so với tháng trước đó. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp xuất khẩu cá ngừ giảm về trị giá trong năm 2023. Theo VASEP, lũy kế 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 617 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.
Về sản phẩm, xuất khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong tháng 9. Do đó, tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nhóm sản phẩm này giảm 41%, đạt 315 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam cũng có xu hướng giảm sâu hơn trong tháng này, giảm 15% so với cùng kỳ. Điều này đã khiến tổng giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến khác, trong đó chủ yếu là thịt/loin cá ngừ hấp đông lạnh, có xu hướng tăng nhanh hơn trong tháng 9, với mức tăng 97%. Mức tăng này đã nâng tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm 2023 lên hơn 107 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ.
Về thị trường, xuất khẩu cá ngừ sang một số thị trường chính đang có dấu hiệu hồi phục trong tháng 9 sau một thời gian sụt giảm như Canada và Nga, với mức tăng lần lượt là 44% và 124%. Trong khi đó, xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống lại đảo chiều giảm như EU và Israel.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ đã không giữ được đà tăng trưởng trong tháng 8. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã giảm nhẹ 1% trong tháng 9. Dù vậy, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam với 238 triệu USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023. So với cùng kỳ năm trước, trị giá xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ ghi nhận giảm 41%.
Theo báo cáo của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Conference Board công bố ngày 26/9 cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm từ 108,7 hồi tháng 8 xuống 103 trong tháng 9. Đây là tháng giảm thứ 2 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 5 tới nay. Điều này cho thấy người dân Mỹ có thể thắt chặt chi tiêu hơn. Và điều này có thể tiếp tục kìm hãm khả năng phục hồi của thị trường cá ngừ nước này.
Cùng với Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang EU sau khi tăng trưởng liên tục trong 4 tháng qua đã sụt giảm 25% trong tháng 9. Một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu sang khối thị trường này là do xuất khẩu sang Đức giảm. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ sang Đức sau một thời gian tăng trưởng liên tục đã bất ngờ giảm sâu trong tháng 9, với mức giảm 48% so với cùng kỳ.
Trái với Đức, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hà Lan và Italy vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong tháng 9. Theo các doanh nghiệp, hạn ngạch ưu đãi thuế quan mà EU dành cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam theo hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam) đã được sử dụng hết. Và dự kiến điều này sẽ kìm hãm các đơn hàng xuất khẩu sang khối thị trường EU.
Cùng với đó, Chiến tranh Israel – Hamas nổ ra, xuất khẩu sang Israel, thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam sẽ còn tiếp tục sụt giảm. Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, không chỉ xuất khẩu sang Israel, xuất khẩu sang các nước Trung Đông cũng sẽ chậm lại. Do đó, VASEP dự kiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong quý cuối năm nhiều khả năng sẽ không khả quan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận