Xu thế dòng tiền: Vướng ETF, VN-Index vẫn chưa "công phá" được ngưỡng 1.000 điểm
Lại thêm một lần nữa VN-Index không thể vượt qua được ngưỡng 1.000 điểm và đây là lần thứ 3 chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua...
Lại thêm một lần nữa VN-Index không thể vượt qua được ngưỡng 1.000 điểm và đây là lần thứ 3 chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua.
Mặc dù phiên cuối tuần thị trường giảm khá mạnh do ảnh hưởng của giao dịch "review" từ hai quỹ ETF ngoại nhưng các chuyên gia vẫn rất thận trọng khi đánh giá thị trường chưa hội tụ đủ yếu tố cần thiết để đột phá.
Ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm đã được kiểm định đi kiểm định lại nhiều lần nhưng vẫn không "dứt điểm" được sẽ khiến thị trường trở nên thiếu chắc chắn từ góc độ phân tích kỹ thuật. Càng nhiều lần "retest" không thành, các tín hiệu tiêu cực sẽ xuất hiện nhiều hơn. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng thị trường cần thêm thời gian để tích lũy và chờ đợi thời điểm thuận lợi hơn về mặt thông tin.
Việc VN-Index dập dình gần mốc 1.000 điểm cũng dẫn đến các chiến lược giao dịch khác nhau như chốt lời chờ vượt 1.000 điểm rồi quay lại, hoặc tiếp tục nắm giữ với kỳ vọng thị trường sẽ đột phá thành công. Các chuyên gia có quan điểm trung tính và hành động thận trọng khi tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu cơ bản nhưng tỷ trọng danh mục chỉ cân bằng 50/50.
ÔNG TRẦN XUÂN BÁCH
Trừ hai phiên tăng khá đầu tuần, 3 phiên cuối tuần VN-Index "vật vã" không qua được 1.000 điểm dù hai lần vượt 998 điểm. Anh chị đánh giá diễn biến khó khăn này thế nào? Thị trường thiếu lực hay chưa đến thời điểm thuận lợi để đột phá, hay chỉ là rung lắc như kịch bản dự kiến tuần trước?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Mặc dù chưa chinh phục thành công mốc 1.000 điểm trong 3 phiên giao dịch cuối tuần nhưng tôi cho rằng thị trường đã có một tuần giao dịch thành công: chỉ số VN-Index tăng 3,16 điểm so với tuần trước, thanh khoản tăng và dòng tiền tập trung vào các mã cổ phiếu có cơ bản tốt. Thông thường, ở những tuần ETF tiến hành review, nhà đầu tư luôn có xu hướng thận trọng và hạn chế giao dịch nên việc thanh khoản tăng được xem là một tín hiệu tích cực.
Tích cực là vậy nhưng xét về mặt phân tích kỹ thuật thì thị trường vẫn đang gặp ngưỡng cản tâm lý khá mạnh ở mốc 1.000 điểm. Trong vòng 2 tháng qua, thị trường đã test ngưỡng này 3 lần nhưng chưa một lần thành công nên tâm lý cũng trở nên thận trọng hơn.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Từ đầu năm 2019 tới giờ có 1 lần VN-Index vượt 1.000 điểm, 1 lần chạm 1.000 điểm và 3 lần gần tới 1.000 điểm rồi quay đầu điều chỉnh. Theo phân tích kỹ thuật, nếu từ 1 – 2 lần điều chỉnh tích cực nữa chỉ số không vượt 1.000 điểm khả năng xu hướng tiêu cực sẽ dần xuất hiện.
Tôi cho rằng thị trường đang thiếu lực, cần tích lũy thêm đến thời điểm đột phá.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Tôi cho rằng diễn biến tuần giao dịch vừa qua là sự kết hợp của cả việc thị trường thiếu lực đỡ đồng thời đây vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để chỉ số đột phá qua khỏi vùng kháng cự 1,000 – 1,005 điểm.
Trước hết, việc thị trường thiếu đi lực đỡ cần thiết là điều dễ hiểu khi một phần lớn dòng tiền vẫn còn hoài nghi khả năng vượt vùng kháng cự và xây nền ổn định trong ngưỡng 1,000 – 1,005 điểm.
Chưa dừng lại ở đó, tuần giao dịch vừa qua ghi nhận nhiều diễn biến đáng chý ý khiến dòng tiền có phần chùn bước như sự kiện đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 9 và động thái cơ cấu "review" danh mục của các quỹ ETF tập trung xả hàng tại nhóm cổ phiếu bluechips.
Do đó, sự kết hợp này dẫn đến kịch bản rung lắc điều chỉnh tiệm cận vùng kháng cự 1,000 – 1,005 điểm.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tuần qua, thị trường tương đối giằng co trong biên độ hẹp đầu tuần nhưng đến giữa tuần, trước những diễn biến tích cực của nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới sau thông tin FED quyết định hạ lãi suất cơ bản lần thứ hai trong năm, lực cầu mạnh ở thị trường trong nước được kích hoạt khiến VN-Index ghi nhận những phiên tăng điểm khá tích cực và tiến sát mốc kháng cự 1,000 điểm.
Sang đến phiên cuối tuần, áp lực chốt lời xuất hiện ở một số cổ phiếu "trụ" do ảnh hưởng bởi hoạt động tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF ngoại lớn đã khiến chỉ số giảm điểm mạnh nhưng vẫn giữ được mốc 990 điểm khi kết tuần. Đóng cửa phiên giao dịch, VN Index tăng 3.14 điểm (+0.32%) và dừng tại mức 990.36 điểm.
Sự biến động của VN-Index phiên cuối tuần chủ yếu đến từ hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, do đó chỉ số chính cũng bị méo mó bởi hoạt động thêm và bớt mã của quỹ. Sang đến tuần sau thị trường sẽ quay đúng bản chất vận động của nó, xu hướng ngắn hạn tôi vẫn nghiêng dao động quanh ngưỡng 940-1.000 điểm.
ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Vùng kháng cự tâm lý quanh 1.000 điểm vẫn là ngưỡng cản mạnh đối với Vn-Index trong ngắn hạn. Áp lực điều chỉnh của thị trường khi tiếp cận vùng cản này là điều đã được tôi đề cập trong nhận định tuần trước.
Về xu hướng sắp tới của thị trường, cá nhân tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ cần thêm thời gian điều chỉnh tích lũy và chờ đợi các thông tin từ kết quả nâng hạng thị trường của FTSE hay cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Nếu các thông tin này có kết quả theo chiều hướng tích cực sẽ là động lực mạnh giúp thị trường sớm vượt qua vùng cản tâm lý 1000-1005 điểm để hướng đến các vùng kháng cự mạnh hơn trong thời gian tới.
Cuối tháng 9 FTSE có thể công bố rà soát xếp hạng các thị trường. Theo anh chị Việt Nam có cơ hội được đánh giá tích cực hơn lần rà soát trước hay không và thị trường có phản ứng tích cực?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Ngày 26/9 theo giờ địa phương kết quả review xếp hạng quốc gia của FTSE được dự kiến công bố, theo tôi Việt Nam ít có cơ hội được đánh giá tích cực hơn lần rà soát trước do: Room ngoại, cổ phần hóa, chuẩn mực kế toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thị trường đã phản ánh thông tin trên ở mức bình thường.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi không có nhiều thông tin đối với vấn đề này. Tuy nhiên, nhìn lại kết quả đợt đánh giá gần nhất vào tháng 3 vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng có nhiều đột phát từ FTSE nhưng họ đã đánh "tuột hạng" 2 trong 4 chỉ tiêu đánh giá.
Điều này cho thấy con đường để Việt Nam chính thức trở thành thị trường mới nổi là không hề dễ dàng, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có một kế hoạch cụ thể và lâu dài đối với vấn đề này.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Thông tin nâng hạng thị trường của tổ chức FTSE dự kiến sẽ được công bố vào ngày 26/9 theo giờ địa phương. Khả năng thị trường Việt Nam được nâng hạng lên EM trong kỳ review lần này là không cao do vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi mang tính cấu trúc thị trường nào kể từ tháng 09/2018.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, việc nâng hạng thị trường là xu hướng tất yếu và chỉ là vấn đề thời gian. Nên đây vẫn sẽ là yếu tố tạo kỳ vọng cho thị trường trong trung-dài hạn và trong kịch bản tích cực, Việt Nam được FTSE nâng hạng ngay trong đợt review lần này thì sẽ là một cú huých đáng kể giúp thị trường hình thành một xu hướng tăng tích cực trong giai đoạn cuối năm.
ÔNG NGUYỄN HOÀNG VIỆT
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Khả năng để thị trường Việt Nam được chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 trong kỳ xét duyệt tới là có thể xảy ra trong bối cảnh Chính phủ cũng đang nỗ lực cải tổ và gấp rút hoàn thiện luật chứng khoán sửa đổi giúp Việt Nam sớm được nâng hạng theo tiêu chuẩn của MSCI và FTSE.
Nếu kịch bản này thành hiện thực thì chắc chắn sẽ đem lại một phản ứng vô cùng tích cực cho thị trường, giúp thu hút dòng tiền vốn đang chán nản bấy lâu nay quay trở lại thị trường đồng thời cũng cải thiện đáng kể trong khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán.
Ngay từ đầu năm nhiều công ty chứng khoán đã ra báo cáo phân tích dự phóng VN-Index chỉ 1.000 điểm trong năm 2019 và dường như các phân tích này đã ứng nghiệm khi chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm. Tuy nhiên nếu nhìn lại thì các dữ kiện từ đầu năm đã khác khá nhiều ở thời điểm hiện tại. Theo anh chị liệu thị trường có khả năng tạo bất ngờ trong quý cuối năm? Đâu là thay đổi đáng chú ý nhất trong bức tranh toàn cảnh mà anh chị thấy có thể tác động đến thị trường?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi vẫn kỳ vọng vào một xu hướng tích cực cho thị trường trong giai đoạn cuối năm. Xu hướng hạ lãi suất và đang trở lại giai đoạn điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng trung ương các nước cùng triển vọng nâng hạng lên mới nổi của thị trường Việt Nam sẽ là các yếu tố chủ yếu tạo động lực hỗ trợ cho kỳ vọng tăng điểm của thị trường trong trung hạn.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Với quan điểm thận trọng thì tôi không kỳ vọng quá nhiều vào khả năng bứt phá và tạo bất ngờ của thị trường trong các tháng còn lại của năm 2019 trong bối cảnh các rủi ro mang tính vĩ mô vẫn cho thấy nhiều bất ổn.
Mặc dù vậy, tôi cũng không loại trừ yếu tố đột biến như việc thị trường Việt Nam được chính thức nâng hạng sẽ ít nhiều mang lại phản ứng tích cực từ dòng tiền.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng thị trường có khả năng tạo bất ngờ trong cuối năm 2019 bởi tâm lý nhà đầu tư tốt hơn, đang đợi cơ hội lớn để giải ngân. Nếu kết quả kinh doanh các doanh nghiệp đa phần tốt có thể sẽ là cú hích lớn tác động đến thị trường trước những diễn biến chiến tranh thương mại kéo dài.
ÔNG LÊ HOÀNG TÂN
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Có thể nói năm 2019 các công ty chứng khoán dự báo khá chính xác kịch bản thị trường. Mặc dù các yếu tố tác động có nhiều thay đổi so với đầu năm nhưng theo tôi về cơ bản thì các yếu tố này vẫn biến động khó lường và còn nhiều bất ổn.
Chính vì vậy, rất khó để có sự đột phá mạnh mẽ từ đây tới cuối năm. Dòng tiền đang yếu và thiếu thông tin hỗ trợ. Tôi kỳ vọng sẽ có đợt sóng nhỏ khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 3 nhưng nó chỉ diễn ra cục bộ ở một vài nhóm cổ phiếu và không kéo dài.
Cổ phiếu tăng giá khá tốt trong tuần. Đang có những chiến lược đầu tư ngược nhau, như chốt lời chờ VN-Index vượt 1,000 điểm sẽ quay lại hoặc nắm giữ để đặt cược cho cơ hội vượt 1.000 điểm để đi xa hơn. Hành động của anh chị thế nào, tiếp tục nắm giữ với các giao dịch ngắn hạn hay đã chốt lời? Tỷ trọng hiện tại là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
VN-Index chưa vượt được 1.000 điểm nhưng dòng tiền khi tăng có dấu hiệu tốt là lan tỏa, những cổ phiếu vốn hóa lớn có yếu tố cơ bản tốt vẫn tăng sau những đợt điều chỉnh.
Tôi vẫn nắm giữ một phần những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt sau những nhịp điều chỉnh, tỷ trọng cổ phiếu 50% và tiền mặt 50% được coi là hợp lý.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi vẫn chọn tỷ trọng giải ngân thận trọng với 50% cổ phiếu bằng tiền mặt. Hiện tại, có một vài mã trong danh mục đang có tín hiệu chốt lời nên khả năng tỷ trọng tuần sau sẽ tiếp tục giảm xuống.
ÔNG TRẦN HỮU PHÚC
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Với nhận định thận trọng, tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục hiện tại ở mức 50% và sẽ chỉ giải ngân thêm nếu đã xác nhận được tín hiệu chỉ số VN-Index vượt vùng kháng cự 1,000 – 1,005 điểm hoặc sẽ chờ đợi thời điểm chỉ số điều chỉnh về các vùng điểm hỗ trợ hấp dẫn hơn.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index đã ghi nhận tuần hồi phục thứ 2 liên tiếp sau khi kiểm định thành công mốc 980 điểm, cho thấy đây là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy trong ngắn hạn. Lực cầu bắt đáy luôn sẵn sàng xuất hiện và nâng đỡ mỗi khi chỉ số chung giảm sâu, trong đó tâm điểm là nhóm ngành ngân hàng và bất động sản. Mặc dù vậy, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vốn đã ghi nhận mức tăng vượt trội so với chỉ số chung trong thời gian vừa qua cũng đã bắt đầu cho tín hiệu điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng "nóng" gần đây.
Do vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể chủ động chốt lời một phần các cổ phiếu vốn hóa lớn đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng và chuyển sang nắm giữ tiền mặt hoặc có thể tìm kiếm cơ hội mới ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung, trong đó ưu tiên các cổ phiếu được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng tích cực và nền tảng tài chính lành mạnh.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi có thực hiện một số hoạt động trading ngắn trong tuần qua nhưng vẫn duy trì tỷ trọng danh mục tổng của mình ở mức 40% cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận