Xu thế dòng tiền: Thị trường giảm sốc và quá nhanh, nhà đầu tư nên hành động thế nào?
Phiên rơi tự do với biên độ đột biến cuối tuần qua đã gây bất ngờ dù các chuyên gia có chuẩn bị trước cho kịch bản điều chỉnh. Quá trình phân phối đã kéo dài từ đầu tháng 8 và đây được cho là diễn biến xác nhận kết thúc xu hướng tăng liên tục 4 tháng qua.
Phiên rơi tự do với biên độ đột biến cuối tuần qua đã gây bất ngờ dù các chuyên gia có chuẩn bị trước cho kịch bản điều chỉnh. Quá trình phân phối đã kéo dài từ đầu tháng 8 và đây được cho là diễn biến xác nhận kết thúc xu hướng tăng liên tục 4 tháng qua.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn tới biên độ giảm quá lớn, các chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố cộng hưởng, từ diễn biến quay đầu giảm sàn của các cổ phiếu trụ lớn như VIC, VHM, tới việc sử dụng đòn bẩy quá lớn cũng như mức lợi nhuận đang rất tốt và nhà đầu tư sẵn sàng bán bằng mọi giá để bảo toàn thành quả. Một xu hướng tăng không thể kéo dài mãi và diễn biến cuối tuần qua báo hiệu việc kết thúc xu hướng này.
Tuy có bất ngờ về cường độ giảm, nhưng các chuyên gia cũng không bi quan về xu hướng điều chỉnh. Đây có thể chỉ là nhịp điều chỉnh trung gian, tìm vùng cân bằng sau một thời gian dài tăng trưởng. Mặt khác, các yếu tố hỗ trợ cũng đã trở nên bão hòa, từ kỳ vọng giảm lãi suất tới kết quả kinh doanh. Thị trường cần yếu tố mới hơn cũng như bằng chứng về khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô sau những động thái chính sách quyết liệt.
Các chuyên gia đều đã giảm tỷ trọng cổ phiếu, bán hết các vị thế ngắn hạn. Một vài quan điểm giao dịch ngắn hạn cho rằng thị trường có cơ hội lướt sóng vào tuần tới. Tuy nhiên quan điểm chung vẫn là nhà đầu tư nên quản trị rủi ro tốt, giảm tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường có phục hồi.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Trong các lần bàn luận gần đây, anh chị cũng lưu ý về ảnh hưởng của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã nâng đỡ VN-Index từ đầu tháng 8 tới nay cũng như sự suy yếu dần của nhóm blue-chips nói chung. Hai phiên cuối tuần qua chứng kiến ảnh hưởng nặng nề từ sự sụt giảm của nhóm trụ này. Tuy nhiên hiện tượng bán tháo lại lan rất rộng khắp thị trường. Vậy nguyên nhân do đâu, có phải do margin quá căng, hay chỉ là từ sự quay đầu của chỉ số tạo tâm lý hoảng sợ?
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi diễn biến sụt giảm mạnh ở tuần qua là từ hệ quả của quá trình đi lên miệt mài gần 4 tháng mà chưa có nhịp điều chỉnh đủ mạnh nào diễn ra. Với sự nhìn nhận lạc quan rằng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như xoa dịu đi các tác động tiêu cực từ bên ngoài, và môi trường lãi suất thấp đã giúp kỳ vọng của nhà đầu tư trở nên mạnh mẽ hơn cùng với quyết tâm nắm giữ cổ phiếu lâu hơn.
Trong đợt tăng liên tục này, không chỉ các cổ phiếu blue-chips trải qua nhịp hồi tích cực mà ngay cả các nhóm cổ phiếu khác cũng đều có mức tăng khá mạnh kể từ đầu sóng và cổ phiếu có mức tăng gấp đôi, gấp ba là không hề hiếm.
Chúng ta cũng đã bàn luận nhiều lần về vấn đề margin, với quan điểm tổng sức mua trong một con sóng sẽ được đóng góp rất nhiều từ sức mua margin, và vòng quay margin sẽ phình to theo chiều tăng của thị trường cho tới khi đạt tới hạn. Khi có sự kiện tác động mạnh tới tâm lý, hoặc biến cố ảnh hưởng mạnh tới điểm số thì sức ép từ sự sợ hãi cùng với áp lực từ margin có thể đẩy thị trường vào một đợt rũ bỏ mạnh.
Dưới góc nhìn như vậy, tôi cho rằng hiện tượng bán tháo lan rộng khắp thị trường vào phiên cuối tuần có thể tới từ sự cộng hưởng gồm yếu tố tâm lý sợ hãi được kích hoạt bởi biến cố cổ phiếu VIC giảm sàn ảnh hưởng mạnh tới điểm số, cùng với vòng quay margin đến hạn và sự sụt giảm kỳ vọng vào chính sách tiền tệ nới lỏng khi đã phản ánh vào giá cổ phiếu sau một chu kỳ tăng mạnh.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tôi thấy phiên thứ 6 xảy ra hiện tượng bán tháo lan rộng khắp thị trường là do: i) VN-Index tăng liên tục từ cuối tháng 4 đến giờ và hầu hết các ngành đều có nhịp tăng rất mạnh, kể cả những ngành có kết quả kinh doanh quý 2 ra kém khả quan cũng như sụt giảm về lợi nhuận rất lớn. Thị trường giai đoạn vừa rồi tăng chủ yếu là do dòng tiền chứ không kèm yếu tố cơ bản dẫn đến khi thị trường bị bán thì sẽ xuất hiện hiện tượng bán tháo toàn thị trường; ii) Việc nhiều cổ phiếu bị bán sàn nhất là một số cổ phiếu ngân hàng đã làm tâm lý hoảng loạn lan tỏa toàn thị trường và dẫn đến hiện tượng domino toàn thị trường.
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Một trong số những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư trong tuần vừa qua là việc một vài công ty chứng khoán lớn bất ngờ cắt giảm tỷ lệ cho vay margin đối với một loạt các mã cổ phiếu trên sàn. Bên cạnh đó, tính từ cuối tháng 4/2023, VN-Index đã có một nhịp tăng tương đối dốc từ vùng 1.030 điểm mà không xuất hiện một nhịp điều chỉnh nào đáng kể. Do đó, với việc chỉ số sụt giảm mạnh ngay từ đầu phiên, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã thực hiện chốt lời để bảo vệ thành quả đạt được khiến cho việc bán tháo cổ phiếu diễn ra trên diện rộng.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Sợ sợ hãi là một trong những đặc tính dễ lây lan rộng và nhanh ngay khi thị trường lao dốc. Sau một vài tín hiệu cảnh báo nhưng một số cổ phiếu lớn tăng điểm kéo chỉ số có thể khiến cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm hiểu sai thông điệp.
Thị trường đã liên tục tăng điểm tích cực mấy tháng vừa qua thì việc điều chỉnh mạnh ở các điểm cao quan trọng 1.250 điểm hay sau này ở vùng 1.280 – 1.300 – 1.320 điểm là bình thường. Mốc 1.250 điểm điều chỉnh quay đầu của thị trường cũng liên quan đến mốc 1.200 điểm trước đó, bởi việc tăng điểm và dao động quanh vùng kháng cự mạnh đều có yếu tố tâm lý về mặt điểm số liên quan. Thị trường đã diễn biến tích cực cũng sẽ cần một chặng nghỉ tích lũy trước khi bước sang giai đoạn tăng giá sau đó.
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Thị trường đóng cửa phiên cuối tuần giảm sâu 55.49 điểm, mức giảm điểm mạnh nhất trong hơn 1 năm trở lại đây, và thanh khoản cũng đạt kỷ lục với giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HSX hơn 36.000 tỷ đồng. Chỉ 1 phiên tạo cây nến đỏ với thân nến rất dài, VN-Index chính thức xuyên thủng MA20. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất sắp tới là 1.170 điểm.
Về dư nợ margin, thống kê đến 30/06/2023, dư nợ margin toàn thị trường đạt 7.4%, cao hơn cả mức đỉnh trước đây 6.8%. Tới hiện tại, con số này khả năng còn cao hơn mức 7.4%. Tuy nhiên, tỷ lệ margin trong mức cho phép từ 30-50% theo tôi cũng không phải là quá rủi ro.
Nhìn chung, phiên giao dịch cuối tuần khá kịch tính khi càng về cuối phiên, lực bán càng mạnh dần lên. Lực mua ban đầu cũng tương đối tích cực cân lại lệnh bán ở nền giá thấp, tuy nhiên càng về sau, lực bán áp đảo quá lớn khiến bên mua thận trọng hơn và nhiều cổ phiếu ở tình trạng dư bán giá sàn xuất hiện.
Thống kê lại 2 tuần gần đây, thì gần như điểm số cân bằng sideway, chưa giảm mạnh. Riêng phiên cuối tuần thì thị trường càn quét mạnh, giảm điểm sâu, nằm trong dự đoán thị trường sẽ giảm điểm của đa số nhà đầu tư, nhưng với tốc độ khá lớn và bất ngờ.
Tôi nghĩ trung và dài hạn, thị trường vẫn đang xu hướng tăng. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên, thì sự điều chỉnh là tất yếu cho 1 chu kỳ dài hơn.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Từ đầu tháng 8 đến nay thanh khoản thị trường duy trì mức rất cao nhưng ở bình diện chung cổ phiếu và chỉ số không tăng được bao nhiêu. Có anh chị đã đề cập đến hiện tượng này như một đặc điểm của giai đoạn phân phối. Với các diễn biến mới tuần qua, liệu trạng thái phân phối đã được xác nhận?
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Như đã đề cập trong lần trao đổi cuối tháng 7, khi VN-Index dần tiến lên ngưỡng 1.220 điểm, rủi ro đảo chiều của chỉ số sẽ ngày một gia tăng do đây đã là vùng định giá tương đối phù hợp của thị trường, theo quan điểm của cá nhân tôi. Kể từ thời điểm đó, VN-Index đã xuất hiện tới 5 phiên mang đặc điểm của những phiên phân phối khi mà chỉ số có diễn biến giảm điểm mạnh một cách đột ngột cùng thanh khoản gia tăng. Phiên giảm điểm ngày 18/08 có thể coi là một phiên xác nhận trạng thái phân phối trên nếu chỉ số đánh mất hoàn toàn ngưỡng hỗ trợ 1.170 điểm trong tuần tới.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Trong các lần trao đổi trước tôi đã nhắc đến hiện trượng thị trường đã xảy ra giai đoạn phân phối cũng như một số chỉ báo cho dấu hiệu tạo đỉnh. Diễn biến tuần qua đã chứng minh điều đó và VN-Index đã xác nhận tạo 3 đỉnh, trước khi cây nến sập ngày thứ 6 chỉ số đã có 6 cây nến phân phối liên tục.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo quan sát của tôi, thị trường có thể đã đủ tín hiệu để xác nhận rằng trạng thái phân phối đã diễn ra, và con sóng kéo dài gần 4 tháng qua nhờ vào sự kỳ vọng đối với chính sách tiền tệ nới lỏng có thể đã kết thúc.
Theo dõi VN-Index từ đầu tháng 8 đến nay, tôi thấy chỉ số này đã hoàn thành mô hình 5 phiên phân phối, khi điểm số chỉ tăng nhẹ hoặc giảm nhưng khối lượng giao dịch lại tăng cao, và phiên cuối tuần qua là phiên xác nhận mô hình phân phối đã hoàn thành.
Không những vậy, mức độ tác động tới thị trường bởi chính sách giảm lãi suất có thể cũng đã đến hạn. Khi nhìn nhận dưới góc độ vĩ mô, Việt Nam khó có thể tiếp tục hạ thêm lãi suất điều hành trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang có chiều hướng gia tăng, cũng như sự lo ngại yếu tố lạm phát quay lại sẽ làm giảm quyết tâm có thêm một đợt hạ lãi suất điều hành từ Ngân hàng nhà nước.
Đồng thời, mức độ tác động của thông tin theo cả chiều tích cực và tiêu cực lên thị trường sẽ giảm dần sau mỗi lần thông tin lặp lại. Và với việc thông tin giảm lãi suất đã diễn ra tới 4 lần, thì sức ảnh hưởng có thể đã phản ánh hết vào chu kỳ tăng gần 4 tháng qua.
Vì vậy, theo tôi sự kỳ vọng vào chính sách lãi suất giảm có thể đã đến hạn. Và quá trình phân phối vừa qua có thể đang cụ thể hóa sự suy giảm kỳ vọng của thị trường vào việc chính sách hạ lãi suất, cũng như cho tín hiệu khép lại con sóng tăng kéo dài gần 4 tháng qua.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Theo tôi thị trường có thể đang ở pha điều chỉnh trung gian, có lẽ từ hợp lý hơn là pha điều chỉnh rồi đến pha tích lũy, dòng tiền lại chọn lựa các nhóm cổ phiếu các ngành nghề, những cổ phiếu nhiều triển vọng hơn sẽ lại thu hút dòng tiền. Những cổ phiếu tăng điểm mà không có câu chuyện cơ bản hỗ trợ, nền tảng doanh nghiệp yếu khó thu hút dòng tiền hơn. Tôi cho rằng điều này sẽ phản ánh không chỉ diễn biến cung cầu mà còn phản ánh xu hướng giá cổ phiếu giai đoạn tới.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường quay đầu giảm mạnh ở thời điểm bắt đầu bước vào giai đoạn trống vắng thông tin. Tuần trước anh chị cũng có dự kiến kịch bản điều chỉnh ngắn hạn xuống quanh 1.200 điểm của VN-Index, nhưng chỉ mới một phiên rơi mạnh cuối tuần chỉ số đã thủng mức này, thậm chí xuống sát 1.170 điểm. Nếu thị trường thật sự trải qua giai đoạn phân phối kéo dài với quy mô thanh khoản mắc kẹt khổng lồ từ đầu tháng 8, anh chị có thay đổi kịch bản điều chỉnh dự kiến?
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Với chỉ 1 phiên giảm mạnh sau giai đoạn dài tăng điểm, theo tôi chưa đủ để khẳng định thị trường đi vào giai đoạn phân phối hay chưa.
Về vĩ mô quốc tế, việc tăng lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương để chống lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Lạm phát chung toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 8,7% năm 2022 xuống 6,8% năm 2023 và 5,2% năm 2024. Lạm phát cơ bản (lõi) dự kiến sẽ giảm dần và dự báo lạm phát năm 2024 đã được điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên, cán cân rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu vẫn nghiêng về phía tiêu cực. Lạm phát có thể vẫn ở mức cao và thậm chí tăng lên nếu xảy ra những cú sốc tiếp theo, bao gồm cả những cú sốc do cuộc chiến ở Ukraine gia tăng và các sự kiện liên quan đến thời tiết khắc nghiệt, dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Trong nước có nhiều chính sách tích cực như (1) Ban hành Nghị định và Thông tư sửa đổi, bổ sung và tạm ngưng thi hành một số điều của Nghị định 65, Nghị định 153, Thông tư 06 về trái phiếu doanh nghiệp, (2) Cung tiền cải thiện, lãi suất hạ nhiệt sau hàng loạt các quyết định của nhà điều hành khi a) Ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 22 về cách tính LDR; b) Liên tiếp bốn lần thực hiện giảm lãi suất điều hành, và c) Bơm ròng trên thị trường OMO và mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối.
Nhìn chung bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước còn nhiều yếu tố khó đoán định. Cùng với chính sách tiền tệ, nếu chính sách tài khóa, bao gồm tăng lương cơ bản, giảm thuế phí, và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục phát huy tác dụng tích cực trong nửa cuối năm. Theo sau lãi suất tiết kiệm, chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất vay cũng sẽ hình thành xu hướng giảm rõ ràng hơn trong nửa cuối năm. Khi phần bù rủi ro giảm, chỉ số VN-Index sẽ được giao dịch ở vùng định giá cao hơn đầu năm. Với giả định tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 toàn thị trường là 0%, lãi suất phi rủi ro trong khoảng 6,3 – 7,0%, vùng dao động của chỉ số VN-Index sẽ có khả năng trong khoảng 1.150 – 1.280 điểm.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tuần trước tôi có dự báo khả năng VN-Index điều chỉnh về vùng quanh 1.132 hoặc 1.105 điểm. Tuy nhiên với diễn biến giảm mạnh phiên thứ 6 tôi có đánh giá lại, khả năng VN-Index có thể điều chỉnh về vùng quanh 1.060 hoặc 1.016 điểm. Điểm dự báo để chúng ta chú ý hơn khi thị trường giảm về vùng đó vẫn cần sự xác nhận tạo điểm cân bằng và tạo đáy để có thể biết vùng đáy ở vùng nào rồi ra quyết định giải ngân.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
VN-Index có thể đã kết thúc sóng tăng gần 4 tháng qua với việc hình thành quá trình phân phối và thủng ngưỡng 1.200 điểm, tôi đánh giá chỉ số có thể bước vào một con sóng hiệu chỉnh, và vùng hỗ trợ mạnh có thể quanh khu vực 1.120 điểm (MA100).
Tuy nhiên, sóng hiệu chỉnh thường vận động phức tạp với nhiều nhịp phục hồi giả (bull-trap) chứ không theo hướng giảm một chiều đơn thuần. Do vậy, không ngoại trừ kịch bản, VN-Index có thể sẽ sớm xuất hiện nhịp bull-trap tại khu vực 1.170 điểm (MA50), và hướng lên vùng tâm lý 1.200 điểm hoặc thậm chí vùng đỉnh vừa qua cũng có thể xảy ra.
Đồng thời, môi trường tiền nhiều do mặt bằng lãi suất thấp còn kéo dài, sẽ khiến cho sóng hiệu chỉnh lần này có thể là ngắn hạn (khoảng 3 tới 5 tuần). Tôi cho rằng con sóng này cũng chỉ mang tính trung gian, là giai đoạn thị trường chuyển giao từ sự kỳ vọng vào chính sách tiền tệ nới lỏng (nguyên nhân) sang đòi hỏi mức độ phục hồi trở lại của nền kinh tế (kết quả).
Hay nói cách khác, đợt sóng tăng nhờ kỳ vọng đã kết thúc, và giờ, thị trường đang điều chỉnh lại nhằm tạo nền chuyển tiếp cho một giai đoạn mới, giai đoạn đòi hỏi vào kết quả kinh doanh.
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Mặc dù tôi cũng đã đặt ra kịch bản thị trường có thể lùi về quanh ngưỡng hỗ trợ sâu 1.170 điểm, tương ứng với MA50 trên khung ngày, điều bất ngờ là việc VN-Index lại xuất hiện một nhịp rơi tương đối dốc, xuyên thủng hoàn toàn ngưỡng hỗ trợ gần quanh 120x điểm chỉ trong một phiên. Do đó, nếu không sớm lấy lại mốc 1.200 điểm trong tuần tới, chỉ số hoàn toàn có thể nhúng xuống các vùng sâu hơn, gần là quanh 1.158 (+-3) và xa hơn là 1.130 (+-5) nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Theo tôi thị trường có thể giảm 1 hoặc chỉ 2 phiên đầu tuần tới trước khi hồi phục trở lại. Vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index đang ở quanh mốc 1,160 – 1,180 điểm. Việc giảm sâu đầu phiên cũng sẽ khiến lực cầu bắt đáy quay lại.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Hoạt động bán tháo đã diễn ra rất mạnh ở phiên cuối tuần và thanh khoản khổng lồ. Anh chị có cắt giảm cổ phiếu hay tham gia bắt đáy? Tỷ trọng cổ phiếu lúc này nên là bao nhiêu, hay nắm giữ 100% tiền mặt để chờ đợi thêm?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Trong hai lần trao đổi gần đây tôi có nhấn mạnh rất nhiều lần về hiện tượng VN-Index có dấu hiệu phân phối tạo đỉnh và khuyến nghị nhà đầu tư quản trị rủi ro thật chặt khi có cây nến phân phối thứ 3 trở đi. Cũng chính vì thế giai đoạn vừa rồi tôi đã chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu khi xuất hiện nến phân phối thứ 4 và thứ 5. Hiện tại tỷ trọng cổ phiếu tôi nắm giữ dưới 40% và hầu hết là các cổ phiếu cơ bản tốt và có kết quả kinh doanh tăng trưởng quý 2.
Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Bên cạnh các vị thế trung và dài hạn, tôi đã thực hiện bán hạ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận ngưỡng cản quanh 124x và nâng tỷ trọng tiền mặt lên 70%. Tôi đánh giá việc tham gia bắt đáy ở thời điểm hiện tại vẫn đang là tương đối sớm khi chỉ số mới trải qua một nhịp giảm điểm mạnh cùng thanh khoản tăng kỷ lục. Các nhà đầu tư nên chờ đợi và quan sát diễn biến của chỉ số tối thiểu từ 3-5 phiên trước khi giải ngân trở lại.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt của tôi có thay đổi khi tỷ lệ tiền mặt gia tăng cao. Việc điều chỉnh giảm cổ phiếu cũng được thực hiện từ thứ 4 tuần trước khi VN-Index đã không thể vượt qua mốc 1.240 – 1.250 điểm lần 2. Mặc dù vẫn còn cầm cổ phiếu nhưng theo tôi cơ hội bắt đáy có thể xuất hiện trong tuần tới.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Dựa trên nhận định, thị trường đã cho tín hiệu phân phối và đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, tôi cho rằng việc hạ tỷ trọng về mức thấp nên được thực hiện. Trường hợp nhà đầu tư vẫn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao thì các nhịp hồi (bull-trap) tới có thể là cơ hội để hạ tỷ trọng.
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Hiện tại khi VN-Index đã bắt đầu ra tín hiệu điều chỉnh, theo tôi nhà đầu tư nên: i) Hạn chế tối đa mua mới, ưu tiên đảo hàng sẵn có trong tài khoản; ii) Không tăng dư nợ margin; iii) Thận trọng, không mua đuổi, giải ngân nếu có thì chia nhỏ nhiều lần thăm dò.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường