24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Như Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xu thế dòng tiền: Có hệ thống giao dịch mới, thị trường dễ bị “đánh úp”?

Tạm thời đứng ngoài theo dõi xem tình hình rồi hãy vào kẻo lại hứng bô thì khổ

Từ đầu tuần tới hệ thống giao dịch mới có công suất xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày được vận hành đang làm nổi lên lo ngại các “tay to” càng dễ “đánh úp”, nhất là khi thông tin kết quả kinh doanh đang xuất hiện...

Từ đầu tuần tới hệ thống giao dịch mới có công suất xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày được vận hành đang làm nổi lên lo ngại các “tay to” càng dễ “đánh úp”, nhất là khi thông tin kết quả kinh doanh đang xuất hiện.

Hệ thống giao dịch mới với công suất lớn hơn chắc chắn sẽ giải tỏa lo lắng nghẽn lệnh và tạo điều kiện cho thanh khoản cao hơn. Tuy vậy các chuyên gia mà VnEconomy tham khảo ý kiến đều cho rằng việc thanh khoản tăng không nhất thiết là nhờ hệ thống mà do nhà đầu tư đánh giá cơ hội, rủi ro trên thị trường.

Một ví dụ là sau khi đạt đỉnh cao thanh khoản đầu tháng 6, thị trường chứng kiến giai đoạn thanh khoản suy giảm mạnh mà không có thông tin tiêu cực nào và hệ thống giao dịch thông suốt. Điều đó cho thấy nhà đầu tư đánh giá thị trường trước khi xuống tiền chứ không hẳn vì hệ thống. Thị trường cần những thông tin hấp dẫn hơn nếu muốn thu hút dòng tiền vượt ngưỡng thanh khoản đầu tháng 6.

Đối với lo ngại hệ thống mới sẽ giúp khả năng “đánh úp” thuận lợi hơn, các chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn chưa cần phải lo lắng. Thị trường vẫn đang có yếu tố hỗ trợ liên quan đến kết quả kinh doanh quý 2. Tuy vậy đợt công bố thông tin này sẽ tạo phân hóa mạnh đối với cổ phiếu do góp phần quan trọng đánh giá lại kỳ vọng của nhà đầu tư suốt nhịp tăng mấy tháng vừa qua có hợp lý hay không.

Quan điểm ngắn hạn của các chuyên gia vẫn không có gì tiêu cực, phụ thuộc vào hoạt động đầu tư cụ thể. Tỷ trọng cổ phiếu được duy trì khác nhau. Tuy nhiên điểm chung là hoạt động cơ cấu lại danh mục và nắm giữ các cổ phiếu có triển vọng phản ứng tốt trong mua báo cáo tài chính quý 2.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường đang rất hào hứng với cơ hội bùng nổ của thị trường tuần tới khi đón nhận cùng lúc hệ thống giao dịch mới của sàn HoSE và kết quả kinh doanh quý 2 cũng như khả năng margin quay lại. Thanh khoản các phiên đầu tháng 7 cũng cải thiện, cổ phiếu ngành chứng khoán tăng vọt. Anh chị đánh giá thế nào về triển vọng thanh khoản, liệu có vượt kỷ lục đầu tháng 6 được hay không?

Xu thế dòng tiền: Có hệ thống giao dịch mới, thị trường dễ bị “đánh úp”?
"Theo tôi dù hệ thống giao dịch mới của sàn HOSE được triển khai từ đầu tuần tới nhưng chưa thể đảm bảo thanh khoản sẽ tăng mạnh – có lẽ khối lượng giao dịch, dòng tiền mặc dù vẫn ở mức cao nhưng sẽ suy yếu đáng kể". - Ông Lê Đức Khánh

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi việc tuần tới đón nhận hệ thống mới là một thông tin rất tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng thanh khoản có tăng vượt trội hay không thì còn nằm ở nhiều yếu tố. Tuần trước hiện tượng nghẽn lệnh khá ít xuất hiện cũng như nhiều công ty chứng khoán nguồn margin đã căng. Tôi đánh giá thanh khoản tuần tới sẽ được cải thiện tốt hơn giai đoạn trước đó còn đột biến tăng mạnh thì chưa chắc chắn.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Nếu không có diễn biến gì bất ngờ, với xu hướng tăng của chỉ số VN-Index ở thời điểm hiện tại trước các kỳ vọng cao vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, kết hợp với các yếu tố hỗ trợ về mặt kỹ thuật như việc hệ thống giao dịch mới được triển khai, margin quay lại… tôi cho rằng dòng tiền sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, kéo theo diễn biến phục hồi dần của thanh khoản tiệm cận mức cao kỷ lục đầu tháng 6. Dù vậy, để có thể vượt được mốc cao kỷ lục giai đoạn đầu tháng 6, thị trường sẽ cần thêm những động lực thu hút dòng tiền thực sự mạnh.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Thanh khoản bình quân (cả 3 sàn) ở 2 phiên đầu tháng 7 đạt 31.097 tỷ đồng, tăng 4,7% so với bình quân tháng 6, tuy vậy vẫn thấp hơn đỉnh tháng 6 ở mức 33.000 tỷ đồng. Trong tuần vừa qua, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX đạt 20.966 tỷ đồng, tăng 13,2% so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn so với 3 tuần đầu tháng 6 ở mức 24.000 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ số thị trường ngày càng lập đỉnh cao mới trong khi thanh khoản vẫn đang trong xu hướng giảm. Thị trường muốn đi lên cao hơn thì thanh khoản thị trường cần phải tăng trở lại, ít nhất cũng phải vượt qua mức đỉnh như trên.

Tuần sau, hệ thống giao dịch mới của sàn HSX chính thức được vận hành, đây có thể là cơ hội để kiểm định sức mạnh của dòng tiền, triển vọng tăng thanh khoản là hoàn toàn có thể. Tuy vậy tôi cho rằng với những gì diễn ra ở phiên cuối tuần cho thấy nhà đầu tư cũng đang ra thận trọng.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Tôi nghĩ hệ thống mới chắc chắn sẽ giúp thanh khoản tăng mạnh trở lại, nhưng để vượt được mức thanh khoản đầu tháng 6 vẫn là khá khó khăn. Thực tế, việc thanh khoản tăng gần đây đến từ sự trở lại của dòng tiền tham gia trong giai đoạn trước. Thanh khoản do đó chỉ có thể duy trì trong khoảng 28.000 – 30.000 tỷ đồng, tương đương giai đoạn đầu tháng 6.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Thanh khoản của thị trường hiện đã suy giảm 5 – 10% trong vòng 2 tuần trở lại đây đang phản ánh sự thận trọng từ phía các nhà đầu tư, chưa muốn nói đến áp lực chốt lời cũng như một phần dòng tiền tạm đứng ngoài đợi chờ diễn biến điều chỉnh của thị trường chung. Dưới góc độ thời điểm tháng 7, tháng 8 cũng có thể nói là giai đoạn các nhà đầu tư “e ngại” giải ngân hơn.

Theo tôi dù hệ thống giao dịch mới của sàn HOSE được triển khai từ đầu tuần tới nhưng chưa thể đảm bảo thanh khoản sẽ tăng mạnh – có lẽ khối lượng giao dịch, dòng tiền mặc dù vẫn ở mức cao nhưng sẽ suy yếu đáng kể. Chúng ta nên hình dung những đợt biến động đi kèm với thanh khoản toàn thị trường giống như các đợt sóng biển. Có những đợt cao trào và có những đợt sóng lăn lăn….

Xu thế dòng tiền: Có hệ thống giao dịch mới, thị trường dễ bị “đánh úp”?
"Tôi cho rằng dòng tiền sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, kéo theo diễn biến phục hồi dần của thanh khoản tiệm cận mức cao kỷ lục đầu tháng 6. Dù vậy, để có thể vượt được mốc cao kỷ lục giai đoạn đầu tháng 6, thị trường sẽ cần thêm những động lực thu hút dòng tiền thực sự mạnh". - Ông Trần Đức Anh
Nguyễn HoàngVnEconomy

Diễn biến phiên cuối tuần khá yếu, không chỉ ở đà tăng của VN-Index mà còn ở số lượng mã giảm giá áp đảo. Có quan điểm lo ngại hệ thống giao dịch mới giúp tăng thanh khoản lại dễ tạo điều kiện cho hoạt động xả hàng khi hiệu ứng của thông tin kết quả kinh doanh không còn nhiều. Anh chị đánh giá rủi ro này như thế nào?

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Theo tôi, trong giao dịch các tình huống đều có thể xảy ra, nhà đầu tư cũng nên dự phòng cho kịch bản này. Về cơ bản, câu chuyện hỗ trợ cho nhịp tăng của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt không có gì mới, thông tin kết quả kinh doanh sắp tới sẽ cụ thể hóa kỳ vọng của nhà đầu tư. Những cổ phiếu có kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng của nhà đầu tư có thể vẫn tăng tiếp, ngược lại mặc dù kết quả kinh doanh vẫn có lợi thế so với cùng kỳ nhưng thấp hơn mức kỳ vọng của nhà đầu từ thì cổ phiếu vẫn có thể giảm.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Một vài tín hiệu điều chỉnh đã xuất hiện, một số cổ phiếu cũng đang chịu áp lực bán ra khá lớn, thanh khoản chung đã giảm sút. Có lẽ các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và cảnh giác nhất là ở giai đoạn hiện tại thị trường đang đối mặt với khu vực kháng cự mạnh 1.425 - 1.430 điểm. Tôi cũng lưu ý các nhà đầu tư đánh giá lại các cổ phiếu đang nắm giữ để thực hiện cơ cấu danh mục nếu cần thiết.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Tôi cho rằng rủi ro này là khá thấp. Các diễn biến tăng giảm giá của cổ phiếu trong giai đoạn này đa số vẫn chỉ dựa vào kỳ vọng mà chưa có thông tin chính thức từ các doanh nghiệp, không phản ánh hiện tượng “tin ra là bán”. Về việc số lượng mã giảm chiếm số lượng áp đảo trong phiên cuối tuần, tôi cho rằng đây là hoạt động cơ cấu danh mục bình thường khi mùa công bố lợi nhuận sắp đến.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi lo ngại hệ thống giao dịch mới giúp tăng thanh khoản lại dễ tạo điều kiện cho hoạt động xả hàng là điều dễ hiểu, nhưng với sự vận động giai đoạn vừa rồi thì tôi đánh giá thị trường vẫn còn khá ổn cho đến giữa tháng 7.

Kết quả kinh doanh sẽ làm phân hóa rất mạnh thị trường, sẽ có cổ tăng tốt và cổ không tăng được thậm chí còn giảm nên việc tham gia giải ngân giai đoạn này cần “chọn mặt gửi vàng”.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Diễn biến xanh vỏ đỏ lòng của thị trường các phiên cuối tuần qua cho thấy nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn tiếp tục đóng vai trò nâng đỡ chỉ số trong khi các nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ diễn biến kém tích cực.

Các phiên có diễn biến tương tự cũng thường được quan sát thấy trong 2 mùa báo cáo kết quả kinh doanh gần đây, với nguyên nhân đến từ việc nhóm doanh nghiệp vốn hoá lớn đầu ngành cho thấy sự tăng trưởng vượt trội trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trái ngược với tình hình chung còn khó khăn ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi cho rằng xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong mùa báo cáo lợi nhuận quý 2 tới đây.

Xu thế dòng tiền: Có hệ thống giao dịch mới, thị trường dễ bị “đánh úp”?
"Khoảng trống thông tin sau khi số liệu này được công bố có thể là nguyên nhân khiến thị trường diễn biến kém tích cực trong nửa sau của quý 3, nhất là khi chỉ số PMI trong tháng 6 đang phát đi những tín hiệu cảnh báo sớm". - Ông Đào Tuấn Trung
Nguyễn HoàngVnEconomy

Những số liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm vừa công bố cho thấy ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4 chưa thật sự rõ ràng, nhưng cũng có thể phản ánh nhiều hơn vào quý 3. Kết quả kinh doanh quý 2/2021 vẫn có lợi thế so sánh với nền số liệu thấp của quý 2/2020. Theo anh chị, rủi ro này có khiến thị trường lo lắng?

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tăng trưởng GDP 5,64% quý 2 không phải là cao, đạt thấp hơn con số kế hoạch đề ra. Mọi thông tin cũng đã phản ánh vào diễn biến thị trường chứng khoán tăng điểm kể từ đầu năm trở đi.

Bên cạnh một số ngành nghề tăng trưởng kém thì vẫn có một số ngành nghề, doanh nghiệp đặc thù lại kinh doanh khởi sắc. Nhìn toàn cảnh các số liệu các doanh nghiệp niêm yết thì chỉ một số nhóm ngành như tài nguyên cơ bản, hóa chất, dầu khí, dịch vụ tài chính, cảng biển… có kết quả kinh doanh triển vọng trong khi nhiều doanh nghiệp dịch vụ, tiêu dùng, du lịch lại gặp khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khó lường hơn.

Tôi cho rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì sự thận trọng, sự sáng suốt trong hoạt động đầu tư luôn được đặt lên hàng đầu. Thị trường có lúc tăng điểm tốt và cũng có lúc rơi vào giai đoạn điều chỉnh. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì việc điều chỉnh của thị trường có thể sớm diễn ra trong bối cảnh chưa có nhiều thông tin hỗ trợ mạnh.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Ở thời điểm hiện tại thị trường đang quan tâm nhiều hơn đến kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp, những lo ngại về ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4 đến số liệu vĩ mô có thể bị bỏ qua. Tuy vậy, khoảng trống thông tin sau khi số liệu này được công bố có thể là nguyên nhân khiến thị trường diễn biến kém tích cực trong nửa sau của quý 3, nhất là khi chỉ số PMI trong tháng 6 đang phát đi những tín hiệu cảnh báo sớm.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Với việc lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đã dần phục hồi từ quý 3/2020 khiến mức nền so sánh thấp không còn, trong khi tình hình dịch hiện tại vẫn đang diễn biến phức tạp, chúng ta khó có thể kỳ vọng mùa báo cáo lợi nhuận quý 3/2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng bứt phá như trong vài quý trước.

Dù vậy, tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại còn quá sớm để bàn đến mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, khi mà quý 2 vẫn còn nhiều ẩn số.

Xu thế dòng tiền: Có hệ thống giao dịch mới, thị trường dễ bị “đánh úp”?
"Tôi cho rằng mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ vừa phải trong tháng 7. Đến tháng 8 trở đi, tình hình kinh tế xã hội sẽ phục hồi khả quan. Tôi đánh giá rủi ro là có song không đáng quan ngại và thị trường đã phản ánh các yếu tố này vào giá của các công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp từ yếu tố này". - Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Tôi đánh giá nền kinh tế sẽ chịu một số tác động nhất định do đợt dịch thứ 2 của năm 2021 kéo dài hơn dự kiến. Tuy nhiên, mức độ tác động đến nền kinh tế trong Quý 3/2021 sẽ không nặng nề như những gì đã xảy ra vào Quý 2. Nguyên nhân chủ yếu là Việt Nam đã có kinh nghiệm phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tăng cao, đảm bảo cho Chính Phủ duy trì mục tiêu kép và không phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc.

Thêm vào đó, trong tháng 7 dự kiến Việt Nam sẽ nhận được một lượng lớn vacxin từ các đối tác. Chính Phủ có thể đẩy mạnh tiêm chủng tại các điểm nóng dịch bệnh và qua đó làm giảm nguy cơ gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở này, tôi cho rằng mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ vừa phải trong tháng 7. Đến tháng 8 trở đi, tình hình kinh tế xã hội sẽ phục hồi khả quan. Tôi đánh giá rủi ro là có song không đáng quan ngại và thị trường đã phản ánh các yếu tố này vào giá của các công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp từ yếu tố này.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi việc lo lắng về rủi ro này là hoàn toàn dễ hiểu và vào giai đoạn này là rất hợp lý khi thị trường có nhịp tăng từ đầu tháng 1 đến giờ và chưa có một nhịp điều chỉnh mạnh nào, cũng như hết tháng 7 kết quả kinh doanh ra hết và thị trường bước vào thời điểm vùng trũng thông tin.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thanh khoản đã phục hồi như nhận định của anh chị tuần trước, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng trưởng tích cực. Anh chị có gia tăng cổ phiếu tuần qua không, hay nắm giữ chờ đợi tin kết quả kinh doanh để chốt lời?

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và chưa thấy các tín hiệu rủi ro đáng kể trong trung/dài hạn để giảm tỷ trọng.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Tuần vừa qua tôi đã hạ tỷ trọng danh mục về mức an toàn sau khi đã tăng ở tuần trước đó, về cơ bản tôi chờ đợi các nhân tố mới sẽ diễn ra trong tuần sau cũng như đến giữa tháng 7.

Xu thế dòng tiền: Có hệ thống giao dịch mới, thị trường dễ bị “đánh úp”?
"Kết quả kinh doanh sẽ làm phân hóa rất mạnh thị trường, sẽ có cổ tăng tốt và cổ không tăng được thậm chí còn giảm nên việc tham gia giải ngân giai đoạn này cần “chọn mặt gửi vàng”. - Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tuần trước tôi đánh giá thị trường vẫn khá ổn nên vẫn tham gia giải ngân vào những cổ phiếu khỏe nền tảng cơ bản tốt.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Tuần qua tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ rằng việc cơ cấu danh mục ở phiên giao dịch cuối tuần qua là cần thiết. Đánh giá lại số lượng tỷ trọng cổ phiếu hoặc giảm bán các cổ phiếu đã tăng nhiều hoặc biến động mạnh trong ngắn hạn là cần thiết. Tôi đang muốn giữ tỷ trọng cổ phiếu hợp lý và gọn lại trước khi tìm được cổ phiếu chiến lược ưng ý để giải ngân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả