Xử lý rác thải khu dân cư cách ly: Không để lây lan, phát tán mầm bệnh ra cộng đồng
Theo các chuyên gia, đối với rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 không thể xem là rác thải sinh hoạt thông thường, mà là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh cần được thu gom, xử lý đúng quy định.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề trên, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các khu dân cư đang thực hiện cách ly, phong tỏa trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang được cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm thực hiện.
Cần có giải pháp phù hợp
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trong đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 này, trung bình mỗi ngày TP Hà Nội có khoảng 6.500 tấn rác thải được thu gom và đưa về các khu xử lý hợp vệ sinh (Bãi Nam Sơn và Xuân Sơn). Đối với rác thải sinh hoạt thông thường, Urenco thực hiện thu gom tại các hộ dân, cơ sở kinh doanh... Sau đó thực hiện vận chuyển về các khu xử lý thực hiện chôn lấp. Tại các khu xử lý sẽ thực hiện phun thuốc khử mùi; diệt côn trùng; sử dụng vận liệu phủ bãi Posi - Sell nhằm hạn chế nước mưa thấm trong rác, chống xói mòn; phủ bạt HDPE giúp tách nước mưa, giảm nước rác, hạn chế côn trùng gây bệnh và mùi hôi phát tán.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 đang lây lan trong cộng đồng như hiện nay, nhiều người dân tỏ ra lo lắng, nếu như việc thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực dân cư bị phong tỏa do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm mà không được xử lý đúng quy định, sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ phát tán mầm bệnh rộng ra trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Hằng, sinh sống tại phố Hoàng Cầu (Đống Đa) chia sẻ: “Gần nhà tôi có một số hộ dân bị phong tỏa do có ca mắc Covid-19, tôi rất băn khoăn việc thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt này khi được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly có được khép kín, đảm bảo không? Nếu không thực hiện đúng thì khó tránh khỏi nguy cơ lây lan mầm bệnh”.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 cần được xem xét, có giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn. "Chúng ta không thể xem đây là rác thải sinh hoạt thông thường mà là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh và cần được thu gom, xử lý như rác y tế nguy hại" - một chuyên gia nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty CP Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) Tống Việt Dũng cho biết, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này, đơn vị thực hiện thu gom, xử lý rác tại một số khu dân cư đang thực hiện cách ly, phong tỏa. Tại quận Đống Đa, đã tiến hành đặt thùng chứa rác, thu gom, duy trì vệ sinh theo quy định tại 14 điểm cách ly y tế như: Phường Văn Chương, Nam Đồng, Thổ Quan, Láng Hạ, Hoàng Cầu…
“Quá trình tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại khu dân cư cách ly sẽ được vận hành an toàn, đảm bảo các công đoạn, phương tiện và tuyệt đối không để rác thải trở thành nguồn lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng” - ông Tống Việt Dũng cho biết.
Urenco 13 tiến hành đặt 2 thùng rác và duy trì vệ sinh môi trường theo quy định tại ngõ Lệnh Cư, phường Thổ Quan (quận Đống Đã) nơi đang thực hiện cách ly, phong tỏa 70 hộ dân do có ca mắc Covid-19.
Tuân thủ nghiêm các quy định
Theo ông Tống Việt Dũng, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong khu dân cư đang thực hiện cách ly, phong tỏa, trước hết đối với lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng trước đó tại điểm cách ly của người dân, đơn vị sẽ coi đó là rác có nguy cơ lây nhiễm và thực hiện thu gom, xử lý như rác thải y tế nguy hại.
Cùng với đó, phối hợp với UBND phường, xã hướng dẫn tuyên truyền cho người dân tại khu cách ly hiểu và thực hiện các quy định về vệ sinh, phân loại các chủng loại rác. Tại mỗi điểm sẽ đặt 2 thùng rác 240 lít thu rác thải sinh hoạt theo giờ thành 2 loại, 1 là rác có nguy cơ lây nhiễm như khẩu trang, giấy ăn, giấy lau mũi, quần áo bảo hộ y tế… sẽ được phân loại và để riêng; còn lại rác thải sinh hoạt để riêng một thùng.
Hàng ngày, trước khi tiến hành thu gom tại các khu dân cư đang thực hiện cách ly, phong tỏa, lái xe và công nhân phải tuân thủ việc sử dụng bảo hộ lao động đã được cấp phát. Thực hiện đo thân nhiệt cơ thể trước khi di chuyển, tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ bên trong thành thùng xe, bên ngoài xe…Thực hiện nghiêm túc việc khai báo với bộ phận thường trực tại địa điểm cách ly để đưa xe ra ngoài khu vực cách ly.
Đối với chất thải sinh hoạt có nguy cơ lây nhiễm, túi đựng chất thải sẽ được buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm. Sau khi vận chuyển rác thải từ các khu cách ly về nhà máy, rác thải sẽ được xử lý bằng công nghệ hấp sấy tiệt trùng, đảm bảo tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn, virus, mầm bệnh trong rác thải… theo quy định.
Ông Tống Việt Dũng cũng lưu ý: “Trong quá trình di chuyển về nơi xử lý, chúng tôi yêu cầu công nhân vệ sinh tuyệt đối tuân thủ theo lịch trình, không di chuyển đến lấy rác tại các địa điểm khác, phải vận chuyển thẳng về nơi quy định.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND phường Thổ Quan (quận Đống Đa) Lê Hương Giang, trên địa bàn phường hiện có 70 hộ dân đang thực hiện cách ly, phong tỏa do có ca mắc Covid-19 tại ngõ Lệnh Cư, ngoài các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, UBND phường rất quan tâm, bám sát vấn đề thu gom, xử lý rác thải tại khu vực này nhằm tránh lây lan, phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.
Theo đó, UBND phường đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), tuyên truyền đến Nhân dân trong khu cách ly thực hiện phân loại, lưu giữ rác theo đúng hướng dẫn. Hàng ngày tuyên truyền cho người dân bằng loa phát thanh về địa điểm, thời gian bỏ rác. Bố trí nhân lực, phương tiện trực phun khử khuẩn trong thời gian người dân mang rác bỏ vào thùng, xe. Hết giờ quy định bỏ rác thì thực hiện phun lần cuối toàn bộ thùng rác trước khi công nhân môi trường đẩy đi.
“Bên cạnh đó, chúng tôi liên hệ với đơn vị chức nhưng như TTYT quận phối hợp thu rác thải có nguy cơ lây nhiễm theo đúng quy định của Sở Y tế và Sở TN&MT Hà Nội. Đặc biệt, vận động người dân hoặc lực lượng làm nhiệm vụ phía trong khu vực cách ly làm tổng vệ sinh ngõ phố…” - Phó Chủ tịch UBND phường Thổ Quan Lê Hương Giang cho biết.
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 4119/BTNMT-TCMT ngày 23/7/2021 gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19. Trong đó, đảm bảo xử lý kịp thời chất thải phát sinh do dịch Covid-19 nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16, Chỉ thị số 17. Chú trọng việc tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà, khu dân cư cách ly…) tại địa phương thực hiện công tác thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 theo đúng quy định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận