24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Thị Lâm Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xu hướng thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2021

Tương lai tăng dù hiện tại có bị đạp thế nào đi nữa.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong ngắn hạn, dòng tiền vào thị trường chứng khoán khả năng vẫn tiếp tục tăng do mặt bằng lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, tỷ lệ tiết kiệm tăng cao. Tuy nhiên, khi Chương trình tiêm chủng vaccine được triển khai trên diện rộng và kinh tế có dấu hiệu phục hồi, dòng tiền từ đầu tư chứng khoán và tiết kiệm sẽ dịch chuyển nhiều hơn vào sản xuất-kinh doanh.

Thị trường chứng khoán tăng mạnh nửa đầu năm 2021

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được đánh giá là thị trường có mức tăng mạnh thứ 2 trên thế giới. Tính đến ngày 30/6/2021, chỉ số VN-Index đạt 1408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 29,2%, đạt 6.838 nghìn tỷ đồng, tương đương 108,7% GDP, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra.

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục bùng nổ. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 22.770 tỷ đồng/phiên, tăng 206,8% so với bình quân năm 2020. Sự tăng mạnh của thanh khoản chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cho thấy tâm lý ảnh hưởng đến từ khối ngoại không còn chi phối nhiều đến TTCK Việt Nam trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, với TTCK phái sinh, tính chung từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 188.865 hợp đồng/phiên, tăng 20% so với năm trước. Khối lượng mở (OI) tại ngày 30/6/2021 đạt 30.022 hợp đồng, giảm 26% so với cuối năm 2020. TTCK phái sinh đã có thêm sản phẩm mới là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Sản phẩm này được chính thức đưa vào giao dịch vào ngày 28/6/2021.

Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm cũng ngày càng thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng giao dịch đạt 22,4 triệu chứng quyền/phiên, tăng 89% so với bình quân năm trước và giá trị giao dịch đạt 103,2 tỷ đồng/phiên, tăng 377% so với bình quân năm trước.

Số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh khiến thanh khoản và lực cầu vào TTCK tăng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có 620.683 tài khoản mở mới, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2020, bằng số tài khoản mở mới của hai năm trước cộng lại

Trong khi đó, thị trường trái phiếu tiếp tục duy trì ổn định. Đến cuối tháng 6, thị trường có 450 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.394 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với năm 2020 (tương đương 22,2% GDP). Giá trị giao dịch bình quân đạt 11.765 tỷ đồng/phiên, tăng 13,2% so với bình quân năm 2020.

Xét về hoạt động huy động vốn, trong 6 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: (i) Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa ước đạt 26.857 tỷ đồng, tăng 197%; (ii) Huy động vốn qua phát hành TPDN ra công chúng ước đạt 8.394 tỷ đồng, giảm 23%; (iii) Huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 63% với giá trị đạt 141.493 tỷ đồng.

Điểm những nguyên nhân khiến TTCK tăng điểm mạnh

Đánh giá về những nguyên nhân khiến TTCK tăng điểm mạnh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng, có nhiều yếu tố trong và ngoài nước tác động đến thị trường. Cụ thể:

Một là, Việt Nam thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh, nhờ đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế vẫn hoàn thành theo đúng kế hoạch (Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt hơn 5,64%, gấp ba lần mức tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020);
Hai là, lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp dẫn đến dòng tiền tiết kiệm của người dân và tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp chưa đầu tư vào sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19 tạm thời dịch chuyển vào thị trường tài sản, nhất là thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản (Số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh khiến thanh khoản và lực cầu vào TTCK tăng nhanh, trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có 620.683 tài khoản mở mới, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2020, bằng số tài khoản mở mới của hai năm trước cộng lại)
Ba là, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch Quý I năm 2021 khả quan. Theo báo cáo tài chính quý I/2021 của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch (công bố đến ngày 30/4/2021), tổng lợi nhuận sau thuế tăng 66,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, dự kiến mức lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì khá tốt, nhất là khối tài chính ngân hàng, ngành thép, chứng khoán...
Bốn là, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý so với thị trường khu vực. Theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, mức định giá P/E của VN-Index cuối tháng 6 khoảng 18,8 lần, thấp hơn các thị trường khu vực ASEAN từ 30-50%.
Năm là, trên thế giới, hầu hết TTCK thế giới đã tăng điểm và hồi phục tích cực, các nhà đầu tư lạc quan về sự phục hồi của các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, EU, Trung Quốc. Chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã được triển khai trên diện rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ và các nước châu Âu mang lại viễn cảnh tươi sáng hơn cho nền kinh tế thế giới

Nhận định một số rủi ro

Tuy nhiên, cũng theo UBCKNN, TTCK Việt Nam trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với những yếu tố rủi ro gồm:

Thứ nhất, TTCK đã tăng trưởng trong một thời gian khá dài (từ tháng 8/2020), đã vượt mốc 1.400 điểm. Mức giá của nhiều mã chứng khoán đang ở mức khá cao sau một thời gian tăng mạnh. Do đó, giai đoạn này TTCK tương đối nhạy cảm với các thông tin và tâm lý chốt lời của nhà đầu tư nên thị trường có thể có những nhịp điều chỉnh với tần suất khá lớn.
Thứ hai, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 tại một số quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam. Trường hợp dịch bệnh tiếp tục bùng phát và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.
Thứ ba, việc nhà đầu tư cá nhân tăng tỷ trọng trên TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây từ mức 79% năm 2019 lên mức 82% có thể tăng thêm tâm lý đầu tư theo bầy đàn khiến thị trường có những biến động lớn.
Thứ tư, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất trong những tháng gần đây đã tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước, điều này có thể sẽ khiến cho các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn trong thời gian tới và khó giữ được mức tăng trưởng lợi nhuận như thời gian vừa qua.
Thứ năm, trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu đưa ra những tín hiệu về khả năng áp dụng chính sách đối phó với lạm phát như dừng các chính sách kích thích kinh tế hay thông báo kế hoạch tăng lãi suất. Các chính sách này nếu được thực thi sớm trên thế giới và nếu áp lực lạm phát trong nước tăng sẽ tạo thêm áp lực cho TTCK điều chỉnh giảm.

Nhận định xu hướng

Theo đánh giá của UBCKNN, ngân hàng trung ương các nước trong 6 tháng cuối năm tạm thời chưa áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để đối phó với nguy cơ lạm phát. Tại Việt Nam, trong ngắn hạn, dòng tiền vào TTCK khả năng vẫn tiếp tục tăng do mặt bằng lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, tỷ lệ tiết kiệm tăng cao do hạn chế chi tiêu, du lịch, khám chữa bệnh và du học, và dòng tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế do Covid-19.

Tuy nhiên, vào cuối năm và sang năm 2022, với sự gia tăng của giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất. Lợi nhuận của nhóm ngành ngân hàng cũng sẽ không được như giai đoạn đầu năm khi những chính sách về hoãn, giảm các khoản nợ không còn được duy trì. Chương trình tiêm chủng vaccine được triển khai trên diện rộng và kinh tế có dấu hiệu phục hồi, dòng tiền từ đầu tư chứng khoán và tiết kiệm sẽ dịch chuyển nhiều hơn vào sản xuất – kinh doanh. TTCK lúc đó sẽ ổn định và bền vững hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả