24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nguyễn Trường Giang Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xu hướng “phi đô la hoá” lan rộng và phản ứng của các nước ASEAN

Một trong những xu hướng tài chính thú vị nhất của năm 2023 là phong trào thoát khỏi đồng đô la Mỹ hay còn gọi là Phi đô la hóa. Đây là nỗ lực của một số quốc gia nhằm giảm vai trò của đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế.

Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Malaysia, cùng với một số quốc gia khác đang tìm cách thiết lập các kênh thương mại sử dụng các loại tiền tệ khác ngoài đô la. Trong bối cảnh hậu đại dịch, phần lớn nền kinh tế thế giới đang tái cấu trúc bản thân, liệu vai trò dự trữ của đồng đô la Mỹ có phải là viên gạch domino tiếp theo sẽ bị đổ?

Để trả lời câu hỏi đó, điều quan trọng là phải hiểu được đồng đô la Mỹ đã đạt được địa vị hiện tại như thế nào và tại sao một số người muốn thay đổi nó.

Lịch sử ra đời của Đồng tiền Dự trữ

Lịch sử ra đời đồng tiền dự trữ liên quan mật thiết đến sự phát triển của hệ thống tiền tệ quốc tế trong nhiều thế kỷ. Trước khi có hệ thống Bretton Woods, các loại tiền tệ quốc tế đã thay đổi nhiều lần theo sự thăng trầm của các đế chế và cường quốc thương mại.

Trong quá khứ, một số loại tiền tệ đã được sử dụng như đồng tiền dự trữ quốc tế. Ví dụ, drachma của Hy Lạp, denari của La Mã, solidus của đế quốc Byzantine, dinar của thế giới Ả Rập và guilder của Hà Lan đã từng được sử dụng như tiền tệ quốc tế. Đồng franc của Pháp và đồng bảng Anh cũng có vai trò quan trọng trong thời kỳ này. Đặc biệt, đồng bảng Anh đã trở thành tiền tệ dự trữ chính của thế giới trong thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 do vai trò thống trị của Vương quốc Anh trong thương mại và tài chính quốc tế.

Sau Thế chiến I, nền kinh tế Anh gặp khó khăn trong việc lấy lại vị thế của mình. Phần lớn lượng vàng dự trữ của thế giới chảy từ London sang New York để bảo quản an toàn và đầu cơ trong thời kỳ thị trường chứng khoán tăng trưởng kéo dài được kích thích bởi sự thịnh vượng và bùng nổ kinh tế Mỹ trong thập niên 1920.

Hoa Kỳ đã áp dụng chế độ bản vị vàng từ năm 1879, ngoại trừ một lệnh cấm xuất khẩu vàng trong Thế chiến thứ nhất, nhưng sự thất bại của hệ thống ngân hàng trong thời kỳ Đại Suy thoái những năm 1930 đã khiến công chúng lo sợ và tích trữ vàng, khiến chính sách này không thể đứng vững.

Theo lý thuyết kinh tế của Keynes, một trong những cách tốt nhất để chống lại một cuộc suy thoái kinh tế là tăng cung tiền. Theo đó nếu lượng vàng mà Cục Dự trữ Liên bang nắm giữ tăng lên thì khả năng tăng cung tiền vào thị trường cũng sẽ cao hơn. Năm 1931 khi phải đối mặt với những áp lực tương tự, Vương quốc Anh đã từ bỏ bản vị vàng, Roosevelt đã lưu ý điều đó.

Không lâu sau khi nhậm chức vào tháng 3 năm 1933, Roosevelt đã tuyên bố tạm ngừng hoạt động của các ngân hàng trên toàn quốc để ngăn chặn một cuộc rút tiền gửi đột biến từ những khách hàng thiếu niềm tin vào nền kinh tế. Ông cũng cấm các ngân hàng trả bằng vàng hay cấm xuất khẩu vàng để tất toán các tài khoản quốc tế.

Vai trò thống trị của Mỹ trong Thế chiến II càng củng cố New York là trung tâm tài chính của thế giới, và đồng đô la Mỹ đóng vai trò là đồng tiền quan trọng nhất. Năm 1944 Hiệp ước Bretton Woods được ký kết tại Bretton Woods, New Hampshire, Hoa Kỳ. Thoả hiệp này đã thiết lập một hệ thống tiền tệ quốc tế mới, theo đó đồng đô la Mỹ đóng vai trò là thước đo duy nhất để thanh toán và dự trự tiền tệ quốc tế, kể từ đó Đồng bạc xanh đã chính thức trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới.

Dòng thời gian sau đó nhanh chóng chuyển sang năm 1971. Cùng thời điểm, Tổng thống Richard Nixon từ bỏ chế độ bản vị vàng. Từ đó trở đi, đồng đô la Mỹ được đảm bảo không phải bằng kim loại quý, mà hoàn toàn bằng niềm tin và tín nhiệm của Chính phủ Mỹ cùng với sức mạnh quân sự của họ. Và cũng kể từ lúc này, phong trào phi đô la hóa bắt đầu, nhiều người đã kêu gọi chấm dứt vai trò của đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ của thế giới. Liệu những năm 2020 có phải là thời điểm phong trào này bùng phát khi những lời kêu gọi này biến thành hành động?

Tại sao đồng đô la Mỹ là đồng tiền chủ đạo

Có một số yếu tố đã dẫn đến việc đồng bạc xanh duy trì tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế của nó. Một trong số đó là cái gọi là “petrodollar“. Phần lớn các giao dịch dầu mỏ trên thế giới được thanh toán bằng đồng đô la Mỹ. Vì thương mại dầu mỏ toàn cầu lên đến hàng tỷ đô la Mỹ mỗi ngày và tất cả các quốc gia đều cần năng lượng, điều này tạo ra một nhu cầu khổng lồ về đồng đô la Mỹ để thực hiện cho các giao dịch này.

Trong khi dầu mỏ là ví dụ rõ ràng nhất, vẫn tồn tại hoạt động thương mại có nhu cầu lớn hơn về một đơn vị hối đoái mang tính chất toàn cầu. Hãy xem xét một kịch bản nơi một nông dân Brazil bán đậu nành cho một công ty gia vị Nhật Bản. Rất có thể rằng công ty Nhật Bản sẽ không có đồng Real Brazil trong tay để trả cho nông dân. Tương tự như vậy, người nông dân Brazil cũng không muốn chấp nhận Yên Nhật để đổi lấy đậu nành của họ. Do đó, giải pháp hợp lý là sử dụng một bên trung gian để chuyển đồng Yên thành đồng đô la Mỹ, mua đậu nành bằng đồng đô la Mỹ và sau đó có người nông dân sẽ chuyển những đồng đô la Mỹ này thành đồng nội tệ của họ.

Cục Dự trữ Liên bang ước tính rằng từ năm 1999 đến năm 2019, đồng đô la Mỹ chiếm tới 96% các giao dịch thương mại quốc tế ở châu Mỹ, 74% ở châu Á và 79% trên toàn thế giới. Trên toàn thế giới, các ngân hàng sử dụng đồng đô la Mỹ cho khoảng 60% các khoản tiền gửi và cho vay không thuộc quốc gia của họ. Thêm vào đó, trên thị trường ngoại hối ngày nay, đồng đô la Mỹ chiếm gần 90% tất cả các giao dịch.

Đã có rất nhiều thảo luận về việc cố gắng tạo ra một sự thay thế cho đồng đô la Mỹ. Euro – đồng tiền chung châu Âu có vẻ như đã có cơ hội vào thời điểm chuyển giao thế kỷ. Nhưng khủng hoảng tài chính năm 2008 và các cú sốc chính trị và kinh tế khác nhau ở châu Âu đã làm giảm vị thế của đồng tiền này trên thị trường thế giới. Nhật Bản có những vấn đề riêng của nó với một nền kinh tế trì trệ và dân số giảm sút. Trung Quốc khó có thể trở thành một loại tiền tệ dự trữ trong thời gian ngắn khi chính phủ của họ áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn cực kỳ khắt khe đối với việc sử dụng đồng nhân dân tệ.

Các ứng cử viên tiềm năng khác thì không đủ lớn để trở thành một đồng tiền dự trữ. Đồng Franc của Thụy Sĩ là một ví dụ, được biết đến là một đồng tiền ổn định và được đánh giá cao. Tuy nhiên, Thụy Sĩ là một quốc gia nhỏ bé và nền kinh tế mà nó gắn liền sẽ không thể hỗ trợ được các dòng vốn khổng lồ cần thiết cho một đồng tiền dự trữ quốc tế.

Phong trào phi đô la hóa được khơi dậy

Sau một thời gian ổn định về mặt tiền tệ, năm 2022 và 2023 đã mang đến những lời kêu gọi mới về một giải pháp thay thế có ý nghĩa cho đồng đô la. Điều này bắt đầu vào năm 2022, khi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Nga, sau khi nước này có hành động quân sự tại Ukraine. Dường như, nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác đã rất phẫn nộ trước ý tưởng rằng Hoa Kỳ có thể đóng băng các quỹ của họ do bất kỳ loại tranh chấp ngoại giao hoặc quân sự nào.

Một số quốc gia đã bắt đầu tìm kiếm các cách để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la và tăng cường sự hợp tác với các đối tác kinh tế khác. Một trong những ví dụ nổi bật là việc Trung Quốc và Nga ký kết một hiệp định thương mại song phương sử dụng các loại tiền tệ của riêng họ. Đây là một bước đi quan trọng để thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ và Rúp trong giao dịch quốc tế. Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng đã tham gia vào việc phát triển các loại tiền tệ số dựa trên công nghệ blockchain, nhằm tạo ra một hệ thống thanh toán toàn cầu an toàn và minh bạch hơn.

Trung Quốc đã giảm Trái phiếu kho bạc Mỹ của mình và hiện giữ 870 tỷ USD nợ Mỹ – thấp nhất kể từ năm 2010. Iraq đã cho phép giao dịch với Trung Quốc được thanh toán bằng nhân dân tệ, và Ả Rập Saudi đang xem xét việc định giá một số lượng dầu bán ra bằng nhân dân tệ. Ngân hàng trung ương của Indonesia và Hàn Quốc đã đồng ý mở rộng việc sử dụng đồng tiền địa phương của nhau cho các giao dịch song phương, ngoài ra Ấn Độ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã hoàn tất một thỏa thuận để giao dịch bằng tiền tệ của họ.

Địa chính trị không phải là vấn đề nóng bỏng duy nhất. Lạm phát cũng làm suy yếu vị thế của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Kể từ những năm 1980, Hoa Kỳ đã duy trì một mức lạm phát thấp và ổn định, mang lại sự tin tưởng cho người tiết kiệm trên toàn thế giới để giữ tài sản của họ bằng đô la. Kể từ năm 2022, lạm phát đã tăng vọt lên những mức không thể tưởng tượng được, đặt ra những câu hỏi về sự an toàn và ổn định của đồng đô la Mỹ cho việc tiết kiệm và đầu tư dài hạn.

Như thể chưa đủ, năm 2023 sự thất bại liên tiếp các tổ chức ngân hàng Mỹ lớn và uy tín như Silvergate, Silicon Valley Bank, Signature và First Republic đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực. Các ngân hàng còn lại hiện vẫn đang trong tình trạng bấp bênh bên bờ vực. Điều này làm giảm đi sự uy tín cũng như tạo ra một sự bất an về nền kinh tế Mỹ một cách rộng rãi hơn. Chuỗi các ngân hàng phá sản là điều mà mọi người mong đợi ở các thị trường mới nổi đang gặp khó khăn, chứ không phải là thủ phủ tài chính của thế giới.

Trước bối cảnh này, các nhà lãnh đạo của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã kêu gọi thực hiện các bước đi để trao đổi trực tiếp với nhau bằng đồng tiền của riêng họ trong khi cắt giảm vai trò của đồng đô la Mỹ. Điều này sẽ dần giảm vai trò và tầm quan trọng của đồng đô la Mỹ trong khi tạo ra một thế giới tài chính đa cực nơi các nền kinh tế hạng hai sẽ có nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Điều gì sẽ xảy ra nếu đồng đô la Mỹ mất tư cách là đồng tiền dự trữ?

Điều quan trọng cần nhận ra là tư cách đồng tiền dự trữ là một thứ mà, về mặt lịch sử, việc hình thành hay mất đi là cả một quá trình. Đồng đô la Mỹ không còn có sức hút quốc tế không phải vấn đề một sớm một chiều, giống như đồng bảng Anh, cần cả một quá trình kéo dài nhiều thập kỷ để khiến nó từ trung tâm của kinh tế thế giới đến một loại tiền tệ hạng hai.

Vậy thì, nếu đồng đô la Mỹ dần mất vị trí của nó trên đỉnh kim tự tháp tài chính thế giới, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Đối với Hoa Kỳ, có lẽ nó sẽ có nghĩa là việc thị trường vốn sẽ trở nên khó khăn hơn, chi phí vay cao hơn và giá trị thị trường chứng khoán thấp hơn, cùng với đó là nhiều ảnh hưởng khác. Việc đóng vai trò là loại tiền tệ dự trữ của thế giới đã cho phép Hoa Kỳ chịu được các thâm hụt lớn về cả thương mại quốc tế và chi tiêu chính phủ. Nếu người nước ngoài không còn muốn giữ đồng đô la Mỹ để tiết kiệm sẽ dẫn đến việc phải “thắt lưng buộc bụng” đáng kể ở trong nước.

Xu hướng phi đô la hóa có thể mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế tại các quốc gia khác. Giao dịch bằng tiền tệ địa phương cho phép các nhà xuất khẩu và nhập khẩu cân bằng rủi ro, có nhiều lựa chọn để đầu tư, để có sự chắc chắn hơn về doanh thu và doanh số bán hàng. Một lợi ích khác cho các quốc gia chuyển sang sử dụng tiền tệ địa phương thay vì đô la làm trung gian trong thương mại song phương, là giúp họ tiến lên chuỗi giá trị cao hơn tiến tới việc thực hiện một khối thương mại song phương hoàn toàn.

Đồng tiền nào sẽ thay thế đồng đô la thì khó để dự báo vào lúc này. Chúng ta có thể tưởng tượng một thế giới trong đó đồng tiền chung Châu Âu – Euro hoặc Nhân dân tệ Trung Quốc cuối cùng trở thành loại tiền tệ dự trữ chính, nhưng sẽ phải có rất nhiều điều phải thay đổi đối với chính trị thế giới để đi đến điểm đó. Một số nhà kinh tế cũng đề xuất một hệ thống tài chính được bảo trợ bởi kim loại quý hoặc tiền điện tử, mặc dù việc triển khai những loại mô hình này có thể gặp phải rất nhiều thách thức, bởi vì quay lại chế độ “bản vị vàng” có thể coi là một bước lùi.

Tác giả: Ian Bezek, Cử nhân Kinh tế Đại học Bang Colorado, cộng tác phân tích tài chính cho U.S. News & World Report. (Ian Bezek, De-dollarization: What Happens if the Dollar Loses Reserve Status?U.S. News, 19.5.2023)

Phản ứng của khối ASEAN

Các nước ASEAN cũng thận trọng với vai trò của đồng đô la trong các biện pháp trừng phạt do Washington áp đặt. Mỹ cùng với EU đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD của dự trữ ngoại hối của Moskva và loại bỏ các ngân hàng lớn của Nga ra khỏi SWIFT nhằm làm suy yếu nền kinh tế nước này. Do đó, các biện pháp trừng phạt đã buộc các nước ASEAN phải giảm thiểu rủi ro của họ và tham gia đa dạng hóa các loại tiền tệ dự trữ của Hiệp hội. Hơn nữa, ASEAN cũng thận trọng rằng Mỹ có thể sử dụng quyền lực của đồng tiền của mình để nhắm vào các nước Đông Nam Á trong tương lai.

Việc thiết lập một liên minh tiền tệ trong khu vực ASEAN có thể được coi là một ý tưởng, tuy nhiên nó không mới, và cũng không khả thi vào thời điểm này. Xây dựng một hệ thống thanh toán cho khu vực có thể là một giải pháp tốt. Việc phát triển một kênh nhằm kết nối thanh toán xuyên biên giới sẽ thúc đẩy giao thương trong khu vực và đề phòng các rủi ro khi có bất ổn với kênh thanh toán toàn cầu SWIFT.

Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã đồng ý tăng cường sử dụng tiền tệ địa phương để đảm bảo ổn định tài chính.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp Indonesia (Apindo) đã mong muốn Indonesia với vai trò chủ trì ASEAN năm 2023 có thể thúc đẩy quá trình phi đô la hóa trong khu vực. Theo Apindo, quá trình phi đô la hóa đã trở thành một hiện tượng toàn cầu và, ở một mức độ nào đó, là một định hướng kinh tế[1].

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42 năm nay do Indonesia chủ trì với chủ đề “ASEAN quan trọng: Tâm điểm của Tăng trưởng”, diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng Năm 2023 tại thị trấn Labuan Bajo của Indonesia.

Trong khuôn khổ hội nghị kéo dài hai ngày, các nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố về việc thúc đẩy kết nối thanh toán trong khu vực, khuyến khích giao dịch bằng đồng tiền địa phương nhằm mục tiêu thúc đẩy kinh tế khu vực.

Việc sử dụng tiền tệ địa phương có thể giúp các quốc gia trong khu vực tăng cường khả năng ứng phó với những biến động về kinh tế thế giới, tăng cường khả năng phục hồi tài chính, đa dạng hóa thị trường tài chính trong khu vực bằng cách cải thiện thương mại – đầu tư cũng như hệ thống thanh toán trong ASEAN và tăng cường chuỗi giá trị khu vực.

Hội nghị cũng đã khuyến khích việc sử dụng tiền tệ địa phương cho các giao dịch xuyên biên giới trong khu vực và hỗ trợ việc thành lập một Nhóm Nhiệm vụ để khảo sát việc xây dựng Khung giao dịch Tiền tệ Địa phương ASEAN.

Trong bối cảnh một thế giới đầy bất ổn, các chính sách tiền tệ nhằm phòng ngừa rủi ro là cần thiết. Việc tăng cường sử dụng tiền tệ địa phương và xây dựng hệ thống thanh toán trong khu vực là những bước quan trọng trong việc đa dạng hóa và phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, phi đô la hóa là cả một quá trình, không phải chuyện một sớm một chiều có thể thực hiện được. Các nước ASEAN cần nâng cao năng lực tài chính, xây dựng hệ thống chuyên gia và tạo các mối quan hệ với các đối tác quốc tế. Bên cạnh đó cần có sự hợp tác và nỗ lực lâu dài giữa các thành viên nhằm xây dựng được lộ trình cụ thể, linh hoạt phù hợp với tình hình chính trị và kinh tế thế giới./.

Biên dịch và bình luận: Bùi Toàn

Chú thích:

[1] Apindo: Indonesia Can Be A Dedolarization Locomotive Through The Chairship Of ASEAN 2023, Voice of Indonesia (VOI), 26.4.2023.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Lê Nguyễn Trường Giang Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả