menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Bằng An

Xét xử vụ FLC: Cố ý câu kết làm sai lệch thông tin để bán cổ phiếu

Ngày 23/7, Hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Trong nhóm bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về hành vi “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” đều khai thấy có sự bất hợp lý giữa vốn điều lệ và vốn góp thực tế, tuy nhiên điều này đã được bỏ qua để tiếp tục thông tin sai lệch làm chủ đầu tư tin tưởng và mua cổ phiếu ROS (của Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros - Công ty Faros).

Xét xử vụ FLC: Cố ý câu kết làm sai lệch thông tin để bán cổ phiếu

Các bị cáo tại phiên toà xét xử, sáng 22/7. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, bị cáo Dương Văn Thanh (cựu Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) và Phạm Trung Minh (cựu Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán) đều thừa nhận quá trình tiếp nhận hồ sơ, thấy có sự sai lệch trong các nội dung liên quan đến vốn điều lệ và vốn góp thực tế của Công ty Faros. Cả hai bị cáo đều cho rằng mình không có thẩm quyền làm rõ những nội dung này, song không có động thái yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ mà vẫn tiếp tục tạo điều kiện để hoàn tất các thủ tục ký Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán.

Theo cáo trạng, Dương Văn Thanh và Phạm Trung Minh là những người có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc công nhận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán cho Công ty Faros. Các bị cáo này biết rõ hồ sơ đề nghị chấp thuận công ty đại chúng và đăng ký chứng khoán của Công ty Faros chưa đủ cơ sở xác định số vốn thực góp là 4.300 tỷ đồng, nhưng vẫn đồng ý chấp thuận Công ty Faros là công ty đại chúng có số vốn góp là 4.300 tỷ đồng và 114 cổ đông; đăng ký cổ phiếu ROS với số lượng 430 triệu cổ phiếu, có tổng giá trị là 4.300 tỷ đồng trái pháp luật và đăng thông tin sai lệch này trên thị trường chứng khoán. Việc này đã làm cho các nhà đầu tư lầm tưởng là có vốn chủ sở hữu thật, từ đó mua cổ phiếu ROS của Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC), gây thiệt hại cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán số tiền hơn 3.621 tỷ đồng. Cả hai bị cáo này đã ký Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán để đăng ký 430 triệu cổ phiếu ROS, có tổng giá trị 4.300 tỷ đồng, nhập mã cổ phiếu ROS vào khu vực giao dịch thuộc sàn HOSE, đăng thông tin sai lệch này lên Website của VSD để Công ty Faros tiếp tục làm thủ tục niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, tạo niềm tin cho nhà đầu tư mua cổ phiếu.

Do vậy, Viện Kiểm sát kết luận hai bị cáo này đã phạm tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".

Liên quan đến nhóm hành vi này, Viện Kiểm sát xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết và các bị cáo khác biết rõ là không có tiền góp vốn, các cá nhân không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng đã cùng nhau dùng thủ đoạn gian dối thực hiện hành vi để nâng khống vốn điều lệ Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng vốn góp chủ sở hữu. Sau đó phát hành 430 triệu cổ phiếu tương đương 4.300 tỷ đồng, đăng ký niêm yết số cổ phiếu này trên sàn HOSE lừa dối các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán lầm tưởng là cổ phiếu có giá trị thật; thực hiện bán 391.155.480 cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng, phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trong phần thẩm vấn cuối giờ sáng 23/7, Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi các bị cáo Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) sau 2 buổi cách ly. Trong phần trả lời của mình, bị cáo Quyết thừa nhận nội dung trong cáo trạng truy tố là đúng và tôn trọng các quyết định truy tố của Viện Kiểm sát. Bị cáo Quyết thừa nhận vi phạm trong các hoạt động chỉ đạo nâng khống vốn góp tại Công ty Faros, thao túng thị trường chứng khoán và xin chấp nhận mọi phán quyết của Tòa.

Về phần mình, Trịnh Thị Minh Huế khai các việc bị cáo làm là đều theo sự chỉ đạo của anh trai là Trịnh Văn Quyết. Huế thừa nhận đã thực hiện các hành vi như cáo trạng đã nêu. Cụ thể, Huế trực tiếp tiếp nhận chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết để thực hiện hoặc chỉ đạo lại các bị cáo khác thực hiện việc nâng khống vốn góp của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng, giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, bán cổ phiếu chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Ngoài ra, Huế còn trực tiếp tiếp nhận chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết để thực hiện mua bán cổ phiếu hoặc chỉ đạo lại các bị cáo khác mở tài khoản, ký các thủ tục chuyển tiền để thực hiện thao túng thị trường chứng khoán, giúp Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính 4 mã cổ phiếu HAI, GAB, ART và FLC với số tiền trên 684 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án, trong ngày xét xử đầu tiên của phiên tòa, gia đình bị cáo Trịnh Văn Quyết đã có đơn đề nghị Hội đồng xét xử cho phép nộp thêm hơn 25 tỷ đồng để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả trong vụ án.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả