Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Dù biết không được phép nhưng các bị cáo vẫn làm sai
Ngày 8/10, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác về các tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tiếp tục với phần bào chữa của luật sư.
Bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là Luật sư Nguyễn Thành Công và Cao Sỹ Nghị. Luật sư không tranh luận về tội danh mà VKS đã truy tố, nhưng cho rằng mức hình phạt 10-11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà đại diện VKS đề nghị đối với bị cáo Hồ Bửu Phương là nặng.
Luật sư đề nghị cần xem xét, đánh giá lại hành vi “giúp sức tích cực” mà VKS đã luận tội đối với bị cáo Phương là chưa thỏa đáng. Theo luật sư, thứ nhất, chủ trương phát hành trái phiếu không phải từ bị cáo Phương mà là từ Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB – đã chết) đề xuất bị cáo Trương Mỹ Lan để quyết định phát hành.
Cụ thể là, với chuyên môn và kiến thức về tài chính, chứng khoán của mình, bị cáo Phương sau khi nhận chủ trương chỉ đạo từ cấp trên (bị cáo Trương Mỹ Lan) đã làm hồ sơ để giúp trái phiếu của 3 công ty An Đông, Quang Thuận và Sunny World được phát hành thành công (có đơn vị mua sơ cấp) để đủ điều kiện báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định.
Do đó, bị cáo Phương không tham gia vào giai đoạn chủ trương ban đầu và cũng không tham gia giai đoạn bán thứ cấp, phát hành cho 35.824 trái chủ, chỉ tham gia 1 trong 4 giai đoạn của hoạt động phát hành trái phiếu…
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Hồ Bửu Phương nói thêm, với chuyên môn về tài chính và trước khi về làm cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo đã làm cho nhiều công ty kiểm toán lớn nên trong công việc luôn giữ bản thân làm đúng quy định của pháp luật, không được phép sai. Bị cáo Phương cho biết, việc phát hành các lô trái phiếu, bị cáo không được quyền xen vào, không có quyền quyết định mà chỉ sử dụng chuyên môn của mình làm công việc theo nhiệm vụ và phân công của cấp trên.
Tuy nhiên, theo cáo trạng, bị cáo Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát, đã tham gia cuộc họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu với Trương Mỹ Lan, được giao làm đầu mối yêu cầu bộ phận kế toán các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuẩn bị hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính và lên phương án thực hiện các giao dịch chuyển tiền; chỉ đạo Nguyễn Hữu Hiệu, Vũ Quốc Tuấn phối hợp với nhân viên Công ty Chứng khoán TVSI để phát hành trái phiếu của An Đông, Quang Thuận và Sunny World, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 27.900 tỷ đồng của 33.393 bị hại.
Trước đó, trong quá trình xét hỏi, Hồ Bửu Phương, thừa nhận cáo trạng truy tố đúng. Bị cáo Phương cũng thừa nhận là người đưa ra các tiêu chí để đảm bảo việc phát hành trái phiếu thành công… Cựu Phó Tổng giám đốc tài chính của Vạn Thịnh Phát còn cho biết thêm, các gói trái phiếu phát hành đều không có tài sản đảm bảo. Để thực hiện việc phát hành, bị cáo đã chỉ đạo một số người thuộc tập đoàn cách chạy dòng tiền khống để đủ đảm bảo đúng phương án phát hành. Phương thừa nhận, không có tài sản đảm bảo thì việc phát hành sẽ không thành công.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Phương cũng được xác định là người có vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Lan tham ô tài sản với số tiền lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng và bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.
Liên quan đến vụ án, trong buổi sáng cùng ngày, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) và các luật sư cộng sự bào chữa cho 4 bị cáo trong vụ án này, tiếp tục thông tin trước HĐXX về khoản tiền mà nhóm bạn của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) ở Mỹ muốn giúp bị cáo Lan khắc phục hậu quả. Luật sư Trang cho hay, nhóm bạn của bị cáo Trương Mỹ Lan đã giao dịch thành công và có sẵn nguồn tiền 3.000 tỷ đồng để giúp bị cáo Trương Mỹ Lan. Luật sư đã nộp đơn đề nghị và chờ thông báo cho phép sẽ tiến hành nộp ngay vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan nhà nước.
Đối với bị cáo Kwok Hakman Oliver (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông) luật sư cũng đề nghị xem xét bị cáo này dù là Tổng Giám đốc nhưng cũng chỉ là người được thuê làm công ăn lương, không nhận chỉ đạo trực tiếp từ Trương Mỹ Lan, là người nước ngoài nên hạn chế về khả năng nhận thức pháp luật Việt Nam. Luật sư và bị cáo đều mong HĐXX xem xét giảm nhẹ mức hình phạt dưới khung mà VKS đề nghị.
Chiều cùng ngày, luật sư Lê Hồng Nguyên, bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), cho biết, về tội danh, luật sư tôn trọng sự thành khẩn và sự thừa nhận của thân chủ như cáo trạng truy tố và quan điểm luận tội của đại diện VKS. Tuy nhiên luật sư cho rằng về phần luận tội của đại diện VKS có phần quá nghiêm khắc và mong VKS sẽ nhìn nhận, đánh giá lại để có mức đề nghị lượng hình phù hợp cho bị cáo.
Giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn bị truy tố 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn bị đại diện VKS đề nghị mức án 17-19 năm tù cho 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Giai đoạn 1, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án chung thân cho 2 tội danh “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Về hành vi lừa đảo, hồ sơ thể hiện, với cương vị là Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB (từ tháng 12/2013 đến tháng 7/2020), Võ Tấn Hoàng Văn đã tham gia cuộc họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu với Trương Mỹ Lan và các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, TVSI.
Võ Tấn Hoàng Văn là người chỉ đạo, điều hành Ngân hàng SCB giới thiệu, tư vấn bán trái phiếu, ủy quyền cho Trần Thị Minh Thảo, đại diện phía Ngân hàng SCB ký kết hợp đồng với Công ty Chứng khoán TVSI về việc hợp tác giới thiệu nhà đầu tư nhận chuyển nhượng trái phiếu; chỉ đạo Khối Ngân hàng bán lẻ Ngân hàng SCB triển khai tổ chức bán hàng, đào tạo sản phẩm mới cho Giám đốc và các nhân viên bán hàng tại các Chi nhánh và Phòng giao dịch Ngân hàng SCB... đồng phạm với Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 28.469 tỷ đồng của 35.818 bị hại.
Còn với hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cáo trạng nêu Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, từ tháng 12/2013, đến tháng 7/2020, đã ký duyệt các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài cho các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Võ Tấn Hoàng Văn khai nhận từ ngày 27/11/2018 đến ngày 30/3/2020, đã ký duyệt tổng cộng 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số tiền 516.506.280 USD, tương đương 11.998 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Văn đã thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng nêu. Tự bào chữa cho mình, bị cáo Văn mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận