Xếp hàng từ 2h nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội
8h30 đơn vị tiếp nhận mới làm việc song từ 2h, người dân đã đến xếp hàng, "ghi danh" vì mỗi ngày chủ đầu tư dự án chỉ tiếp nhận 40 hồ sơ.
Dưới ánh điện yếu ớt trước cửa tòa nhà N09B1 khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy - nơi tiếp nhận hồ sơ mua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm), khoảng chục người chụm đầu ghi số thứ tự. Ai đến sớm nhất sẽ đứng đầu danh sách. Tình trạng này diễn ra nhiều ngày qua, khi dự án bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký.
Sau hai lần tới nhưng hết số, hôm 20/4, Dương Minh Luật, 28 tuổi, quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội quyết định xuất phát từ nửa đêm. Cưới vợ ba năm trước song với mức lương chỉ hơn 6 triệu đồng một tháng, Luật và vợ làm giáo viên vẫn ngày ngày vượt quãng đường gần 80 km để đi về giữa nơi làm ở quận Cầu Giấy và nhà ở quê. Dù vất vả, vợ chồng trẻ tiết kiệm được một khoản đáng kể tiền thuê nhà.
Hơn 1 tháng trước, khi đọc được mẩu tin thông báo nhận hồ sơ nhà ở xã hội, Luật bàn với vợ tham gia, hy vọng chấm dứt cảnh thức khuya dậy sớm đi làm. Với khoảng 400 triệu đồng tiền tiết kiệm, Luật dự kiến sẽ vay thêm khoảng 70% giá trị căn hộ. "Hơn 1 tỷ đồng thì chúng tôi còn kham được, chứ những dự án khác toàn hơn 2 tỷ, thật sự không biết khi nào mới mua được nhà", anh nói.
Chỉ vào chiếc túi vải bên hông, anh Hội, 34 tuổi, cho biết bên trong có chừng 10 loại giấy tờ yêu cầu nhóm lao động làm việc trong và ngoài khu công nghiệp cần có. Đó là đơn mua nhà ở xã hội, các loại giấy xác nhận thông tin cư trú, thực trạng nhà ở, xác nhận đang đóng bảo hiểm xã hội.
Do đang thuê trọ, gia đình anh phải có xác nhận tình trạng cư trú (KT3) trên một năm. Tuy nhiên, sổ tạm trú đã bị bãi bỏ từ đầu năm 2023, thay bằng Giấy xác nhận thông tin cư trú nên Hội phải đi công chứng hợp đồng thuê nhà rồi mang ra công an phường xin dấu. Anh mất gần 20 ngày, đến UBND phường, công an phường, cơ quan Bảo hiểm xã hội, phòng công chứng để hoàn thành toàn bộ hồ sơ mua nhà. Dù vậy, anh chưa chắc chắn hồ sơ đã đúng hay chưa, hy vọng nếu sai vẫn kịp thời gian làm lại vì hạn cuối tiếp nhận đợt một là 11/5.
Đến từ tỉnh lẻ, 10 năm qua, anh Hội và vợ là giáo viên mầm non cùng hai con gái vẫn ở nhà thuê. Khoản thu nhập dao động 20 triệu đồng mỗi tháng của hai vợ chồng sau khi trừ chi phí ăn ở, sinh hoạt, học hành, còn vỏn vẹn vài triệu để tiết kiệm phòng thân. Việc sở hữu một căn hộ chung cư với gia đình anh ngày càng xa tầm với khi con cái ngày một lớn, các khoản chi tiêu càng nhiều. Mọi thứ càng trở nên bấp bênh sau ba năm dịch bệnh, việc làm cắt giảm và giá cả tiêu dùng tăng.
"Nghe nói hàng nghìn hồ sơ rồi, không biết mình có qua nổi vòng loại để vào vòng bốc thăm hay không", anh nói, cho biết dù cơ hội mong manh nhưng vẫn muốn thử vận may vì đã mệt mỏi với cảnh ở trọ, muốn có nơi an trú cho con.
Người dân ngồi chờ tới lượt nộp hồ sơ mua nhà hôm 11/4. Ảnh: Việt An
Dù đến trước giờ mở cửa hai tiếng, tên Hội đã đứng thứ 43 trong danh sách nộp hồ sơ trong ngày. Nhiều người ở gần chọn cách đến từ nửa đêm, "đặt gạch ghi tên" rồi về ngủ tiếp, chờ đến 8h30 có mặt nộp hồ sơ. Ngày hôm trước, Hội đến từ 7h nhưng đành bỏ cuộc vì danh sách đã gần 70 người.
Khoảng 8h30, sảnh chung cư N09B1 kín người đứng chờ từ trong ra đến vỉa hè. Đám đông xếp hàng trật tự theo chỉ dẫn, năm người một lượt chờ gọi tên. "Những người ngồi đây sau này có may mắn được làm hàng xóm của nhau thì phải trân trọng nhé", Hội đùa với những người cùng cảnh.
Anh biết, nộp được hồ sơ mới là ngấp nghé đặt chân vào căn nhà thu nhập thấp vì sau khi xem xét, những hồ sơ không hợp lệ sẽ bị loại. Những người có thể đi tiếp phải "bốc thăm may mắn", với "tỷ lệ chọi" 1/7 hoặc cao hơn.
Sở Xây dựng Hà Nội tháng trước thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm). Giá công bố của chủ đầu tư là 19,5 triệu đồng mỗi m2, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng VAT. Như vậy, để sở hữu căn nhỏ nhất với diện tích 69,9 m2 tại dự án này, người mua cần bỏ ra hơn 1,39 tỷ đồng; căn diện tích to nhất 76,8 m2 khoảng 1,5 tỷ đồng. Người trúng sẽ phải trả trước 50 triệu đồng, sau đó thanh toán thêm 6 đợt nữa.
Dự án nhà ở xã hội này được xây dựng trên diện tích hơn 2.700 m2 với 32 tầng nổi, hai tầng hầm; 275 căn hộ, trong đó có 225 căn nhà ở xã hội và 50 căn thương mại. Đợt đầu tiên, chủ đầu tư mở bán 157 căn hộ nhà ở xã hội và cho thuê 68 căn. Đây là dự án có vị trí đắc địa kết nối giao thông thuận tiện, xung quanh là các khu đô thị lớn và tiện ích sẵn có như tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, Bệnh viện 103, Metro Hà Đông. Trong 13 nhà ở xã hội dự kiến mở bán trong năm nay, dự án Trung Văn mở bán sớm nhất.
Những người đến muộn khó nộp được hồ sơ vì mỗi ngày chủ đầu tư chỉ nhận 40 bộ. Ảnh: Việt An
Bà Nguyễn Hoa Hồng Nhung, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng NHS - đơn vị thực hiện dự án, cho hay mỗi ngày tiếp nhận 30-40 bộ hồ sơ xin mua nhà. Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 400 bộ hồ sơ hợp lệ.
Thời gian qua, thị trường Hà Nội vẫn thiếu nguồn cung dự án mới và cả nhà ở giá rẻ. Theo báo cáo của Savills Việt Nam (tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản), năm 2022, Hà Nội chỉ có hơn 12.600 căn hộ mới được tung ra - mức thấp nhất 8 năm qua, trong đó hơn 80% là hạng B, giá bán sơ cấp trung bình gần 47 triệu đồng mỗi m2. Theo tính toán của chuyên gia, giá bất động sản tỷ lệ nghịch với thu nhập phần lớn lao động hiện nay. Người Việt phải mất trung bình 23,5 năm mới mua được nhà ở.
Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với hơn 1,2 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng mục tiêu khi chỉ đạt 20,2% so với kế hoạch. Báo cáo hồi tháng 1 của Bộ Xây dựng cho thấy trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với các năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho người thu nhập thấp vẫn hạn chế.
Nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021 đến 2025 khoảng 1,3 triệu căn. Ông Hà Quang Hưng, Cục phó Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng nhiều doanh nghiệp hiện không mặn mà với nhà ở xã hội do thủ tục đầu tư dự án có khó khăn, thậm chí còn nhiều thủ tục hơn dự án nhà thương mại.
Trong khi đó, hành lang pháp lý quy định đảm bảo nguồn vốn để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận, song quá trình thực hiện lại không cân đối đủ. Lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12%, vẫn được cho là "quá cao, không phù hợp".
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng vướng mắc pháp lý là rào cản, khó khăn lớn nhất hiện tại. "Do vướng pháp lý nên ít dự án được phê duyệt kịp thời dẫn đến thiếu nguồn cung, nhất là phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội", ông Lực nói
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận