menu
Xe điện Trung Quốc có thể xáo trộn thị trường Mỹ
Sơn Lương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xe điện Trung Quốc có thể xáo trộn thị trường Mỹ

Sau thời gian chuẩn bị, các hãng xe từ quốc gia Đông Á sẵn sàng đổ bộ, đe dọa miếng bánh thị phần của General Motors hay Ford.

Các nhà quan sát nói rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi các hãng xe Trung Quốc mang những chiếc xe điện gây ấn tượng, và quan trọng là không hề đắt đỏ, tới Mỹ. Sau những năm chuẩn bị hệ thống kinh doanh tại Mỹ, những hãng này đang tiến gần hơn đến việc thâm nhập vào thị trường ôtô hàng đầu thế giới.

Tại quê nhà, các hãng xe Trung Quốc đã làm tốt việc đánh bại các đối thủ từ Mỹ, như General Motors (GM) và Ford. Xe điện Trung Quốc cũng có chất lượng tốt hơn trước đây, và giá bán lại rẻ hơn. Các hãng xe từ quốc gia Đông Á cũng đã xuất khẩu xe tới châu Âu.

Nhưng khi các thương hiệu xe điện hàng đầu Trung Quốc như Nio và Geely nhắm tới Mỹ, câu hỏi lớn là họ có thể vượt qua những căng thẳng giữa hai quốc gia, và người Mỹ có mua xe Trung Quốc hay không?

"Còn vài năm thú vị phía trước để xem Ford và GM có thể ngăn chặn làn sóng cạnh tranh từ Trung Quốc hay không", Martin French từ hãng tư vấn Berylls nói. "Từ những gì chúng ta được thấy ở triển lãm Thượng Hải năm nay, thì cuộc cạnh tranh là rất, rất thật", French thêm.

Những năm gần đây, ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đã bùng nổ. Trong 2022, doanh số xe điện ở Mỹ là 800.000, trong khi người Trung Quốc mua đến 5 triệu xe. Và sau những năm không có đối thủ, Tesla đang có nguy cơ mất ngôi vương vào tay một hãng xe Trung Quốc - BYD.

Vào những năm 1970, các hãng Nhật như Toyota và Honda xuất hiện và mang theo những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu và giá cả phải chăng, khiến các hãng Mỹ không còn thế độc quyền ở thị trường nội địa. Gần đây, những thương hiệu Hàn Quốc như Hyundai và Kia cũng lấy thêm thị phần ở phân khúc SUV của Ford và GM.

Lịch sử có thể lặp lại. Các hãng xe điện Trung Quốc có thể giành được chỗ đứng ở Mỹ bằng việc thâm nhập thị trường cùng những sản phẩm có mức giá khởi điểm hợp lý.

"Các hãng Trung Quốc có khả năng làm được điều họ đã làm trước đây và chỉ với xe điện hay không? Câu trả lời chắc chắn là có", Bill Russo, cựu nhân sự cấp cao của Chrysler và hiện là CEO của hãng tư vấn Automobility ở Thượng Hải nói. "Ai lại không muốn mua những chiếc xe giá cả hợp lý?", Russo hỏi lại.

Nhưng những căng thẳng giữa hai quốc gia đang tăng khiến các hãng xe Trung Quốc muốn gia nhập thị trường Mỹ có thể gặp trở ngại lớn hơn nhiều so với các hãng từ Nhật Bản hay Hàn Quốc. Ngoài ra, bên cạnh những lo ngại chung từ người tiêu dùng - những người không mấy sẵn lòng ủng hộ một thương hiệu Trung Quốc - các nhà làm luật dường như sẽ soi xét chặt chẽ hơn với bất cứ hãng Trung Quốc nào có kế hoạch kinh doanh tại Mỹ.

Mức thuế nhập khẩu từ thời cựu tổng thống Trump là 27,5% vẫn có tác dụng với ôtô Trung Quốc, trong khi mức thuế mới dưới thời tổng thống Biden lại dành sự ưu ái với xe sản xuất tại Bắc Mỹ cũng như tỷ lệ chế tạo linh kiện pin tại Mỹ, với mục tiêu ngày càng giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các thương hiệu Mỹ, gồm cả Tesla, vẫn có những tùy chọn xe điện hành trình dài với mức giá từ 30.000 USD hoặc thấp hơn. Nhưng mọi thứ đang chậm dần, và thậm chí đang đi giật lùi. GM đã có kế hoạch dừng sản xuất Bolt EV - xe điện rẻ nhất Mỹ - vào cuối năm nay và thay vào đó, sử dụng nhà máy hiện nay để sản xuất bán tải điện.

Trong khi đó, các thương hiệu Trung Quốc không có đối thủ tại quê nhà cũng như ở châu Âu. Một trong số những mẫu xe điện bán chạy nhất Trung Quốc - Wuling Hongguang Mini EV - có giá chỉ khoảng từ 5.000 USD. Ở triển lãm ôtô Thượng Hải hồi tháng 4, BYD ra mắt một chiếc hatchback cỡ nhỏ, cá tính có tên Seagull với phạm vi hoạt động 305-405 km và mức giá cũng chỉ khoảng 11.000 USD.

Xe điện Trung Quốc có thể xáo trộn thị trường Mỹ

Trụ sở của hãng xe điện Trung Quốc, Nio, tại San Jose, bang California, Mỹ. Ảnh: Google Maps

Tu Le - nhà sáng lập Sino Auto Insights, một công ty tư vấn giải pháp di chuyển - nói rằng các hãng Trung Quốc không hề tằn tiện về chất lượng chỉ để có mức giá hợp lý.

"Tôi đã lái một số mẫu xe của các thương hiệu xe điện Trung Quốc. Châu Âu sẽ gặp rắc rối", Tu Le nói.

Nhưng sự thống trị của các thương hiệu Trung Quốc sẽ không diễn ra chỉ sau một đêm. Kể cả khi họ đến Mỹ, thì không phải tất cả đều có thể sống sót.

Ban đầu sẽ giống như việc thử nước, xem nông sau hay nóng lạnh ra sao, với một lượng nhỏ sản phẩm để nghiên cứu thị trường trước khi lặn xuống hoàn toàn. Khoảng 12 thương hiệu đều muốn "một miếng bánh thị phần", và sẽ chỉ một số ít có thể bán xe ở Mỹ với doanh số đáng kể, Le nói.

Các hãng ôtô Trung Quốc đầu tiên thâm nhập vào Mỹ sẽ là những thương hiệu đã có sự hiện diện trên toàn cầu, như Geely và BYD. Ngoài ra, Polestar - thương hiệu xe điện do Volvo thành lập và hiện cũng thuộc sở hữu của Geely - đã nhập khẩu xe từ Trung Quốc vào Mỹ. Nio - một startup - cũng đã công bố kế hoạch vào Mỹ tính đến hết 2025.

Bước tiếp theo sẽ là xây dựng nhà máy ở Bắc Mỹ, theo Le. Tầm vóc của thị trường ôtô Mỹ sẽ khiến các tân binh cần phải sản xuất và lắp ráp tại chỗ nhằm cạnh tranh nghiêm túc trong dài hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả