Xây dựng sân bay: Đầu tư 4.000 tỷ đồng nhưng sau 45 năm mới hoàn vốn
Xây dựng sân bay cần bao nhiêu năm để hòa vốn?
Chiều 4/11, tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức tọa đàm: “Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm”, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, khai thác cảng hàng không theo phương thức PPP; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và định hướng giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Trong những năm vừa qua, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tăng trưởng bình quân 10 năm gần đây của ngành hàng không Việt Nam khoảng 18%.
Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á . Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao thời gian qua đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không.
Thời gian vừa qua, rất nhiều địa phương mong muốn và đề nghị Bộ GTVT, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư phát triển các cảng hàng không tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, sở dĩ Quảng Ninh được lựa chọn là địa điểm tổ chức toạ đàm bởi đây chính là địa phương đi đầu trong việc huy động xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Với sự chủ động, năng động, sáng tạo cùng tư duy đột phá từ BOT hạ tầng, các dự án BOT giao thông tại Quảng Ninh không chỉ thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh, thu hút mạnh các nhà đầu tư, khách du lịch mà còn mang lại lợi ích đa chiều cho chính người dân địa phương. Việc triển khai thành công dự án Cảng HQKT Vân Đồn là một trong những động lực thu hút nguồn vốn đầu tư vào huyện với các dự án lớn.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chia sẻ: "Bộ GTVT rất mong các cơ quan, các địa phương, các nhà đầu tư có thêm thông tin, nhận thức về cách thức, trình tự, thủ tục và những thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo phương thức PPP nhằm đồng hành, chia sẻ với Bộ GTVT trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không trong thời gian tới".
Với những băn khoăn của nhiều khách mời về quá trình đầu tư, khai thác sân bay, Ông Phạm Ngọc Sáu - Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - đã chia sẻ những kinh nghiệm sau hơn 4 năm đi vào hoạt động của sân bay Vân Đồn.
“Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã thay đổi diện mạo của huyện Vân Đồn. Cụ thể, ngân sách huyện Vân Đồn năm 2015 là 130 tỷ đồng. Từ năm 2020, ngân sách huyện vượt 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Từ năm 2022, huyện vân Đồn là địa phương thứ 6/13 địa phương của tỉnh tự cân đối ngân sách” ông Sáu nói.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Sáu, để đầu tư một sân bay, để hòa vốn là rất lâu. Sân bay Vân Đồn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, thời gian đề án 46 năm là khoảng thời gian cân bằng để hòa vốn, không thể trong vài ba năm là hòa vốn được. Phải xác định đầu tư cơ sở hạ tầng của sân bay là lâu dài và là định hướng là sự phát triển chung. Các sân bay của Việt Nam rất ít sân bay có lãi, ngoài những sân bay lớn như ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Ngay cả sân bay Phú Quốc dù phát triển nhưng cũng chưa hòa vốn.
Ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nói: “Việc các UBND tỉnh đề xuất về quy hoạch, đầu tư cảng hàng không là xu thế, tín hiệu rất tốt. Để đầu tư cảng hàng không, không phải chỉ là 1-2 năm là thu hồi vốn được, lãi ngay được. Nhưng tôi mừng là các nhà đầu tư đã thay đổi và quan tâm hơn đến cảng hàng không. Dù thời gian hòa vốn có thể rất dài nhưng vẫn dám mạnh dạn đầu tư. Tính đến nay, chúng tôi đã nhận được khoảng 10 kiến nghị, đề xuất của UBND các tỉnh về đề xuất xã hội hóa cảng hàng không, sân bay”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - bày tỏ, các tỉnh đề xuất xây dựng đầu tư sân bay hầu hết đều có tiềm năng. Các nhà đầu tư nếu nghiên cứu thật kỹ chưa chắc đã dám đầu tư sân bay vì thực sự không đơn giản, nhiều khả năng thua lỗ. Với mức đầu tư 4.000 tỷ đồng thì Lào Cai bỏ ra 1.700 tỷ đồng, còn lại là của nhà đầu tư. Khoản tiền 4.000 tỷ đồng không khó để đầu tư nhưng phải sau 45 năm mới thu hồi vốn.
Theo báo cáo của ACV và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nguồn thu và lợi nhuận dự kiến giai đoạn 2020-2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng. ACV không cân đối đủ nguồn lực đầu tư phát triển toàn bộ 21 cảng hàng không do ACV đang quản lý, khai thác.
Giai đoạn 2021-2025, ACV sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và các cảng hàng không như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên, Cát Bi, Côn Đảo...
Trong bối cảnh hiện nay, việc huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không là rất cần thiết.
Ngày 22/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã có Quyết định số 1121/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hoà (Đồng Nai); nghiên cứu Đề án xã hội hoá đầu tư theo phương thức đối tác công tư với các cảng hàng không Nà Sản (Sơn La), Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Cần Thơ (TP Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận