“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng: Muôn chiêu lọc lừa
Không chỉ thần thánh hóa công dụng hòng biến thực phẩm chức năng thành “thần dược”, các đối tượng còn mạo danh lương y, bác sĩ, người nổi tiếng… nhằm câu kéo, lừa lọc nhằm “móc túi” người bệnh…
Từ bác sĩ “giả”…
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải phát đi cảnh báo người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng các sản phẩm chữa bệnh, quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn tràn lan trên mạng xã hội...
Việc mạo danh là bác sĩ nổi tiếng, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc đã diễn ra từ lâu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã can thiệp bằng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể chấm dứt tình trạng này.
Chia sẻ với báo chí, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, khi được bạn bè gửi cho một số liên kết trên facebook mà nội dung là các trang quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm không rõ nguồn gốc trong đó có lấy hình ảnh của ông ghép vào, ông ngỡ ngàng. "Họ quảng cáo cà phê chữa huyết áp, với hình ảnh của tôi, được giới thiệu là Trưởng khoa tim mạch", GS Giang nói.
"Là một thầy thuốc thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tôi không bao giờ tham gia quảng cáo cho bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng, vật tư y tế... nào, của bất cứ hãng sản xuất nào", GS Giang thông tin. Ông cũng chia sẻ, khi đọc thử những thông tin quảng cáo trong các trang này thì thấy toàn là các thông tin không được kiểm chứng của các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và tác dụng.
"Mọi người tuyệt đối không tin theo, mua, sử dụng các sản phẩm đó mà có nguy cơ nguy hiểm tính mạng. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người nên mọi người hãy để các thầy thuốc được đào tạo bài bản, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu thực hiện, đừng tra thông tin trên mạng rồi làm theo", GS Giang khuyến cáo.
Vừa qua, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng đã có cảnh báo đơn vị này tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều người dân qua đường dây nóng về việc có một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của bệnh viện. Các đối tượng này lập lên các trang Facebook, TikTok… giả mạo là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, thậm chí lợi dụng danh tiếng của các lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lừa đảo.
Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), bệnh tuyến giáp, mồ hôi tay chân… và các bệnh nội tiết khác nhằm trục lợi từ người bệnh.
Để kiểm chứng, chỉ cần bỏ vài phút lướt qua các trang mạng xã hội sẽ thấy rõ, hiện nay đã xuất hiện rất nhiều kênh quảng cáo kiểu lừa đảo, cam kết điều trị dứt điểm các bệnh mãn tính. Các đối tượng mạo danh bác sĩ có uy tín, bệnh viện tuyến trung ương hoặc thuê các "diễn viên" giả làm người bệnh là nông dân, người bán hàng, trí thức, thương gia... tạo dựng hình ảnh cứ như "người thật, việc thật" để lấy lòng tin, qua đó bán thực phẩm chức năng khiến nhiều người "sập bẫy".
Hình thức bán hàng qua livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội) cũng rộ lên. Nhiều trang bán hàng còn mời người mẫu, diễn viên, người nổi tiếng livestream giới thiệu, quảng cáo cho sản phẩm với hàng loạt lời khen ngợi "có cánh", khó có thể kiểm chứng.
NSƯT Cát Tường liên tục quảng cáo về công dụng của một loại sữa, đăng tải rất nhiều trên các kênh YouTube, TikTok... quảng cáo rằng, uống loại sữa này để hết đau xương khớp, tê bì chân tay.
…đến nghệ sĩ “ghép”
Thời gian qua, một số người của công chúng, chủ yếu là các nghệ sĩ xuất hiện trên các clip quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, bị người dùng mạng xã hội có ý tẩy chay. Điển hình như NSƯT Cát Tường, Quyền Linh cùng nhiều nghệ sĩ khác bị cộng đồng mạng lên án gay gắt khi quảng cáo lố các loại thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... trên mạng xã hội. Trước đó, NSƯT Cát Tường liên tục quảng cáo về công dụng của một loại sữa, đăng tải rất nhiều trên các kênh YouTube, TikTok... quảng cáo rằng, uống loại sữa này để hết đau xương khớp, tê bì chân tay. Các nghệ sĩ như Quyền Linh, Thanh Thảo cũng xuất hiện trong các video clip quảng cáo loại sữa này.
Ngay sau đó, một số nghệ sĩ đã lên tiếng thanh minh và cho rằng mình bị lợi dụng hình ảnh. Quyền Linh viết trên trang cá nhân của mình: "Đây là toàn bộ sự lừa đảo trắng trợn... Linh đã rất nhiều lần thông báo trên mạng xã hội và trên báo chí nhiều lần, Linh chưa bao giờ ký hợp đồng quảng cáo cho bất kỳ 1 loại thuốc xương khớp, thuốc trị ung thư, thuốc gan thận, thuốc trĩ, thuốc hạ đường huyết, thuốc hôi nách, thuốc yếu sinh lý, thuốc nhỏ mắt mang tên Bà 6, Bà 7, Tây Bắc, Khang Thọ...; đặc biệt là loại thuốc tiểu đường mang tên Blood D nào đó... Còn rất nhiều trang nữa. Họ có thể ghép hình và cắt hình ảnh, tiếng nói của Linh đang nói từ các chương trình sức khỏe của đài truyền hình hoặc là của các sản phẩm khác, lồng ghép vào các sản phẩm của họ, nói thêm nhiều công dụng... và các trang này mọc lên như nấm, xóa trang này mọc lên nhiều trang khác".
Quyền Linh thanh minh rằng, chưa bao giờ ký hợp đồng quảng cáo cho một loại thuốc nào. Anh cho biết đang thu thập những bằng chứng liên quan để đưa ra pháp luật.
Xung quanh vấn đề này, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực nhưng những vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội. Thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Bộ Y tế đã phát hiện, yêu cầu gỡ khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên mạng xã hội.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện tràn lan trên Facebook, Youtube, Zalo... trong khi các website có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên khó kiểm soát. Thậm chí, với một số website, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài nên các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm nên không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc chấm dứt hoàn toàn các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc trị bệnh không rõ nguồn gốc là rất khó. “Vấn đề quan trọng nhất là phải làm người tiêu dùng thông minh, hiểu những quảng cáo kiểu này là vi phạm pháp luật và cần hiểu rằng thực phẩm chức năng hoàn toàn không phải là thuốc chữa bệnh”, ông Tuyên nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường