Xã hội hoá hạ tầng hàng không: Danh phận “mập mờ”, tư nhân kêu chịu thiệt
Chưa đầy nửa năm, 3 lần Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh "kêu" giá phục vụ hành khách quá thấp, nhưng vướng mắc pháp lý khiến cơ quan chủ quản vẫn chưa giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp.
Chưa đầy nửa năm, 3 lần Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) – nhà đầu tư Nhà ga hành khách quốc tế T2, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh - Khánh Hòa gửi văn bản tới cơ quan chủ quản “kêu” về việc giá phục vụ hành khách quá thấp.
Theo doanh nghiệp này, nhà ga hành khách quốc tế tại Cam Ranh (nhà ga T2) đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách với dịch vụ tương đương 4 sao và đã đi vào hoạt động kể từ ngày 1/7/2018.
Suất đầu tư của nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh là 3.735 tỷ cho 4 triệu hành khách/năm, cao hơn nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng với suất đầu từ 3.500 tỷ cho 6 triệu hành khách/năm, chất lượng phục vụ hành khách tương đương nhau.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 2345 của Bộ GTVT, nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng được thu giá phục vụ hành khách 20 USD/hành khách, nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh chỉ được thu 14 USD/hành khách.
Trong khi đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT CRTC cho biết, mức giá 20 USD/khách là giá phục vụ thu của hành khách quốc tế đi lại tại các cảng hàng không quốc tế tại Việt Nam. Hiện công ty này đã ký hợp đồng nhượng quyền khai thác nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với mức phí là 12% trên tổng doanh thu tính từ thời điểm bắt đầu khai thác.
Tuy nhiên, cũng như những lần đề xuất trước, việc điều chỉnh giá phục vụ khách tại Nhà ga T2 Cam Ranh vẫn đang chưa có câu trả lời chính thức từ cơ quan chủ quản. Bộ GTVT vẫn chỉ giao Cục hàng không nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp. Nguyên nhân được cho là do những vướng mắc liên quan đến tính pháp lý của dự án nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Theo đó, Bộ GTVT chưa có hướng dẫn cụ thể hình thức đầu tư đối với 2 dự án nhà ga hành khách quốc tế tại Cam Ranh và Đà Nẵng, dù 2 công trình này đều đã được đưa vào khai thác thu phí từ 1-2 năm.
Bộ GTVT cho rằng, các cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh thuộc kết cấu hạ tầng hàng không, các nhà đầu tư thực hiện quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng hàng không hoặc cung cấp dịch vụ công phải thực hiện theo hình thức PPP. Trong khi đó, tại 2 dự án này, hình thức đầu tư trực tiếp có vốn góp của tư nhân hay PPP vẫn chưa được định vị rõ ràng.
Éo le hơn, nếu khép 2 dự án này theo hình thức PPP, thì những vướng mắc về pháp lý thậm chí còn lớn và rủi ro hơn so với hiện tại.
Cụ thể, theo các quy định hiện hành về PPP, việc ký hợp đồng chỉ được thực hiện với sự tham dự của 2 thành phần là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Khi đó, ACV - một doanh nghiệp cổ phần sẽ không thể thực hiện vai trò của doanh nghiệp cảng hàng không và thu tiền nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không.
Công ty CRTC là doanh nghiệp quản lý, đầu tư Nhà ga T2 với các cổ đông ban đầu là ACV (nắm 10%), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương – IPP (30%), Công ty SXTM Dịch vụ Yên Khánh (25%), Vietjet (15%) và Công ty CP dịch vụ hàng không Nội Bài nắm 20%. Hiện IPP của ông Nguyễn Hạnh đã vươn lên là cổ đông lớn nhất tại CRTC sau khi mua lại 25% cổ phần của Yên Khánh – công ty do bà Vũ Thị Hoan – cháu gái ông Đinh Ngọc Hệ, cựu thượng tá bị khởi tố hình sự làm tổng giám đốc. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận