menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Vũ Sơn

WB: Các nước nghèo nhất thế giới đứng trước nguy cơ vỡ nợ, Trung Quốc vẫn là chủ nợ lớn nhất

Theo WB, có khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang cần tái cơ cấu nợ.

Theo WB, 74 quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới trong năm 2022 sẽ phải thanh toán tổng cộng 35 tỷ USD, tăng 45% so với số tiền họ đã trả vào năm 2020 theo số liệu mới nhất hiện có.

Một trong những nước có nguy cơ vỡ nợ nhất là Sri Lanka, trong khi giới đầu tư đặc biệt lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Ghana, El Salvador và Honduras.

WB cảnh báo thế giới đang ở bờ vực của một cuộc khủng hoảng nợ, vì các quốc gia dễ bị tổn thương trong đại dịch Covid-19 đã vay tiền không phải từ các tổ chức quốc tế mà từ thị trường vốn.

Chủ tịch WB David Malpass lưu ý rằng sự gia tăng mạnh mẽ các khoản thanh toán xảy ra vào thời điểm các nước nghèo không có đủ nguồn lực để trả nợ.

Theo các chuyên gia WB, vấn đề nợ hiện nay có thể khiến các quốc gia phải mất nhiều thập kỷ phát triển mới bù đắp được.

Tới thời điểm hiện tại, các nước này chỉ có một lối thoát để tránh vỡ nợ - đó là đàm phán với các nước chủ nợ để giảm bớt các điều kiện, và sau đó bắt đầu các cuộc đàm phán tương tự với các chủ nợ tư nhân. Chad, Zambia và Ethiopia đã dùng giải pháp như vậy, nhưng các cuộc đàm phán có ít dấu hiệu tiến bộ.

Trước đó, WB ngày 11/1 kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần thúc đẩy nhanh hơn việc xóa nợ cho các quốc gia đang phát triển nghèo hơn, đặc biệt là Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất thế giới.

Báo cáo cho biết mức nợ ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm qua, và mặc dù tăng trưởng của các nền kinh tế thu nhập thấp được dự báo sẽ tăng lên 4,9% trong năm 2022 và lên 5,9% vào năm 2023, song thu nhập bình quân đầu người tại một số nước mới nổi và đang phát triển được dự báo vẫn dưới mức trước đại dịch trong năm 2022.

Chỉ riêng trong năm 2022, các quốc gia nghèo nhất đã phải đối mặt với khoản chi trả nợ trị giá 35 tỷ USD cho các chủ nợ song phương và tư nhân, trong đó hơn 40% là cho Trung Quốc, sau đợt "đóng băng" thanh toán nợ kết thúc năm 2021.

Ông Malpass cho biết rủi ro vỡ nợ đang gia tăng, và việc các nền kinh tế phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có hiệu ứng lan rộng. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi cải cách khuôn khổ chung do các chủ nợ của Câu lạc bộ Paris và G20 đưa ra hồi tháng 11/2020.

Khuôn khổ này nhằm mục đích giảm nợ thông qua việc gia hạn thời gian đáo hạn và giảm lãi suất cho các quốc gia đủ điều kiện để được hưởng chính sách trả nợ theo Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI), tuy nhiên tiến độ còn chậm chạp. Ông Malpass cho biết cần phải giảm nợ sâu cho các nước nghèo hơn. Nếu phải chờ đợi quá lâu, tình hình tại các nước này sẽ kém khả quan.

Ông Malpass lưu ý rằng Chad, quốc gia đầu tiên yêu cầu xử lý theo khuôn khổ trên cách đây một năm, vẫn đang chờ hoàn tất quá trình xét duyệt. Cho đến nay, chỉ có ba quốc gia yêu cầu tái cơ cấu nợ, nhưng những quốc gia khác cũng cần được giúp đỡ.

Báo cáo trên cho biết các nước mắc nợ cũng cần xây dựng các khuôn khổ tài khóa và tăng tính minh bạch về nợ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
6 Yêu thích
4 Bình luận 18 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại