Vượt ngoạn mục trừng phạt chưa từng có tiền lệ, nhưng "cuồng phong" chưa dứt với Nga?
Dù Nga đã cố gắng vượt qua 'cơn bão' kinh tế trong năm 2022, nhưng những tháng năm tới, quốc gia này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga, sau khi quốc gia này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Gần đây nhất, khối 27 thành viên đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga. Gói bao gồm các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính mới.
Cụ thể, EU đã trừng phạt gần một nửa (49%) hàng xuất khẩu năm 2021 sang Nga, đồng thời, áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng có doanh thu cao của Moscow. Nhưng những biện pháp trừng phạt này có tác động gì đối với nền kinh tế Nga?
Kinh tế Nga "vượt bão"
Năm ngoái, nền kinh tế chỉ giảm 2,1%. Kết quả này được đánh giá là tốt hơn so với dự báo, trong bối cảnh đất nước bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt "chưa từng có tiền lệ" liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay, năm 2022, doanh thu từ ngành dầu khí đã tăng 28%. Điều này không chỉ do giá trên thị trường năng lượng thế giới tăng mà còn do sản lượng dầu ở Nga tăng thêm 2% và tăng xuất khẩu dầu thêm 7%, bất chấp các biện pháp trừng phạt.
Số liệu từ Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho thấy, tổng sản lượng khí đốt ở Nga giảm 12% vào năm 2022 và sản lượng khí đốt hàng hóa giảm 13,4%.
Trong khi đó, khối lượng sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng ở Nga tăng 8,1% lên 32,5 triệu tấn vào năm 2022. Đây là một kỷ lục ấn tượng. Đối với sản xuất than, bất chấp lệnh cấm vận của EU đối với ngành này, sản lượng than của Nga vẫn tăng 0,3% so với năm 2021 và đạt mức kỷ lục 442 triệu tấn.
Theo Dịch vụ Hải quan Liên bang Nga, các đối tác thương mại hàng đầu của Nga vào năm 2022 là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.
Năm 2022, kim ngạch thương mại của Nga với Trung Quốc tăng 28% so với năm 2021, thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ tăng 84% và với Belarus là 10%. Trong khi đó, thương mại giảm với Đức 23% và Hà Lan 0,1%.
Bên cạnh đó, lệnh cấm đi lại đối với công dân Nga đã kích thích sự phát triển của du lịch nội địa và lĩnh vực dịch vụ, cũng như sự tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực xây dựng.
Rosstat cho hay, hoạt động xây dựng đã tăng 5% được ghi nhận vào năm 2022, hoạt động của khách sạn và cơ sở ăn uống tăng 4,3% và hoạt động của dịch vụ thông tin và truyền thông tăng 0,6%.
Ngoài ra, đồng Ruble cũng đã mạnh lên đáng kể sau chiến dịch quân sự đặc biệt. Nga đã tìm kiếm các giải pháp thay thế cho đồng Euro và USD kể từ năm 2014.
Mặc dù phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, người Nga không gặp trở ngại gì trong việc mua sắm. Tuy Apple đã ngừng bán sản phẩm ở nước này nhưng Wildberries vẫn cung cấp iPhone 14 với mức giá tương đương ở châu Âu.
Đồ nội thất và hàng gia dụng còn lại sau khi IKEA rời khỏi Nga đang được bán tháo trên trang web Yandex.
Song song với đó, hàng hóa thoát khỏi các lệnh trừng phạt thông qua nhập khẩu từ các nước thứ ba không chống Nga. Ví dụ, xuất khẩu của Armenia sang Nga đã tăng 49% trong nửa đầu năm 2022. Ngoài ra, điện thoại thông minh Trung Quốc ngày càng tràn ngập thị trường “xứ sở Bạch Dương”.
Không chỉ thế, với tư cách là nhà sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, việc tăng dự trữ vàng của nước này cũng đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt và quản lý các rủi ro liên quan.
Vì vậy, chính phủ Nga đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này trong năm qua.
Năm 2022, quốc gia này đã tăng gần gấp ba quy mô dự trữ vàng. Xuất khẩu vàng từ Nga sang Trung Quốc cũng dự kiến sẽ tăng 67% trong năm ngoái.
Lệnh trừng phạt bắt đầu phát huy tác dụng?
Sau những tác động tích cực ban đầu đối với nền kinh tế Nga, ông Gubad Ibadoghlu cho rằng, bức tranh bắt đầu thay đổi vào cuối năm 2022.
Ngày 5/12/2022, Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) thông qua mức trần đối với giá dầu của Nga. Do đó, sản lượng dầu trung bình hàng ngày của Nga trong tháng 12/2022 chỉ ở mức 9,96 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 520.000 thùng/ngày so với hạn ngạch sản xuất hàng ngày do Nga đặt ra theo thỏa thuận của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là OPEC+.
Đến tháng 1/2023, doanh thu xuất khẩu dầu khí của Nga là 18,5 tỷ USD, thấp hơn 38% so với 30 tỷ USD mà Moscow nhận được vào tháng 1/2022, một tháng trước khi xung đột với Ukraine bùng nổ. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến ngân sách liên bang của Nga trong tương lai.
Ước tính sơ bộ của chính phủ Nga cho thấy, thu ngân sách liên bang vào tháng 1/2023 ở mức 1.356 tỷ Ruble, thấp hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng đầu tiên của năm nay, thu ngân sách từ dầu khí ở mức 426 tỷ Ruble và doanh thu từ nguồn này giảm 46% so với tháng 1/2022. Giá dầu Urals giảm và xuất khẩu khí đốt tự nhiên giảm đã khiến doanh thu đi xuống theo.
Bên cạnh đó, chi tiêu ngân sách liên bang vào tháng 1/2023 đã vượt quá 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong tháng đầu tiên của năm 2023, thâm hụt ngân sách liên bang là 1.760 tỷ Ruble (khoảng 25 tỷ USD).
Bước sang tháng 2/2023, nguồn thu từ dầu khí giảm khiến Nga tiếp tục thâm hụt ngân sách, nâng tổng mức thâm hụt hai tháng lên 34 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa chỉ trong hai tháng, phần thâm hụt đã tiến gần mục tiêu cả năm của nước này là 39 tỷ USD - tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến.
Kể từ khi G7 và các đồng minh thông qua mức trần đối với giá dầu của Nga, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt giảm, khiến "túi tiền" nước Nga bị ảnh hưởng không nhỏ. Điều này đặt ra những rủi ro mới cho nền tài chính của đất nước và cả "sức mạnh" của đồng Ruble.
"Tất cả những vấn đề trên cho thấy, những tháng năm tới, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức hơn", ông Gubad Ibadoghlu khẳng định.
(theo LSE Blogs)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận