24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Duy Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vực thị trường bất động sản cần tổng lực các giải pháp

Thị trường bất động sản (BĐS) hơn một năm trong tình trạng “đóng băng”. Doanh nghiệp địa ốc lao đao với nhiều vướng mắc về pháp lý, dòng vốn từ trái phiếu, ngân hàng. Nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường khiến thanh khoản giảm mạnh. Phóng viên Tiền Phong có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh về những giải pháp từ ngành để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS nói chung và vấn đề nhà ở cho người dân nói riêng.

Thưa ông, nhìn lại thị trường BĐS Việt Nam trải qua 8 thời kỳ từ sốt nóng đến nguội lạnh suốt từ năm 1993 đến nay. Ông đánh giá thế nào vai trò của thị trường BĐS trong nền kinh tế và những khó khăn thị trường hiện đang gặp phải?

Lĩnh vực BĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế lớn như xây dựng, tài chính, du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, thị trường vốn… và có sức lan tỏa đến trên 30 ngành, lĩnh vực. Theo thống kê, đóng góp của ngành xây dựng và BĐS trong GDP các năm gần đây khoảng 11% (trong đó, đóng góp của ngành BĐS trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4,5%). Sự phát triển của lĩnh vực BĐS góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định lớn cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đô thị, du lịch.

Thời gian qua, thị trường BĐS, doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi cả trong và ngoài nước, với nhiều nguyên nhân. Cụ thể, trong nước, thị trường gặp nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển, cũng như một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để, như: Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS vẫn còn một số tồn tại, bất cập; Nhiều dự án tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện; Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, thiếu nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị, đặc biệt là thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội; Sức mua và thanh khoản giảm mạnh.

Đặc biệt, thị trường, doanh nghiệp kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng; Tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định...

Vực thị trường bất động sản cần tổng lực các giải pháp

Thị trường bất động sản với nhiều giải pháp gỡ khó

Từ những khó khăn trên của thị trường, Bộ Xây dựng đã làm gì để giúp doanh nghiệp cũng như thị trường?

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành kịp thời, quyết liệt về công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó có việc ban hành Nghị quyết số 33 (ngày 11/3/2023) với các nhóm giải pháp hết sức cụ thể.

Về mặt thể chế, pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành trong đó có Bộ Xây dựng triển khai xây dựng, hoàn thiện để trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS; Luật Tổ chức tín dụng; Luật Đấu thầu.

Chính phủ đã bổ sung, sửa đổi, ban hành một loạt các Nghị định tháo gỡ khó khăn về lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính như: Nghị định 08 (ngày 5/3/2023) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Nghị định số 10 (ngày 3/4/2023) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 35 (ngày 20/6/2023) sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Đến nay, theo đề án 1 triệu nhà ở xã hội, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội (19.516 căn); hiện đang tiếp tục triển khai 294 dự án (288.499 căn).

Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể các quy định pháp luật qua đó tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc cụ thể về đất đai, tín dụng, đầu tư xây dựng cho các dự án BĐS.

Nhìn chung, hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn và đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện, hành lang pháp lý thông thoáng cho các dự án BĐS.

Vực thị trường bất động sản cần tổng lực các giải pháp

Tăng cung nhà ở xã hội để “cứu” thị trường bất động sản

Cách đây 10 năm, khi thị trường BĐS khó khăn tương tự như thời điểm này, nhà ở xã hội được xem là giải pháp “cứu cánh” nhiều doanh nghiệp cũng như giải quyết được vấn đề nhà ở cho nhiều người thu nhập thấp ở các đô thị lớn. Được biết, Bộ Xây dựng được giao làm Đề án 1 triệu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ông đánh giá sao về đề án này?

Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, một số giải pháp được đưa ra để tăng nguồn cung nhà ở xã hội: ưu đãi hấp dẫn hơn cho chủ đầu tư; giảm bớt các thủ tục trong việc xác định đối tượng mua nhà ở xã hội...

“Để các chính sách, giải pháp, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Xây dựng cùng các ban ngành đề ra đạt được kết quả như mong đợi thì cần có thời gian, và cần có sự vào cuộc phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp ban ngành, sự ủng hộ, đồng tình của người dân và coi đây là nhiệm vụ cấp bách quan trọng. Nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cơ quan nào cơ quan đó phải có trách nhiệm giải quyết”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Các địa phương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.

Đặc biệt, đề án khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh BĐS lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đôn đốc triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả