24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
My Lăng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vực dậy niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp

Các doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ đẩy nhanh phê duyệt các dự án mới để giảm bớt áp lực về thanh khoản, góp phần tác động tích cực đến thị trường chứng khoán

Doanh nghiệp đang tích cực triển khai phương án xử lý trái phiếu đến hạn để "cứu" dòng tiền và góp phần ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Bên cạnh tăng cường huy động vốn trên thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp (DN) còn chủ động triển khai phương án tái cấu trúc nợ, như: gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới, chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới, chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản...

Nhiều phương án tích cực

Dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy trong nửa đầu tháng 11-2022 có 2 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ với tổng khối lượng phát hành vỏn vẹn 150 tỉ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 240.955 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nửa đầu tháng 11, các DN đã mua lại hơn 7.500 tỉ đồng trái phiếu trước hạn. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu trước hạn được DN mua lại là 159.401 tỉ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn không chỉ diễn ra đối với các DN niêm yết mà cả các tổ chức tín dụng. Dự kiến ngày 24-11, Ngân hàng (NH) TMCP Bưu điện Liên Việt sẽ mua lại 1.814 tỉ đồng trái phiếu sau 2 năm phát hành theo quyền mua lại của tổ chức phát hành, mức giá mua lại chính là mệnh giá (10 triệu đồng/trái phiếu). Danh sách người sở hữu trái phiếu đã được NH này chốt vào ngày 15-11.

Ngày 21-11 vừa qua, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) thông báo vừa tất toán khoản vay vốn lưu động 120 tỉ đồng từ một tập đoàn tài chính đến từ Hàn Quốc, được bảo đảm bằng cổ phiếu PDR. PDR cũng đã tất toán một khoản vay tương tự trị giá 100 tỉ đồng cho tập đoàn tài chính này. Theo PDR, những khoản vay phát sinh lãi, bao gồm cả trái phiếu, hiện có tổng dư nợ chiếm khoảng 21% cơ cấu nguồn vốn tài trợ cho công ty. Việc thanh toán lãi và gốc của những khoản vay lâu nay vẫn đúng hạn. "Hết quý III/2022, dư nợ vay dài hạn và tổng dư nợ trái phiếu chiếm lần lượt 58% và 54% tổng dư nợ vay của DN. Các trái phiếu phát hành được bảo đảm bằng cổ phiếu PDR, ban lãnh đạo đã thông qua chủ trương bổ sung tài sản bảo đảm là cổ phiếu PDR và bất động sản" - thông cáo của PDR nêu.

Theo đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản đang là tâm điểm của thị trường. Tổng giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn sau ngày 15-11 đến 31-12 là 21.850 tỉ đồng. Tuy số dư này không lớn nhưng áp lực vẫn duy trì ở mức đáng kể trong các năm 2023 và 2024. FiinRatings kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện sớm. Thực tế, nhiều phương án tái cấu trúc nợ đã được triển khai khá tích cực, như: gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới, chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới, chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản... FiinRatings đánh giá những phương án này giúp giải quyết áp lực dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn trước yêu cầu tất toán trước hạn của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu.

Thị trường gần đây còn ghi nhận diễn biến khá sôi động từ việc huy động vốn vay quốc tế. Tính riêng 10 giao dịch huy động vốn vay quốc tế thành công vừa qua từ các thương vụ của Masan, VPBank, SeABank, Novaland... đã có tổng giá trị 1,91 tỉ USD.

Bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư

Nhận định về thị trường chứng khoán, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDirect (VND), nêu rõ thị trường đang chịu không ít áp lực khi DN bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn để tái cấu trúc bởi quy định về phát hành trái phiếu DN được thắt chặt và kênh vay vốn NH không còn nhiều dư địa. Điều này khiến thị trường chứng khoán suy giảm thanh khoản và điểm số.

Các chuyên gia của VND cho rằng một trong những đặc thù của thị trường cận biên và mới nổi như Việt Nam là sự tham gia rất lớn của nhóm nhà đầu tư cá nhân mới. Đây là nhóm năng động, hiểu biết về công nghệ, có khả năng tiếp cận, thích ứng và học hỏi nhanh nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa trải qua những giai đoạn khó khăn của thị trường. Đặc biệt, tâm lý nhà đầu tư mới thường bị dẫn dắt bởi yếu tố "tin đồn", ít quan tâm đến phương pháp đầu tư dài hạn, dẫn đến đà bán tháo lan rộng.

Để thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân trong nước, theo chuyên gia của VND, cơ quan quản lý cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính căn cơ, bền vững. Cụ thể, hoàn thiện, đưa vào vận hành Hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX), thúc đẩy giao dịch T+2 (cổ phiếu về từ buổi sáng) thay vì T+2,5 (cổ phiếu về buổi chiều) như hiện tại, triển khai sản phẩm mới hấp dẫn và thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.

"Cần tăng cường giám sát, xử lý hành vi vi phạm, thao túng thị trường để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nâng cao chuẩn mực và chất lượng công bố thông tin của thành viên trên thị trường, tạo điều kiện cho mọi nhà đầu tư có quyền bình đẳng về tiếp nhận thông tin. Đồng thời, có chính sách thúc đẩy sự hình thành của tổ chức đầu tư, nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm nâng cao tính ổn định và bền vững của thị trường" - bà Trần Khánh Hiền góp ý.

Tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về giải pháp ổn định thị trường chứng khoán chiều 23-11, liên quan việc phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM, cho rằng các tổ chức phát hành phải là người chịu trách nhiệm trả nợ trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư chứ không phải trách nhiệm của nhà nước. "Dù dòng tiền của các DN đang gặp khó khăn nhưng phải tìm cách xoay xở để có nguồn tài chính thực hiện cam kết với nhà đầu tư trái phiếu. Chỉ khi thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư thì mới lấy lại được niềm tin của họ, từ đó vực dậy và giúp thị trường trái phiếu DN phát triển" - ông Bình nói.

Ông Lê Quốc Bình kiến nghị cơ quan quan lý nhà nước thúc đẩy giải quyết hồ sơ pháp lý cho các dự án, nhất là dự án bất động sản, để DN có thể đưa sản phẩm ra thị trường, thu hồi vốn và thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu DN cho nhà đầu tư theo kỳ hạn cam kết.

Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang phản ánh quá tiêu cực về tác động của việc kiểm soát tín dụng đối với DN bất động sản. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản đóng góp chưa đến 10% GDP của Việt Nam, nhu cầu đối với nhà ở mới vẫn rất mạnh và giá vẫn ổn định. Mặt khác, đà tăng trưởng vẫn duy trì ở mức 8% vào năm 2022 và gần 6% vào năm 2023 trong khi lợi nhuận của DN bất động sản trong năm nay và năm sau dự báo khoảng 17%. "Chính phủ có thể đẩy nhanh phê duyệt các dự án mới để giảm bớt áp lực về thanh khoản cho DN bất động sản. Về cơ bản, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn lành mạnh dù phải đối mặt với nhiều vấn đề trước mắt" - ông Michael Kokalari nhìn nhận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả