‘Vua thép’ Trần Đình Long đang vẽ lại bức tranh ngành thép
Tỷ phú Trần Đình Long đang thể hiện rõ chiến lược hướng mạnh vào sản xuất thép cán nóng (HRC) chất lượng cao, phục vụ cho các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, đóng tàu, cơ khí chế tạo…
Tập đoàn Hòa Phát mới đây đã ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng tại tỉnh Phú Yên. Trong số 3 dự án này, Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm rất đáng chú ý khi có số vốn đầu tư lên đến khoảng 80.000 tỷ đồng.
Sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước vẫn còn nhiều dư địa. Ảnh: Lương Bằng
Tập đoàn này hiện có công suất thép thô 8,5 triệu tấn/năm với các khu liên hợp sản xuất thép tại Hải Dương, Quảng Ngãi và Hưng Yên. Trong đó, phôi thép, thép xây dựng thép chất lượng cao là 5,5 triệu tấn, thép cuộn cán nóng đạt 3 triệu tấn/năm.
Với dự án tại Phú Yên, tỷ phú Trần Đình Long cho biết sẽ tập trung sản xuất dòng sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao, phục vụ cho sản xuất ô tô, đóng tàu, thép kết cấu và các lĩnh vực cơ khí chế tạo. Công suất dự án này là 6 triệu tấn thép HRC cao cấp/năm.
Khi hoàn thành dự án Khu liên hợp gang thép tại Phú Yên và dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại Quảng Ngãi, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ là 20 triệu tấn/năm. Trong đó có tới 14,6 triệu tấn HRC chất lượng cao/năm và 5,4 triệu tấn thép dài xây dựng, thép cuộn chất lượng cao mỗi năm.
Những bước đi của “vua thép” từ Quảng Ngãi đến Phú Yên cho thấy vị tỷ phú này đang muốn biến Hòa Phát trở thành DN thép chất lượng cao. Cụ thể, thép HRC chất lượng cao chiếm tới 72,6% tổng công suất thép Hòa Phát, góp phần chuyển dịch hẳn cơ cấu sản xuất của ngành thép trong nước sang chế tạo các loại thép kỹ thuật cao, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Trên thực tế, sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu khi chỉ có 2 doanh nghiệp cung ứng là Formosa và Hòa Phát. Trong đó, Formosa là doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), còn DN “nội” đến nay vẫn chỉ có Hòa Phát tham gia vào cuộc đua này.
Số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam ghi nhận năm 2023 bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 6,8 triệu tấn. Trong khi đó theo thống kê năm 2023 từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam vẫn nhập khẩu tổng lượng thép HRC tới hơn 8 triệu tấn.
Bộ Công Thương đánh giá Việt Nam đang thiếu thép cán nóng do DN trong nước sản xuất. Ảnh: Lương Bằng
Như vậy, các loại thép HRC chất lượng cao cho ngành công nghiệp đóng tàu, ô tô, thép kết cấu, cơ khí chế tạo vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Đây là dư địa lớn cho doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển.
Báo cáo của Bộ Công Thương về thực trạng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam cũng đã nêu lên một thực tế thiếu lượng thép cán nóng do DN trong nước sản xuất.
“Từ năm 2017, Việt Nam đã có sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) là sản phẩm quan trọng chủ yếu khi nói đến ngành công nghiệp thép”, Bộ Công Thương đánh giá về tầm quan trọng của thép cán nóng.
Dẫn số liệu công suất sản xuất thép HRC trong nước chỉ mới đạt khoảng từ 5-6 triệu tấn/năm, Bộ Công Thương nêu thực tế Việt Nam vẫn phải nhập gần 10 triệu tấn thép cuộn cán nóng.
Theo tính toán của cơ quan này, từ nay đến 2025, ngay cả khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa phát Dung Quất 2, với công suất 5,6 triệu tấn HRC vận hành, thì Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước (nếu không có thêm nhà đầu tư Nhà máy luyện thép cán nóng).
Do đó, việc Hòa Phát đưa ra kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất thép cán nóng với công suất kể trên sẽ góp phần đưa Việt Nam hướng đến tự chủ được sản phẩm thép chất lượng cao này. Điều này cũng góp phần định hình lại cơ cấu sản phẩm của ngành thép Việt Nam bởi sản xuất thép trong nước hiện nay chủ yếu được sử dụng cho ngành xây dựng (khoảng 80%), để làm cốt bê tông, tấm lợp và bao che, kết cấu nhà xưởng,…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận