24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Văn Hoàng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vụ việc nào bị kiểm toán chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra?

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển một hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, chiều 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Chỉ chuyển 1 vụ việc sang cơ quan điều tra

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, trong năm nay, bên cạnh kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách 33 bộ, cơ quan trung ương và 57 địa phương, KTNN tổ chức kiểm toán một số chuyên đề theo yêu cầu cũng như các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Trong đó có chuyên đề quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; chuyên đề quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý; chuyên đề về quản lý giá điện…

Vụ việc nào bị kiểm toán chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn tại phiên họp.

KTNN cũng tập trung kiểm toán một số dự án quan trọng quốc gia như dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự án đường vành đai 3 TPHCM Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 83 báo cáo kiểm toán đã phát hành đến 30/8, KTNN đã kiến nghị 11.246 tỷ đồng, hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp thuộc 75 văn bản quy phạm pháp luật.

KTNN đã chuyển một hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn; đồng thời cung cấp 206 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đánh giá, so với kế hoạch đề ra thì số đoàn kiểm toán triển khai, kết thúc, xét duyệt báo cáo kiểm toán 8 tháng đầu năm còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, với quy mô, phạm vi kiểm toán khá rộng, nhưng kết quả kiểm toán phòng, chống tham nhũng, KTNN mới chỉ kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật là “chưa tương xứng”.

Kiểm toán nhiều doanh nghiệp, ngân hàng lớn

Về kế hoạch năm 2025, dự kiến KTNN sẽ thực hiện 120 nhiệm vụ kiểm toán. Trong đó có kiểm toán chuyên đề "thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu kinh tế, Khu công nghiệp giai đoạn 2022-2024”; chuyên đề quản lý, sử dụng, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất tại các bộ, cơ quan trung ương và doanh nghiệp…

Vụ việc nào bị kiểm toán chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Trong lĩnh vực doanh nghiệp, KTNN sẽ lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán, như: Tập đoàn Dầu khí, Bưu chính Viễn thông, Hóa chất, Tổng công ty Hàng không Việt Nam…

Cũng trong năm 2025 sẽ thực hiện kiểm toán với một số Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tài chính, để đánh giá thực trạng tài chính và hiệu quả trong quản lý, điều hành chính sách tiền tệ. Trong đó sẽ kiểm toán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển; Ngân hàng Công thương; Ngân hàng Quân đội; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…

“Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng của các ngân hàng thương mại, trong đó tập trung vấn đề kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, việc cấp tín dụng tập trung vào một số doanh nghiệp, nhóm khách hàng lớn”, cơ quan kiểm toán nêu.

Về lĩnh vực này, ông Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến đề nghị rà soát các cuộc kiểm toán để không trùng lặp với các kế hoạch kiểm tra, thanh tra, dành thời gian cho các doanh nghiệp tập trung tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Các cuộc kiểm toán trong lĩnh vực này, cần tập trung làm rõ hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đối với các tổ chức tín dụng bổ sung kiểm toán đánh giá việc thực hiện các chính sách tiền tệ, khả năng và hiệu quả cung cấp vốn cho nền kinh tế và kiểm soát rủi ro tín dụng”, ông Mạnh nêu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả