Vụ Vạn Thịnh Phát: SCB không đồng ý trả lại 5.000 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan nhiều lần đề nghị SCB xem xét và trả lại 5.000 tỷ đồng để bà có thể bồi thường cho chính ngân hàng này, nhưng yêu cầu đã bị từ chối.
TAND Cấp cao tại TP. HCM đang xét xử phúc thẩm vụ án bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 673.000 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ở giai đoạn 1.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã đưa ra một loạt phương án cho rằng "núi" tài sản của bị cáo đủ khả năng khắc phục hậu quả cho SCB, để "mong tòa cho bị cáo cơ hội được sống".
Trong đó có số tiền 5.000 tỷ đồng mà Trương Mỹ Lan khai đưa vào SCB để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, theo lời khai của bà Lan: "Tháng 8/2022, trước khi bị cáo bị bắt, số tiền tăng vốn điều lệ này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận. Vì thế SCB không được giữ tiền nên đã gửi số tiền này qua ngân hàng khác. Mong SCB thông cảm trả lại 5.000 tỷ đồng để tôi khắc phục hậu quả cho vụ án".
Cũng theo Trương Mỹ Lan, 5.000 tỷ đồng phần lớn là của bị cáo, trong đó chỉ có khoảng 150 tỷ đồng là của các cổ đông nộp để tăng vốn điều lệ cho SCB, được ngân hàng này hòa vào dòng tiền để sử dụng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan
Theo Báo Thanh niên, trong phần tranh luận, nhằm bảo vệ quyền lợi cho SCB, luật sư cho biết, ngân hàng này không chấp nhận trả lại 5.000 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Bởi theo luật sư, số tiền này không được bị cáo Lan đề cập đến, cũng như không có yêu cầu gì trong phiên tòa sơ thẩm. Bản án sơ thẩm và bản kháng cáo của bị cáo cũng không nhắc đến.
Cũng theo luật sư của SCB, 5.000 tỷ đồng hoàn toàn không có liên quan gì đến vụ án này mà là một quan hệ pháp luật độc lập giữa các cổ đông với SCB. Giữa nhóm cổ đông do bị cáo Lan đại diện, nếu có việc tranh chấp phải được giải quyết theo một trình tự tố tụng khác.
Ngoài ra, việc tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận chủ trương vào tháng 2/2021 và SCB đã hoàn thành từ tháng 6/2021. SCB đã báo cáo kết quả tăng vốn cho Ủy ban Chứng khoán và đã nhận được văn bản thông báo nhận được kết quả tăng vốn vào tháng 7/2021.
Việc SCB sử dụng tiền có được từ đợt tăng vốn điều lệ là phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung mức vốn điều lệ trên giấy phép chỉ là một thủ tục để ghi nhận mức vốn điều lệ mới của SCB. Thủ tục này độc lập với việc sử dụng số tiền có được từ việc tăng vốn điều lệ của SCB.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường