Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu cán bộ thanh tra ‘tị nạnh’ tội danh với đồng nghiệp
Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, luật sư bào chữa và bị cáo Đỗ Thị Nhàn đề nghị Hội đồng xét xử xem lại tội danh vì các thành viên khác trong đoàn thanh tra đều nhận tiền từ Ngân hàng SCB nhưng chỉ bị cáo Nhàn bị truy tố tội “Nhận hối lộ”.
Ngày 1/4, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần đối đáp của đại diện VKS đối với bào chữa của các luật sư.
Liên quan đến số tài sản đảm bảo, theo đại diện VKS, nhiều luật sư đề nghị VKS xem xét lại cách xác định 1.166 mã tài sản đảm bảo trong vụ án. Người bào chữa cho rằng thực tế có 1.186 mã tài sản.
Đại diện VKS giải thích cách tính của cơ quan công tố không phải là cộng đơn thuần các con số. Bởi vì thực tế một mã tài sản đảm bảo nhiều khoản vay, có tài sản đảm bảo thủ tục thế chấp đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng cùng tài sản đó lại không bảo đảm thủ tục với khoản vay khác.
Do đó, khi tổng hợp mã tài sản đảm bảo cho khoản vay, cơ quan tố tụng xác định nhiều yếu tố để tính toán ra con số, chứ không phải chỉ lấy số liệu Ngân hàng SCB đưa ra như một số luật sư quy kết.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa
Chẳng hạn như đối với Dự án Mũi Đèn Đỏ, luật sư cho rằng Công ty Hoàng Quân định giá không phù hợp, chênh lệch lớn so với các công ty thẩm định giá khác. Theo VKS, Công ty Hoàng Quân thẩm định giá trên cơ sở quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn công ty như Savills xác định giá trị dựa trên dự án hình thành trong tương lai, tức là tổng dự án khi hoàn thành vào năm 2025.
Đại diện VKS cho rằng, tài sản đảm bảo và hoán đổi tài sản đều là phương thức thủ đoạn phạm tội của các bị cáo. Hậu quả đến đâu các bị cáo phải chịu tới đó.
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra, giám sát NHNN), luật sư bào chữa cho rằng thân chủ không đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu. Tuy nhiên, VKS cho rằng, bị cáo là Phó Chánh thanh tra ra quyết định thanh tra, bị cáo cũng khai nhận vai trò giám sát chỉ đạo việc thanh tra SCB.
Bên cạnh đó, bị cáo Hưng và bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NHNN) và các thành viên đoàn thanh tra đều nhận tiền, quà từ SCB.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn
Bị cáo Hưng chỉ đạo bị cáo Nhàn xây dựng báo cáo, dự thảo thanh tra không trung thực, không đúng thực trạng tài chính yếu kém của SCB, không kiến nghị chuyển sai phạm cho cơ quan điều tra... Vì vậy, theo VKS, việc nhận định bị cáo Hưng có vai trò chủ mưu, cầm đầu là có căn cứ.
Đối với đề nghị của luật sư về việc xem lại tội danh “Nhận hối lộ” của bị cáo Nhàn, vì các bị cáo khác trong đoàn thanh tra đều nhận tiền, quà từ SCB nhưng chỉ bị cáo Nhàn bị truy tố tội “Nhận hối lộ”, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Nhàn biết rõ thực trạng SCB rất xấu, cần phải báo cáo NHNN và chuyển sai phạm cho cơ quan điều tra.
Thế nhưng, bị cáo đã thông qua Võ Tấn Hoàng Văn và Đinh Văn Thành 2 lần gặp bà Trương Mỹ Lan để thỏa thuận nhằm che giấu sai phạm cho SCB.
Theo đại diện VKS, bị cáo Nhàn có nghiệp vụ, am hiểu hoạt động thanh tra ngân hàng nên đã dùng thủ đoạn che giấu, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện hành vi sai phạm.
Các bị cáo tại tòa
Về việc các luật sư phân tích thời điểm bị cáo Nhàn nhận tiền là sau khi có kết quả thanh tra, VKS cho rằng không đúng. Hồ sơ vụ án thể hiện những lần đầu đưa tiền là trước khi có kết quả thanh tra.
Bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn và Đinh Văn Thành đưa hối lộ cho bị cáo Nhàn 5,2 triệu USD, nhưng VKS cho rằng thông qua việc bà Lan 2 lần gặp gỡ bà Nhàn nên đủ cơ sở xác định chính bà Lan đã chỉ đạo Văn đưa tiền cho bà Nhàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận