24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Quỳnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vụ sập cầu Baltimore: Tiền bảo hiểm có thể phá kỷ lục thế giới

Vụ sập cầu Francis Scott Key của Baltimore, Maryland (Mỹ) có thể dẫn đến tổn thất bảo hiểm hàng tỷ USD và khởi đầu cho một quá trình kiện tụng kéo dài nhiều năm.

Vụ sập cầu Baltimore: Tiền bảo hiểm có thể phá kỷ lục thế giới

Theo truyền thông Mỹ, vụ tàu chở container Dali đâm sập cầu Francis Scott Key của Baltimore có thể sẽ dẫn đến yêu cầu bồi thường trách nhiệm hàng tỷ USD, trong đó các công ty bảo hiểm hàng hải sẽ phải chịu phần lớn chi phí.

Với sự tham gia của nhiều chủ sở hữu và công ty bảo hiểm khác nhau, việc phân tách rõ ràng xem bên nào phải chi trả những khoản phí gì sẽ rất phức tạp.

Ông John Miklus, chủ tịch Viện Bảo lãnh Hàng hải Mỹ, cho biết: “Yêu cầu bồi thường này có khả năng lên tới hàng tỷ USD", đồng thời nhận định “việc kiện tụng sẽ kéo dài nhiều năm”.

Trong khi đó, ông Bruce Carnegie-Brown - Chủ tịch thị trường bảo hiểm thương mại Lloyd’s of London, cho rằng còn quá sớm để đưa ra con số về tổng thiệt hại bảo hiểm, nhưng ông nói rằng ông sẽ "rất ngạc nhiên" nếu sự kiện này không gây ra tổn thất hàng tỷ USD, đồng thời nói thêm rằng "thảm kịch có khả năng trở thành tổn thất bảo hiểm hàng hải lớn nhất từ ​​trước đến nay".

Khoản tiền bảo hiểm khổng lồ

Con tàu Dali thuộc sở hữu của Grace Ocean Private, một công ty có trụ sở tại Singapore và được bảo hiểm bởi Câu lạc bộ Bồi thường và Bảo vệ Britannia.

Britannia là một trong hàng chục câu lạc bộ thành viên bảo hiểm hàng hải thuộc Nhóm Câu lạc bộ P&I Quốc tế, một tập đoàn cung cấp bảo hiểm trách nhiệm hàng hải cho 90% các yêu cầu bồi thường pháp lý và vận chuyển hàng hóa đường biển giữa các thành viên.

Các công ty bảo hiểm này được hỗ trợ bởi các công ty bảo hiểm của riêng họ - một loại hình kinh doanh được gọi là công ty tái bảo hiểm.

Theo nhà phân tích Brendan Holmes của Moody, có khoảng 80 công ty tái bảo hiểm khác nhau cung cấp khoản bảo hiểm trị giá khoảng 3 tỷ USD cho các công ty bảo hiểm của Dali. Chuyên gia này nhận định vì tổn thất sẽ lan rộng ra rất nhiều công ty bảo hiểm nên khó có khả năng phá sản bất kỳ công ty nào hoặc gây ra sự biến động lớn về giá bảo hiểm.

Bloomberg cũng đưa tin rằng các công ty bảo hiểm phải đối mặt với yêu cầu bồi thường lên tới 3 tỷ USD, trích dẫn một lưu ý từ các nhà phân tích của Barclays.

Vụ sập cầu Baltimore: Tiền bảo hiểm có thể phá kỷ lục thế giới

Cây cầu Francis Scott Key gãy sập sau cú đâm của tàu Dali.

Tiềm tàng những vụ kiện pháp lý

Bà Loretta Worters, người phát ngôn của Viện Thông tin Bảo hiểm, cho biết trong số tiền bảo hiểm được yêu cầu, chỉ riêng cây cầu đã có thể trị giá hơn 1,2 tỷ USD. Chưa kể vụ việc chắc chắn sẽ kéo theo những vụ kiện về trách nhiệm pháp lý lớn, chi phí y tế cho những người sống sót, chi phí dọn dẹp,...

Lấy ví dụ về trách nhiệm pháp lý với con tàu Dali - thuộc sở hữu của Grace Ocean Private thuộc Singapore nhưng vào thời điểm gây tai nạn đang được hãng vận tải khổng lồ Maersk của Đan Mạch thuê.

Ông Martin Davies, giám đốc Trung tâm Luật Hàng hải tại Đại học Tulane cho biết, khi nói đến luật hàng hải, “tất cả trách nhiệm pháp lý đều thuộc về chủ tàu, đó sẽ là công ty Singapore, trong khi Maersk, công ty Đan Mạch có tất cả hàng hóa trên tàu, sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý”.

Nhưng chủ tàu có khả năng giới hạn đáng kể số tiền phải chịu trong trường hợp này, nhờ một đạo luật có từ năm 1851 - có thể giới hạn trách nhiệm pháp lý của chủ tàu ở mức giá trị của Dali.

Mặt khác, dù vụ va chạm của con tàu với cây cầu có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh trong khu vực, ông Davies lưu ý rằng các chủ tàu không thể bồi thường thiệt hại thuần túy về kinh tế trong yêu cầu bồi thường do vi phạm hàng hải. Chỉ những yêu cầu bồi thường từ những người mất người thân trong gia đình hoặc những người bị thương trong vụ sập cầu có khả năng thành công cao hơn.

“Nhưng ngoài điều đó ra, tác động kinh tế của những gì đã xảy ra sẽ rất lớn nhưng không thể phục hồi được từ con tàu,” Davies nói.

Bên cạnh đó, các nhà lập pháp Maryland đang soạn thảo một dự luật khẩn cấp để cung cấp thu nhập thay thế cho những công nhân ở Cảng Baltimore bị ảnh hưởng bởi vụ sập cầu.

Thượng nghị sĩ bang Maryland Bill Ferguson cho biết trong một bài đăng trên X: “Cái giá phải trả về nhân mạng ngày hôm qua là quá lớn và bi thảm. Không thể đánh giá thấp sự mất mát về kinh tế và sự ổn định đối với hàng nghìn người bị ảnh hưởng trong những ngày tới”.

Chưa tính chi phí xây lại cầu

Như VietnamFinance đã đưa tin, nhu cầu xây dựng lại cây cầu Francis Scott Key một cách nhanh chóng sẽ khiến chi phí tăng ít nhất gấp 10 lần so với mức giá ban đầu của những năm 1970. Theo đó, chi phí xây dựng lại cây cầu hiện tại ước tính khoảng 600 triệu USD.

Theo Tổng thống Joe Biden, chính phủ liên bang Mỹ sẽ thanh toán chi phí xây dựng lại Cầu Francis Scott Key, mặc dù hiện chưa rõ số tiền đó sẽ đến từ đâu hoặc chi phí cho nỗ lực này cụ thể là bao nhiêu.

“Ý định của tôi là chính phủ liên bang sẽ thanh toán toàn bộ chi phí để xây dựng lại cây cầu đó. Và tôi mong Nghị viện sẽ ủng hộ nỗ lực của tôi”, ông Biden đưa ra tuyên bố ngày 26/3, nói thêm rằng quá trình này sẽ “mất một thời gian”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả