menu
Vũ khí mới cho cạnh tranh Mỹ-Trung: Các biện pháp ép buộc kinh tế – Phần VI
Lê Nguyễn Trường Giang Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vũ khí mới cho cạnh tranh Mỹ-Trung: Các biện pháp ép buộc kinh tế – Phần VI

Khi sử dụng các biện pháp ép buộc kinh tế nhằm thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia, Mỹ đã tìm cách bảo vệ các chuỗi cung ứng của mình nhằm giảm thiểu nguy cơ gián điệp hoặc gián đoạn đối với các ngành công nghiệp được coi là cốt lõi đối với an ninh quốc gia.

Như đã thảo luận ở phía trên, hình thức ép buộc kinh tế này đặc biệt liên quan đến thiết bị mạng viễn thông. Các nhà hoạch định chính sách ngày càng tìm cách kiểm soát nhiều thiết bị công nghệ thông tin và liên lạc hơn, do lo ngại rằng thiết bị của Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho hành vi gián điệp mạng đối với thông tin thương mại và thông tin chính phủ, cũng như việc Trung Quốc có thể phá vỡ những mạng lưới vốn phụ thuộc vào các thiết bị do Trung Quốc sản xuất.

Tuy nhiên, một nguyên nhân an ninh quốc gia khác cho việc sử dụng các biện pháp ép buộc kinh tế gắn với việc bảo vệ các dữ liệu nhạy cảm của Mỹ nhằm giảm thiểu rủi ro gián điệp. Từ năm 2015, Mỹ đã đe dọa sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân, tổ chức và các công ty Trung Quốc có liên quan đến hoạt động gián điệp mạng nhằm khai thác bí mật thương mại và các thông tin thương mại khác của Mỹ. Gần đây, quy trình của CFIUS đã mở rộng quyền giám sát đối với các vụ Trung Quốc mua lại do lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng các dữ liệu này cho mục đích thu thập thông tin tình báo.

Cuối cùng, Mỹ đã triển khai ngày càng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm hỗ trợ duy trì lợi thế công nghệ của Mỹ. Điều này có thể được coi là thúc đẩy các mục tiêu kết hợp, trong đó hành động ép buộc là nhằm thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Quả thực, có vẻ như nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng ép buộc kinh tế là biện pháp lý tưởng để áp dụng cho Trung Quốc khi Mỹ cần đạt được mục tiêu kép trên.

Việc Quốc hội muốn cải cách CFIUS nhằm mở rộng quyền của văn phòng này trong việc đánh giá các khoản đầu tư nhỏ vào các công ty Mỹ là do lo ngại rằng Trung Quốc đang mua những công ty Mỹ tham gia xây dựng các công nghệ chiến lược, chẳng hạn như các công ty chất bán dẫn, và việc Trung Quốc mua lại các công nghệ này cũng như việc chuyển giao chuyên môn công nghệ cho Trung Quốc sẽ làm suy yếu cả nền kinh tế lẫn ưu thế quân sự của Mỹ.

Việc Quốc hội ủng hộ Đạo luật kiểm soát cải cách xuất khẩu yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ phải phát triển các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ mới nổi hoặc công nghệ nền tảng của Mỹ cũng xuất phát từ những lo ngại rằng nếu Trung Quốc mua lại các công nghệ chủ chốt của Mỹ, điều đó có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc giành được ưu thế về kinh tế và quân sự trong khi làm giảm vai trò lãnh đạo về công nghệ của Mỹ trong trung và dài hạn. Tương tự, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ có thể áp đặt đối với hành vi gián điệp kinh tế của Trung Quốc và quyết định của Mỹ năm 2018 về việc đưa công ty vi mạch Fujian Jinhua vào Danh sách đen của Mỹ, sau khi phát hiện ra công ty này đang sử dụng công nghệ đánh cắp từ công ty sản xuất chất bán dẫn Micron Technologies, cũng góp phần hỗ trợ mục tiêu hạn chế quyền của Trung Quốc tiếp cận công nghệ như là một cơ chế nhằm duy trì ưu thế công nghệ của Mỹ.

Phân tích tác động kinh tế

Việc Mỹ áp dụng các biện pháp ép buộc kinh tế chống lại Trung Quốc gần đây và sự tác động qua lại phức tạp giữa các yếu tố khác đối với mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung khiến khó có thể đưa ra một phân tích toàn diện và có hệ thống về các tác động kinh tế. Chẳng hạn, những tác động tai hại từ việc CFIUS tăng cường xem xét lại các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ gần như chắc chắn đã góp phần làm giảm mạnh mức đầu tư. Tuy nhiên, những thay đổi trong các biện pháp kiểm soát vốn, tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc, và các căng thẳng thương mại ngày càng mở rộng cũng có khả năng đóng một vai trò, và khó có thể xác định vai trò chính xác của CFIUS so với các yếu tố khác. Tương tự, mặc dù thuế quan của Mỹ là động lực chính để giảm lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2019, nhưng toàn bộ tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc cũng là kết quả của nhiều yếu tố khác, trong đó bao gồm mức nợ ngày càng tăng, kinh doanh thiếu hiệu quả và nhân khẩu học. Dù vậy, một đánh giá sơ bộ về các tác động của các biện pháp ép buộc kinh tế của Mỹ đã cho thấy 5 phát hiện lớn.

Trước hết, thuế quan của Mỹ đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, nhưng không làm giảm tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu, và có khả năng góp phần khiến Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Thống kê sơ bộ năm 2019 do cục hải quan Trung Quốc công bố cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm khoảng 12% trong năm 2019 so với năm 2018. Một phân tích kinh tế cảu Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố vào tháng 11/2019 cho thấy thuế quan của Mỹ dường như là để nước này giảm nhập khẩu các mặt hàng bị đánh thuế xuống khoảng 25% mặc dù có sự khác biệt đáng kể về tác động đối với nhiều lĩnh vực khác nhau; điều này có khả năng phản ánh cả các mức thuế chênh lệch lẫn sự khác biệt về những nhà cung cấp khác sẵn có. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc chỉ ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn 0,5% năm 2019 khi kim ngạch xuất khẩu gia tăng của Trung Quốc sang châu Âu, Canada, châu Á và các thị trường khác đã bù đắp cho sự suy giảm trong kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.

Theo các ước tính kinh tế dựa trên số liệu thống kê mà Trung Quốc đưa ra, việc kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ suy giảm dường như đã góp phần làm giảm tăng trưởng chung của Trung Quốc một cách đáng chú ý trong năm 2019 xuống 6,1%, mức thấp nhất trong vòng 30 năm. Một phần hậu quả của sự suy giảm tăng trưởng chung của Trung Quốc là việc nước này đã trải qua tình trạng mất việc làm nghiêm trọng trong ngành sản xuất, nhưng vẫn chưa rõ tỷ lệ phần trăm việc làm bị mất do cuộc chiến thương mại là bao nhiêu, và các tuyên bố của Tổng thống Trump rằng Trung Quốc đã mất hàng triệu việc làm từ cuộc chiến thương mại chắc hẳn là phóng đại. (Một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra về tính chính xác của số liệu thống kê mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra, một số chuyên gia bên ngoài lập luận rằng tốc độ tăng trưởng thực tế của Trung Quốc chỉ ở mức 2 điểm phần trăm hoặc thấp hơn, theo tính toán dựa trên số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà kinh tế hoài nghi các số liệu thống kê chính thức dù thường thừa nhận rằng cuộc chiến thương mại đã khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái hơn).

Thứ hai, thuế quan và các hạn chế nhập khẩu khác đã tác động đến các chuỗi cung ứng của Mỹ, nhưng một số ngành công nghiệp đã chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh hơn và ổn định hơn so với các ngành khác. Các chuỗi cung ứng của Mỹ đã chuyển hướng một phần từ Trung Quốc sang các nước khác, đặc biệt là Đài Loan, Liên minh châu Âu (EU), Mexico và Việt Nam do ảnh hưởng từ các mức thuế này. Tuy nhiên, không phải tất cả các giao dịch đều được chuyển hướng, và các ước tính kinh tế cho thấy tổn thất thương mại ròng do thuế đã lên đến mức xấp xỉ 14 tỷ USD. Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng dao động đáng kể giữa các ngành: Chẳng hạn, UNCTAD nhận thấy sự chuyển hướng lớn hơn trong các chuỗi cung ứng đối với trang thiết bị văn phòng và điện tử so với trang thiết bị vận tải và cơ khí chính xác, trong khi đó các nhà phân tích khác cũng nhận thấy sự chuyển hướng nhiều hơn tương đối trong các thiết bị điện và chất bán dẫn. Quả thực, một cuộc khảo sát kinh doanh được công bố vào cuối năm 2019 cho thấy chỉ 28% các công ty Bắc Mỹ đã chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

Các báo cáo không đáng tin cậy cho thấy việc cấm nhập khẩu hoàn toàn một số trang thiết bị cụ thể dù hiệu quả trong việc ngăn chặn nguồn cung sản phẩm mục tiêu của Trung Quốc nhưng khó có thể được thực hiện nếu không có kế hoạch đầy đủ nhằm xác định các nhà cung cấp thay thế cho các sản phẩm mà Trung Quốc chi phối. Chẳng hạn, một kế hoạch gần hoàn tất của Bộ An ninh nội địa Mỹ nhằm cấm sử dụng máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất sẽ gây khó khăn cho việc theo dõi hỏa hoạn và các dịch vụ khác vì Bộ An ninh nội địa Mỹ sẽ không thể tìm được các nhà cung cấp khác trong ngắn hạn. Tương tự, các nhà mạng viễn thông ở vùng nông thôn của Mỹ sẽ cần thời gian để loại bỏ các thiết bị hiện có của Huawei khỏi mạng lưới của họ do cần tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế và lắp đặt trang thiết bị thay thế.

(còn tiếp)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Lê Nguyễn Trường Giang Vip

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả