menu
Vũ khí mới cho cạnh tranh Mỹ-Trung: Các biện pháp ép buộc kinh tế – Phần V
Lê Nguyễn Trường Giang Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vũ khí mới cho cạnh tranh Mỹ-Trung: Các biện pháp ép buộc kinh tế – Phần V

Tăng cường một số đối tượng bị áp dụng các biện pháp ép buộc kinh tế

Xu hướng lớn thứ hai trong việc Mỹ áp dụng các biện pháp ép buộc kinh tế chống lại Trung Quốc trong vài năm qua là lý do được đưa ra để giải thích cho hành động này. Việc tăng số đối tượng áp dụng không hề đáng ngạc nhiên xét theo nhiều khía cạnh. Khi cách tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc thay đổi từ định hướng can dự vốn thống trị giai đoạn 1990-2016 sang cách tiếp cận chiến lược hiện nay coi Trung Quốc như một bên cạnh tranh nước lớn, việc Mỹ triển khai các biện pháp ép buộc kinh tế đối với nhiều mục tiêu chính sách hơn cũng là điều hợp lý.

Chính quyền Trump không phải lúc nào cũng thể hiện rõ ràng các mục tiêu cụ thể khi áp dụng các biện pháp ép buộc kinh tế. Chẳng hạn, mặc dù phần lớn các quan chức Mỹ và thông báo chính thức về việc hạn chế xuất khẩu sản phẩm của Mỹ cho Huawei đều mô tả rằng động lực của quyết định này là cân nhắc an ninh quốc gia (cụ thể là quan ngại về các hành vi của Huawei được cho là vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran), nhưng trong năm 2019, Tổng thống Trump đã nhiều lần ngụ ý rằng ông có thể sẵn sàng nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Huawei như là một phần trong một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Dù vậy, việc xem xét thận trọng các biện pháp ép buộc kinh tế được triển khai chống lại Trung Quốc đã nêu bật 3 nhóm mục tiêu lớn: các mục tiêu kinh tế, các mục tiêu an ninh quốc gia và các mục tiêu kết hợp cả khía cạnh kinh tế lẫn an ninh.

Trước hết, Mỹ tìm cách sử dụng các biện pháp ép buộc kinh tế chống lại Trung Quốc nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế. Cụ thể là buộc Trung Quốc phải chấm dứt vô số hành vi vi phạm, đặc biệt là các thực tiễn thương mại, làm suy yếu các doanh nghiệp Mỹ và khả năng cạnh tranh của Mỹ. Tất nhiên, Mỹ từ lâu đã áp các mức thuế nhằm bảo vệ các công ty Mỹ trước sự cạnh tranh không công bằng từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc Chính quyền Trump áp thuế không chỉ thể hiện ở số lượng ngày càng tăng mà còn cho thấy sự thay đổi trong cách Mỹ áp thuế với Trung Quốc nhằm đạt được các mục tiêu chính sách.

Mỹ có một số mục tiêu kinh tế cốt lõi đối với Trung Quốc trong thập kỷ qua, trong đó bao gồm việc buộc Trung Quốc giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và các ngành công nghiệp chủ chốt, ngăn chặn các vụ Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ, và giúp hàng hóa Mỹ giành được quyền tiếp cận thị trường công bằng nhằm tái cân bằng quan hệ thương mại. (Có sự khác biệt trong quan điểm về tầm quan trọng tương đối của các mục tiêu này. Chẳng hạn, Tổng thống Trump dường như đặc biệt chú trọng và thâm hụt thương mại song phương). Tuy nhiên, từ cuối những năm 1990 cho đến khi Chính quyền Trump lên nắm quyền, Mỹ thường theo đuổi các mục tiêu này thông qua các hành động đa phương và các khích lệ, chẳng hạn như các thách thức của WTO đối với các thực tiễn thương mại của Trung Quốc, các cuộc đàm phán ngoại giao song phương, và việc sử dụng các hiệp định thương mại với các quốc gia khác như một cách gây sức ép đa phương nhằm buộc Trung Quốc phải cải cách kinh tế.

Trong những lĩnh vực mà Mỹ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp ép buộc kinh tế khác nhằm buộc Bắc Kinh thay đổi chính sách, Mỹ thường sử dụng chúng theo cách đã nhắm sẵn mục tiêu. Các ví dụ đáng chú ý bao gồm mức thuế 35% đối với lốp xe trong năm 2009, mức thuế đối với thanh năng lượng mặt trời trong năm 2012 và 2014 lên tới 78%, và mức thuế lên tới 266% đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Thép của Trung Quốc cũng nằm trong danh sách các sản phẩm thép nhập khẩu bị Chính quyền George W. Bush áp thuế 30% trong năm 2002 nhằm bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ trước làn sóng thép nhập khẩu. Năm 2015, Chính quyền Obama cũng đe dọa rằng Bộ Tài chính Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể và công ty của Chính phủ Trung Quốc liên quan đến các vụ tấn công mạng, nhằm thuyết phục Trung Quốc bước vào một thỏa thuận ngừng sử dụng tin tặc để đánh cắp các bí mật thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù tất cả các biện pháp này đều nhằm gây sức ép kinh tế đối với Bắc Kinh, nhưng không biện pháp nào trong số đó nhằm gây tác động kinh tế vĩ mô sâu rộng.

Các mức thuế mà Chính quyền Trump áp cho Trung Quốc phản ánh sự quay trở lại mô hình sử dụng các hình thức áp thuế đơn phương phổ biến trước khi WTO được thành lập. Cụ thể là đe dọa áp thuế hoặc áp thuế trên phạm vi lớn nhằm gây sức ép khiến một quốc gia buộc phải cải cách đáng kể chính sách kinh tế và thương mại của họ nhằm nỗ lực tái cân bằng mối quan hệ thương mại. Chúng cũng phù hợp với cách các quốc gia thường sử dụng thuế quan với quy mô nhỏ hơn nhiều trong bối cảnh tranh chấp thương mại song phương và áp thuế trả đũa theo quy định của WTO. Hành động này bao gồm việc xác định các sản phẩm nhạy cảm về chính trị nhằm thúc đẩy thay đổi chính sách ở quốc gia mục tiêu, thay vì chỉ đơn giản là nhắm vào những sản phẩm được hưởng lợi từ một thực tiễn thương mại không công bằng.

Đợt áp thuế đáng chú ý đầu tiên của Tổng thống Trump đối với hàng hóa Trung Quốc vào tháng 7/2018 tập trung vào các sản phẩm “sử dụng công nghệ quan trọng đối với ngành công nghiệp”, bao gồm các hàng hóa liên quan đến kế hoạch chiến lược Made in China 2025 của Trung Quốc nhằm chiếm lĩnh các ngành công nghiệp chất lượng cao mới nổi giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, các đợt áp thuế sau bao trùm một loạt sản phẩm chế tạo, hàng tiêu dùng và các sản phẩm khác giúp mang lại doanh thu xuất khẩu khổng lồ cho Trung Quốc, nhưng điều đó không nhất thiết có liên quan trực tiếp tới các thực tiễn thương mại không công bằng của Trung Quốc hay các căng thẳng thương mại khác giữa Trung Quốc và Mỹ. Thay vào đó, mục tiêu của các đợt áp thuế liên tiếp này là gây sức ép về chính trị và kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc, nhằm buộc Bắc Kinh đưa ra các nhượng bộ lớn hơn đối với một loạt hoạt động kinh tế và mua thêm hàng hóa Mỹ. Như Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố trên Twitter và các bình luận công khai (dù thường trích các số liệu thống kê thực tế là thiếu chính xác), nếu Trung Quốc cảm nhận được những khó khăn lớn về kinh tế do các mức thuế quan của Mỹ gây ra, thì họ sẽ buộc phải giải quyết các vấn đề lớn về cơ cấu như hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, quyền tiếp cận thị trường, trợ cấp và mua thêm hàng hóa Mỹ.

Nhóm mục tiêu chính sách lớn thứ hai của các biện pháp ép buộc kinh tế mà Mỹ triển khai nhằm vào Trung Quốc trong vài năm qua liên quan tới chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ. Cụ thể, Mỹ đã tìm cách cản trở các mối quan hệ tài chính và kinh tế của Trung Quốc với các nước thứ ba vốn là đối tượng của các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đồng thời trừng phạt các công ty có giao dịch với các nước bị trừng phạt và các bên tham gia bất hảo khác. Những mục tiêu này dường như đã có từ trước khi Chính quyền Trump lên nắm quyền. Chẳng hạn, Chính quyền Obama đã đe dọa sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm thuyết phục Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dầu mỏ từ Iran trước khi ký thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, dưới thời Chính quyền Trump, Mỹ đã gia tăng cả số lượng lẫn mức độ đa dạng của các mục tiêu Trung Quốc sẽ bị trừng phạt trong quan hệ thương mại hay tài chính với các nước khác, trong đó có các biện pháp trừng phạt đối với quan hệ quốc phòng của Trung Quốc với Nga và các biện pháp trừng phạt chống tội phạm có tổ chức của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ do các biện pháp ép buộc kinh tế thúc đẩy cũng đã mở rộng để bao trùm cả một số vấn đề nhất định trong chính trị trong nước của Trung Quốc, chủ yếu là các vụ vi phạm nhân quyền. Cuối năm 2017, lần đầu tiên Mỹ đã trừng phạt một quan chức Trung Quốc, sĩ quan cảnh sát Gao Yan, theo Chương trình trừng phạt Magnitsky toàn cầu vốn cho phép trừng phạt các cá nhân và thực thể chịu trách nhiệm cho các vụ vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Cuối năm 2019, Quốc hội Mỹ đã ban hành đạo luật mới yêu cầu Tổng thống áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì đã làm suy yếu các quyền và quyền tự do cơ bản ở Hong Kong, và đánh giá liệu Hong Kong có đủ độc lập với Trung Quốc để tiếp tục hưởng tư cách riêng theo luật xuất khẩu và luật hải quan của Mỹ hay không. Mỹ cũng viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến việc giám sát và bắt giữ nhóm người thiểu số như là lý do để áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu hàng hóa Mỹ cho nhiều công ty công nghệ cao của Trung Quốc, trong đó có Megvii, iFlyTek và SenseTime. Xu hướng này dường như sẽ tiếp diễn với sự ủng hộ mạnh mẽ từ Quốc hội đối với việc trừng phạt Trung Quốc do vụ bắt giữ người Duy Ngô Nhĩ và các vụ vi phạm nhân quyền khác.

(còn tiếp)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Lê Nguyễn Trường Giang Vip

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả