menu
Vũ khí mới cho cạnh tranh Mỹ-Trung: Các biện pháp ép buộc kinh tế – Phần IV
Lê Nguyễn Trường Giang Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vũ khí mới cho cạnh tranh Mỹ-Trung: Các biện pháp ép buộc kinh tế – Phần IV

Mở rộng loại hình và mức độ áp dụng các công cụ được triển khai. Xu hướng lớn đầu tiên và được thể hiện rõ ràng trong việc áp dụng các biện pháp ép buộc kinh tế chống lại Trung Quốc dưới thời Chính quyền Trump là mở rộng loại hình và mức độ áp dụng các biện pháp này.

Trong đó bao gồm việc sử dụng lại các công cụ kinh tế lâu dời của Mỹ vốn gần như bị bỏ mặc trong những năm trước khi Chính quyền Trump lên nắm quyền đồng thời phát triển các công cụ mới thông qua các đạo luật và quy chế mới. Báo cáo này cung cấp cái nhìn tổng quan về các công cụ ép buộc kinh tế cụ thể hiện có được Mỹ triển khai chống lại Trung Quốc và các biện pháp bổ sung đang được Quốc hội và Chính quyền Trump xem xét. Nhìn chung, việc mở rộng loại hình các công cụ được triển khai gần đây và dự kiến triển khai có thể được chia thành 6 loại như sau: thuế quan; các biện pháp kiểm soát xuất khẩu; các hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc; các biện pháp trừng phạt tài chính; hạn chế nhập khẩu các sản phẩm có liên quan đến Trung Quốc; và các công cụ thực thi pháp luật.

Nhóm công cụ đầu tiên là mở rộng đáng kể thuế quan của Mỹ. Từ khi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) được thành lập vào giữa những năm 1990 cho đến khi Tổng thống Trump đắc cử, Mỹ đã áp nhiều mức thuế chống lại Trung Quốc nhằm hạn chế tác động từ các thực tiễn thương mại không công bằng của Trung Quốc. Chẳng hạn, Chính quyền Obama đã áp thuế đối với lốp xe của Trung Quốc trong năm 2009, tấm năng lượng mặt trời năm 2012, và thép năm 2016. Tuy nhiên, các mức thuế này chỉ nhắm mục tiêu hạn hẹp vào những sản phẩm cụ thể được cho là hưởng lợi từ các thực tiễn không công bằng và tác động tổng thể đã bị hạn chế. Trước khi Chính quyền Trump áp mức thuế hiện tại đối với Trung Quốc năm 2018, mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là 3,1%. Dưới Chính quyền Trump, Mỹ đã áp mức thuế mới đối với khoảng 2/3 hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ, và mức thuế trung bình áp cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng lên khoảng 21% trước khi giảm xuống 19% nhờ có thỏa thuận giai đoạn 1 – nhưng vẫn tăng gần 500%. Bộ Thương mại Mỹ cũng đã mở rộng phạm vi những mức thuế khác có thể áp cho Trung Quốc, chẳng hạn như ban hành quy tắc áp mức thuế lớn hơn chống lại những quốc gia, kể cả Trung Quốc, muốn thao túng đồng tiền của họ.

Thứ hai là gia tăng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới liên quan đến Trung Quốc, trong đó bao gồm kiểm soát các sản phẩm có thể xuất khẩu sang Trung Quốc, và hạn chế xuất khẩu cho một số công ty Trung Quốc cụ thể. Năm 2018, do lo ngại rằng các biện pháp xuất khẩu hiện thời có mục tiêu quá hẹp và Trung Quốc đang mua lại một loạt công nghệ mới nổi và công nghệ nền tảng từ các công ty Mỹ mà có thể chiếm vị thế vượt trội về quân sự của Mỹ, Quốc hội Mỹ đã ban hành Đạo luật cải cách kiểm soát xuất khẩu (ECRA), giúp Bộ Thương mại Mỹ phát triển các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với các công nghệ này.

Song song với ECRA, Mỹ cũng mở rộng việc sử dụng các công cụ điều tiết hiện có nhằm hạn chế xuất khẩu hàng hóa cho một số công ty cụ thể của Trung Quốc. Đặc biệt, Chính quyền Trump đã tăng cường sử dụng Danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, trong đó cấm Mỹ xuất khẩu sản phẩm cho các công ty đã được xác định là không có giấy phép, hạn chế xuất khẩu sản phẩm của Mỹ cho một loạt công ty quan trọng của Trung Quốc, trong đó có gã khổng lồ viễn thông Huawei, các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và giám sát như Megvii, SenseTime và iFlytek, cùng các công ty siêu máy tính Trung Quốc.

Thứ ba là tăng cường các hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Kể từ năm 1975, Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) được trao quyền chặn các khoản đầu tư hoặc các vụ tiếp quản những công ty Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia – do thường được cho là có liên quan trực tiếp tới quân đội Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhất là khi quan ngại ngày càng tăng về việc Trung Quốc có chiến lược tiếp quản các công ty công nghệ cao của Mỹ như các công ty sản xuất chất bán dẫn, hoặc thu thập dữ liệu cá nhân nhạy cảm của công dân Mỹ, CFIUS đã tăng cường chú trọng vào các dự án đầu tư của Trung Quốc. Cụ thể, CFIUS đã mở rộng khái niệm về những gì được coi là nhạy cảm về an ninh quốc gia trong các giao dịch giữa các công ty.

Dữ liệu có sẵn gần đây nhất từ năm 2017 chứng minh cho sự gia tăng này. CFIUS báo cáo đã xem xét 60 vụ giao dịch có liên quan đến Trung Quốc trong năm 2017, tăng từ 54 vụ năm 2016 và 29 vụ năm 2015. Mặc dù CFIUS chỉ chính thức chặn 4 vụ giao dịch kể từ năm 2010, nhưng 3 trong số đó liên quan đến việc Trung Quốc mua lại các công ty Mỹ, trong khi vụ thứ 4 là công ty Broadcom có trụ sở tại Singapore đã mua lại công ty sản xuất chất bán dẫn Qualcomm của Mỹ, vụ giao dịch này bị ngăn chặn do quan ngại rằng nó có thể có lợi cho Trung Quốc. Ngoài ra năm 2019, CFIUS đã buộc các công ty Trung Quốc phải từ bỏ ít nhất 2 công ty Mỹ mà trước đó họ đã mua lại, ứng dụng hẹn hò Grindr và ứng dụng cổng thông tin sức khỏe PatientsLikeMe. Năm 2018, Quốc hội Mỹ tiếp tục mở rộng quyền tài phán của CFIUS bằng cách ban hành Đạo luật hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài (FIRRMA), trong đó trao cho CFIUS nhiều thẩm quyền mới để đánh giá các khoản đầu tư nhỏ vào các công ty Mỹ – trước đó quyền này được áp dụng chủ yếu để kiểm soát đầu tư – và thành lập một ban đánh giá CFIUS mới đối với một số loại hình giao dịch nhất định.

Hạng mục thứ tư trong các công cụ ép buộc kinh tế của Mỹ chống lại Trung Quốc là tăng cường các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các công ty và công dân Trung Quốc. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với ít nhất 118 cá nhân và công ty có trụ sở tại Trung Quốc trong giai đoạn 3 năm 2017 – 2019, tăng mạnh so với ít nhất là 28 thực thể mà Mỹ đã trừng phạt trong giai đoạn 3 năm trước đó (2014 – 2016). Văn phòng kiểm soát các tài sản nước ngoài (OFAC) đã áp đặt phần lớn các biện pháp trừng phạt này đối với những công ty Trung Quốc có giao dịch thương mại với Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, OFAC đã mở rộng phạm vi của các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc. Chẳng hạn, năm 2018, OFAC đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một vị tướng và một thực thể quân sự của Trung Quốc vì đã mua trang thiết bị quân sự từ Nga. Cuối năm 2017, lần đầu tiên Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một quan chức Trung Quốc vì cáo buộc liên quan đến các vụ vi phạm nhân quyền. Việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc cũng sẽ tiếp diễn nhờ 2 đạo luật mới mà Quốc hội đã thông qua vào cuối năm 2019, thiết lập các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm cho vụ đàn áp ở Hong Kong cũng như đối với các nhà sản xuất thuốc giảm đau có chưa ma túy của Trung Quốc.

Nhóm các công cụ ép buộc kinh tế mở rộng thứ năm của Mỹ là tăng cường tập trung hạn chế nhập khẩu hoặc sử dụng các sản phẩm cụ thể liên quan đến Trung Quốc nhằm bảo vệ các chuỗi cung ứng của Mỹ. Trong 2 năm qua, Mỹ đã hạn chế chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị do các công ty viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất trong các mạng lưới viễn thông của Mỹ. Cuối năm 2019, Mỹ đã đề xuất một quy chế mới yêu cầu khu vực tư nhân Mỹ hạn chế sử dụng trang thiết bị công nghệ thông tin và liên lạc do các công ty Trung Quốc sản xuất. Các hạn chế đối với nhập khẩu cũng bắt đầu tác động đến các lĩnh vực khác. Cuối năm 2019, Quốc hội ban hành đạo luật nhằm hạn chế sử dụng các toa tàu hỏa và xe buýt của Trung Quốc trong một mạng lưới giao thông công cộng của Mỹ. Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Quốc hội Mỹ chính thức cấm quân đội nước này mua máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất, trong khi Chính quyền Trump đã chỉ đạo các cơ quan dân sự của Chính phủ Mỹ ngừng sử dụng máy bay không người lái của Trung Quốc.

Cuối cùng, trong 6 năm qua, Mỹ đã bắt đầu tăng cường triển khai các công cụ thực thi pháp luật để tập trung vào các hành vi vi phạm luật pháp Mỹ của Trung Quốc. Chính quyền Obama tập trung vào việc truy tố Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, và năm 2014 Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức kết án 5 tin tặc quân sự của Trung Quốc vì tội gián điệp kinh tế. Cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ đã tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc trong những năm sau đó. Chẳng hạn, cuối năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố “Sáng kiến Trung Quốc” mới, tập trung cao độ vào các vụ đánh cắp bí mật thương mại và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Trung Quốc. Sáng kiến này cũng bao gồm việc xác định các công cụ để ứng phó với các rủi ro trong chuỗi cung ứng, ngăn chặn vận động hành lang và các hoạt động của các đại diện Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến công chúng khi các đại diện này không được đăng ký theo Đạo luật đăng ký đại diện nước ngoài. Đồng thời sáng kiến này cũng tập trung truy tố các vụ kiện chiếu theo Đạo luật tham nhũng nước ngoài liên quan đến những công ty Trung Quốc cạnh tranh với các công ty Mỹ trên trường quốc tế. Bộ Tư pháp cũng kết án Huawei vì vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đánh cắp bí mật thương mại.

Ngoài các nhóm biện pháp ép buộc kinh tế mở rộng chính đã được thực hiện cho đến nay, cả Quốc hội lẫn Chính quyền Trump đều đang cân nhắc triển khai các biện pháp ép buộc kinh tế bổ sung đối với Trung Quốc, cho dù thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hiện đang được tiến hành. Các biện pháp bổ sung này bao gồm khả năng áp đặt một loạt hạn chế đầu tư mới. Các nhà hoạch định chính sách đang xem xét đặc biệt nghiêm túc việc cấm các quỹ hưu trí liên bang của Mỹ đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc và yêu cầu những công ty Trung Quốc phát hành cổ phiếu ở Mỹ phải tuân thủ đầy đủ các quy tắc kế toán và kiểm toán của Mỹ, hoặc phải đối mặt với việc bị loại khỏi sàn giao dịch Mỹ. Các biện pháp trên cũng bao gồm sự hỗ trợ ngày càng tăng đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung cũng như các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc, đặc biệt là phản ứng trước vụ Trung Quốc bắt giữ gần 1 triệu công dân Trung Quốc thuộc dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ và chống lại các công ty Trung Quốc có dính líu đến việc quân sự hóa các đảo và bãi đá trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Lê Nguyễn Trường Giang Vip

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả