menu
Vụ án “Đại gia điều cày” lừa dối khách hàng - Hậu quả của sự “nóng vội”!
Mỹ Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vụ án “Đại gia điều cày” lừa dối khách hàng - Hậu quả của sự “nóng vội”!

Sau khi ông Lê Thanh Thản bị truy tố về tội “lừa dối khách hàng”, điều tôi quan tâm là quyền lợi của khách hàng sẽ được bảo đảm như thế nào, hơn là việc ông Thản bị phạt bao nhiêu tiền hay ngồi tù bao nhiêu năm.

1. Ngày 23/4/2023, nhiều báo chí đồng loạt đưa tin về việc Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội truy tố ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh ra trước Tòa án nhân dân cùng cấp để xét xử về tội “Lừa dối khách hàng”. Vậy là sau hơn 3 năm khởi tố điều tra, vụ án “Đại gia điếu cày” đã có diễn biến mới, thu hút sự chú ý của dư luận nói chung và đặc biệt là của những người dân “bị lừa dối” trong vụ này.

Cụ thể, Dự án chung cư CT6 ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông của Công ty Bemes do ông Lê Thanh Thản là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, được duyệt quy hoạch thiết kế gồm 2 tòa CT6A và CT6B.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý nâng tầng 2 tòa này và xây thêm hẳn 1 tòa CT6C không phép, sai quy hoạch được duyệt và mở bán cùng với cả dự án CT6; trong đó, số căn chung cư không phép là 654. Hậu quả là một thời gian dài sau khi mua nhà và dọn về ở nhưng không được cấp sổ đỏ, người dân đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng của Hà Nội. Những người này đều khai nhận, khi ký hợp đồng mua bán không biết nhà tại dự án sai quy hoạch, mà họ đều tin tưởng ông Lê Thanh Thản xây dựng theo đúng thiết kế được phê duyệt. Kết luận của cơ quan điều tra cũng xác định, ông Thản đã thu lời bất chính hơn 480 tỷ đồng.

Vụ án “Đại gia điều cày” lừa dối khách hàng - Hậu quả của sự “nóng vội”!
Ông Lê Thanh Thản chỉ đạo xây dựng thêm tòa nhà CT6C sai quy hoạch, tạo lập 438 căn hộ trái pháp luật. Ảnh: Tạp chí Người đưa tin

2. Ông Thản đã bị truy tố về tội lừa dối khách hàng theo điểm d, khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015. Theo các luật sư, khung hình phạt ở tội danh này có thể bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Với chứng cứ đã được cơ quan điều tra thu thập và với tội danh đã được xác định, nhiều người cho rằng, có lẽ phiên tòa xét xử ông Thản cũng không quá phức tạp.

Giao dịch mua bán nhà giữa ông Thản với khách hàng là giao dịch dân sự. Khi xác định có hành vi lừa dối, giao dịch sẽ bị hủy và hợp đồng mua bán bị tuyên vô hiệu. Bị cáo sẽ phải nộp phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng; hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Thế là xong!

3. Tuy nhiên tôi lại nghĩ, thực tế diễn ra và hậu quả sau đó có lẽ sẽ không theo hướng đơn giản như vậy.

Thứ nhất, khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu, theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Như vậy, cứ cho là sự việc diễn biến xuôi chèo mát mái thì khách hàng sẽ trả lại nhà xây sai phép cho ông Thản rồi nhận lại tiền. Nhưng, mục đích của người dân mua nhà là muốn có chỗ ở, an cư lạc nghiệp chứ không phải là nhận lại tiền rồi không biết ở đâu. Bởi với số tiền bỏ ra mua cách đây cả chục năm nay nhận lại ấy, họ làm sao có thể thu xếp được chỗ ở mới để trả lại nhà xây trái phép cho ông Thản.

Nêu lên điều này, tôi không hề có ý định ca ngợi ông Thản đã làm được nhà giá rẻ bán cho dân, hay chê bai ông Thản vì xây nhà không phép, vi phạm pháp luật nên mới có giá rẻ, mà chỉ muốn nêu lên một thực tế: Cuối cùng khách hàng vẫn là người gánh chịu hậu quả! Mà số người dân này đâu có ít: 654 căn hộ không phép sẽ tương ứng với từng ấy hộ gia đình. Hoặc chí ít theo điều tra, cũng có tới 488 khách hàng bỏ ra 534 tỷ đồng mua các căn hộ không phép ấy. Mà đó phần lớn đều là người thu nhập thấp, điều kiện kinh tế không dư dả gì, có khi phải vay mượn và chắt bóp nhiều năm mới có thể mua được căn hộ ấy. Bây giờ, với tình trạng nhà ở xã hội khó như đáy bể mò kim, họ làm sao có thể tìm được một chỗ ở tạm chấp nhận được để mà an cư lạc nghiệp?

Không tìm được chỗ ở mới và thấy mình bị thiệt thòi quá lớn, có lẽ họ sẽ vẫn bám trụ lại những căn hộ không phép, bởi việc mua bán của họ là ngay tình. Bằng chứng là trong quá trình điều tra, ông Thản đã đề nghị phương án mua lại nhà hoặc trả lại tiền cho khách hàng, nhưng trong số gần 500 khách hàng, cũng chỉ có 6 người đồng ý trả nhà để lấy lại tiền, còn lại đều đề nghị được cấp sổ đỏ. Điều đó đồng nghĩa, những người này sẽ vẫn ở lại những căn hộ xây trái phép.

Ở lại nhưng không được pháp luật công nhận, không được cấp sổ đỏ, muốn mua bán sang nhượng cũng không được, cuộc sống của họ sẽ luôn trong tình trạng bấp bênh. Khi đó sẽ khó tránh khỏi việc tiếp tục có đơn kêu cứu xin được hợp pháp hóa các căn hộ không phép. Và câu chuyện cứ thế kéo dài không biết bao giờ chấm dứt…

Thứ hai, cứ đặt giả thiết là người dân trả lại hết nhà sai phạm cho ông Thản để nhận lại tiền, thì khi ấy cả tòa chung cư CT6C xây dựng không phép sẽ xử lý thế nào? Phá hủy hay phạt cho tồn tại?

Nếu phạt cho tồn tại thì ai là người dám đứng ra hợp thức hóa cho những căn hộ sai phạm này, và như thế liệu có tạo tiền lệ xấu cho các hành vi sai phạm tiếp tục xảy ra, như đã từng xảy ra nhức nhối bao năm nay?

Còn nếu không, thì chính quyền có dũng cảm phá hủy cả tòa nhà hàng trăm căn hộ để làm gương hay không? Cứ nhìn vào tòa nhà 8B Lê Trực cũng tại Hà Nội, chỉ cắt phần ngọn mà đã khó khăn đến nhường ấy, thì ai cũng thấy phá hủy cả tòa chung cư sẽ không đơn giản chút nào.

Nhưng nếu không phá hủy, cũng không hợp thức hóa thì làm sao? Chẳng nhẽ cứ để chềnh ềnh ra như một chứng tích cho sự làm liều của doanh nghiệp và sự buông lỏng quản lý của chính quyền? Rồi không có người quản lý, người vô gia cư tràn vào ở thì sẽ giải quyết thế nào, nhất là khi sự việc không được giải quyết ngay từ đầu mà để kéo dài thì “để lâu hóa bùn”, đây sẽ lại trở thành “điểm nóng” ở một khía cạnh khác…

Chỉ mới nhìn qua ở một vài khía cạnh đã thấy, vụ việc tưởng không quá phức tạp lại không hề đơn giản chút nào. Vấn đề ở đây không phải chỉ là xử thế nào, mà quan trọng hơn là khắc phục hậu quả ra sao để bảo đảm quyền lợi cho những người dân vô tội, và ai là người phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả ấy.

4. Lan man sang một số khía cạnh như trên, thực sự chúng tôi không dám múa rìu qua mắt thợ, hay đánh trống qua cửa nhà sấm, mà chỉ muốn nêu lên những điều có thể sẽ xảy ra trong thực tế, mong góp thêm một góc nhìn, một tiếng nói đứng từ góc độ của một người dân có trách nhiệm. Bởi trong vụ việc này, việc xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật không phải là quá khó. Vấn đề ở đây là làm sao vừa bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, không tạo ra tiền lệ xấu mà lại bảo đảm được quyền lợi của những người dân lương thiện.

Có lẽ, một bản án nhân văn ở đây là xét xử nghiêm minh nhưng phải trên cơ sở bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Và tôi nghĩ, có lẽ nhiều người cũng như tôi, trông chờ một bản án có hậu, với việc quyền lợi của khách hàng - người dân được bảo đảm; hơn là việc đoán già đoán non, rằng ông Lê Thanh Thản bị phạt bao nhiêu tiền hay đi tù bao nhiêu năm.

5. Nhưng điều muốn nói ở đây là, tất cả những hậu quả mà ngày nay khách hàng cũng như xã hội phải gánh chịu, được ông Thản giải thích một cách nhẹ tênh là do “nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh” nên chưa kịp hoàn thiện các thủ tục hành chính điều chỉnh quy hoạch dự án (?!).

Theo thông tin trên báo chí, năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (nay sáp nhập vào Hà Nội) phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes tại phường Kiến Hưng. Đến năm 2010, công ty của ông Thản nhiều lần xin điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch tại dự án trên. Mặc dù không được chính quyền TP. Hà Nội đồng ý, nhưng ông Thản vẫn chỉ đạo thi công xây dựng hẳn một tòa nhà với hàng trăm căn hộ không phép.

Điều đáng nói là sau đó, ông Thản lại chỉ đạo đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án. Các hợp đồng mua bán căn hộ do ông Thản ký với khách hàng đều cam kết "dự án xây dựng đúng quy hoạch" và hứa sẽ hỗ trợ người dân làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vậy là, ông Thản “nóng vội” hay “quá tự tin” trong việc “xin” điều chỉnh quy hoạch dự án? Điều này chúng tôi sẽ bàn vào một dịp khác. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều, việc coi nhẹ những yếu tố pháp lý, nếu không muốn nói là coi thường pháp luật ấy của ông Lê Thanh Thản, không những khiến chính ông phải gánh chịu hậu quả với việc bị truy tố ra tòa hình sự, ảnh hưởng đến thanh danh và uy tín doanh nghiệp; mà tai hại hơn, còn khiến hàng trăm khách hàng - thượng đế của doanh nghiệp cũng phải chịu hậu quả nặng nề, nơm nớp sống trong lo âu và chưa biết ngày mai sẽ ra sao.

Doanh nghiệp muốn phát triển và nhất là phát triển bền vững, là phải biết song hành với khách hàng, vì khách hàng, chứ không thể dựa trên sự lừa dối khách hàng.

Âu đây cũng là bài học không phải chỉ cho Bemes: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả