VPBank vượt mặt Vietcombank giành vị trí quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng
Với mức lãi kỷ lục hơn 11.000 tỷ đồng, VPBank đã vượt mặt Vietcombank để giành vị trí quán quân về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý 1/2022.
Trong tổng số 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, trong quý 1/2022 có tới 15 nhà băng ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt 1.000 tỷ đồng. Trong đó, VPBank giữ vị trí quán quân về lợi nhuận.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất VPBank đạt trên 11.146 tỷ trong quý 1/2022, gấp gần ba lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay, góp phần đưa vốn chủ sở hữu của ngân hàng vượt lên trên 95 nghìn tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank tăng 65% so với cùng kỳ, đạt 18.270 tỷ đồng. Đi sâu hơn vào cơ cấu doanh thu, thu nhập lãi thuần hợp nhất đạt 9.888 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ và 16% so với quý 4/2021. Thu nhập từ nợ đã xử lý của ngân hàng hợp nhất cũng đạt kết quả tích cực với 714 tỷ đồng, tăng 21,3% so với quý trước.
Chỉ số chi phí trên thu nhập hợp nhất tiếp tục được duy trì ở mức thấp nhất thị trường. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản và trên vốn chủ sở hữu (không bao gồm thu nhập bất thường) đạt mức 3,1% và 21,2%.
VPBank đã vượt mặt Vietcombank để giành vị trí quán quân về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý 1/2022
Đứng thứ 2 về lợi nhuận ngân hàng trong quý 1/2022 là Vietcombank, trong 3 tháng đầu năm VCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính đến hết tháng 3/2022, quy mô tăng trưởng của Vietcombank cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành (huy động vốn tăng trưởng 3,7%, tín dụng tăng trưởng 6,9%). Cơ cấu hoạt động tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo đúng định hướng, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn đạt ~ 35%, dư nợ bán lẻ chiếm trên 55% danh mục tín dụng.
Năm 2022, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% (tương ứng gần 30.700 tỷ đồng). ''Với tiến độ thực hiện trong quý 1 như vậy, ban lãnh đạo tin tưởng vững chắc sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 đã đề ra'', Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng khẳng định.
Đứng sau VPBank và Vietcombank là hai cái tên quen thuộc Techcombank và MB với lợi nhuận lần lượt đạt 6.785 tỷ đồng và 5.909 tỷ đồng, tăng 23% và 29% so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động quý 1 năm 2022 của TCB tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, lên 10,1 nghìn tỷ đồng, dẫn dắt bởi sự tăng trưởng ở cả thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi.
Tổng tiền gửi cuối quý 1/2022 là 328,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 165,7 nghìn tỷ đồng, duy trì tỷ lệ CASA cao ở mức 50,4%, không thay đổi so với quý 4 năm 2021. Trong đó, CASA của khách hàng cá nhân đóng góp 107,8 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8%.
Trong khi đó, nhiều mảng kinh doanh của MB có kết quả trăng trưởng cao trong 3 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý 1 đạt 8.385 tỷ đồng, tăng tới 41% so với cùng kỳ, chủ yếu do thu nhập lãi cho vay và thu lãi từ đầu tư chứng khoán nợ tăng mạnh.
Lãi từ hoạt động dịch vụ của MB quý 1 tăng 4,8% lên 1.117 tỷ đồng. Hiện thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm đóng góp lớn nhất vào thu hoạt động dịch vụ của MB.
Tổng thu nhập hoạt động quý 1 của ngân hàng đạt hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí hoạt động tăng 28% lên 3.598 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro ở mức 2.125 tỷ, tăng 17,5%.
Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản của MB đạt 649.039 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,3% lên 415.549 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 1,4% lên 390.173 tỷ đồng chủ yếu nhờ tiền gửi có kỳ hạn.
Ngân hàng VietinBank do lợi nhuận sụt giảm nên thứ hạng tụt từ vị trí thứ 2 trong quý 1/2021 xuống vị trí thứ 5. Trong quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank chỉ đạt 5.822 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro lên hơn 4.400 tỷ, gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản đạt hơn 1,66 triệu tỷ, tăng 8,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,7% lên hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,4% lên hơn 1,2 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng BIDV và ACB duy trì Top 6, Top 7 với lợi nhuận lần lượt là 4.513 tỷ và 4.114 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng SHB bứt phá từ Top 10 trong quý 1/2021 nhảy lên Top 8 trong quý này khi ghi nhận lợi nhuận tăng gần gấp đôi, đạt 3.226 tỷ đồng. Vị trí thứ 9, thứ 10 lần lượt là HDBank (2.527 tỷ) và Sacombank (2.424 tỷ).
Ngoài những cái tên kể trên, trong quý 1/2022 những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế nghìn tỷ còn có VIB với lợi nhuận trước thuế 2.2278 tỷ đồng, LienVietPostBank 1.795 tỷ đồng, TPBank với 1.623 tỷ đồng, MSB với 1.495 tỷ đồng và SeABank với 1.306 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, chỉ có 5 ngân hàng (VietinBank, OCB, Kienlongbank, VietBank, NCB) ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.
Riêng Kienlongbank sụt giảm tới 82% do quý 1 năm ngoái ngân hàng ghi nhận khoản thu đột biến từ xử lý được khối tài sản bảo đảm là lượng lớn cổ phiếu STB.
Ngược lại, có những ngân hàng tăng trưởng rất cao. Trong đó, Eximbank là ngân hàng có lợi nhuận tăng cao nhất (gấp 3,8 lần cùng kỳ) đạt 809 tỷ đồng trong quý 1/2022.
2 ngân hàng tăng gần 3 lần là VPBank và VietABank. Trong đó, VPBank khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 2,78 lần so với cùng kỳ. VietABank có lợi nhuận trước thuế đạt 174 tỷ đồng trong quý 1/2022, tăng 2,71 lần so với cùng kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận