VPBank “rà phanh” vì Covid-19
VPBank đang “rà phanh” kế hoạch lớn trước khi quyết định dừng hay chạy tiếp. Nguyên do, Covid-19 đã làm thay đổi thị trường.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa có văn bản xin ý kiến đại hội đồng cổ đông về phương án mua lại trái phiếu đã phát hành theo chương trình Euro Medium Term Note (EMTN).
Đây là 300 triệu USD trái phiếu quốc tế, kỳ hạn 3 năm mà VPBankvừa huy động thành công trong năm 2019.
Trái phiếu này có lãi suất danh nghĩa 6,25% và được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%.
Tại thời điểm đó, VPBank dự tính sẽ tiếp tục huy động thêm 700 triệu USD trong vòng 12 tháng, theo chương trình EMTN.
Tuy nhiên, như trên, phản ứng “rà phanh” đã thể hiện qua văn bản xin ý kiến đại hội đồng cổ đông về việc mua lại lượng trái phiếu đã phát hành.
Trả lời BizLIVE về kế hoạch này, một lãnh đạo cấp cao của VPBank cho rằng hiện Ngân hàng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Nhưng nhiều khả năng đại hội đồng cổ đông sẽ thông qua.
Văn bản xin ý kiến đại hội đồng cổ đông cũng nêu rõ lý do, trong đó có yếu tố Covid-19.
Cụ thể, VPBank giải thích: Do khủng hoảng toàn cầu liên quan đến dịch bệnh Covid, thị trường trái phiếu doanh nghiệp quốc tế (Eurobond) bị bán tháo rất mạnh, nên trái phiếu quốc tế của VPBank phát hành theo chương trình EMTN đăng ký tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore hiện đang giao dịch ở mức giá (và mức lợi suất tương đương) cao hơn nhiều thời điểm phát hành.
“Việc này có thể là điểm bất lợi cho VPBank trong việc huy động các nguồn vốn khác trong và ngoài nước, đặc biệt là các khoản vay tài trợ từ các ngân hàng quốc tế với mức lãi suất thấp hơn nhiều. Việc mua lại trái phiếu quốc tế đã phát hành của VPBank sẽ nâng cao uy tín của VPB trên thị trường Eurobond, chứng minh được tình hình thanh khoản của VPBank rất ổn định, nâng cao uy tín của VPBank trong và ngoài nước, tạo điều kiện để VPBank có thể phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế sau này khi cần thiết và khi thị trường quốc tế ổn định trở lại”, VPBank giải thích rõ, dù văn bản gửi cổ đông có rất nhiều lỗi chính tả.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thông thường giá và lợi suất sẽ biến động theo mức độ rủi ro của trái chủ - doanh nghiệp phát hành. Như trên, mức giá và mức lợi suất tương đương của trái phiếu quốc tế VPBank cao hơn nhiều so với thời điểm phát hành.
Như vậy, uy tín của trái chủ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, hoặc không phản ánh sát với thực tế tình hình tài chính và hoạt động của doanh nghiệp, cũng như triển vọng trong tương lai. Triển vọng ở đây gắn với thời điểm đáo hạn trái phiếu, có kỳ hạn 3 năm kể từ 2019.
Với kỳ hạn đó, mức lãi suất danh nghĩa 6,25% đã xác định cũng là một yếu tố có lẽ VPBank tính đến về chi phí phải trả trong tương lai. Yếu tố này cũng góp phần định hình lý do lên phương án mua lại.
Tại Việt Nam, ở thị trường nội địa, việc mua lại trái phiếu đã phát hành có lãi suất cao và kỳ hạn dài là quyết định bình thường của doanh nghiệp. Như trong năm qua, BIDV có các giao dịch mua lại trái phiếu để chủ động chi phí.
Việc mua lại này cũng hàm ý rằng, tới đây lãi suất (chi phí) để huy động vốn nhiều khả năng thấp hơn.
Theo đó, bên cạnh yếu tố bảo vệ uy tín, hẳn VPBank cũng tính toán chi phí sẽ phải trả trong tương lai với chi phí mua lại, sau khi đã trả các chi phí giao dịch trước đó, bao gồm phần tư vấn của các tổ chức danh tiếng là BNP Paribas, JP Morgan và Standard Chartered.
Dĩ nhiên, sau các tính toán, phải có lợi thì VPBank mới “rà phanh” và xin ý kiến đại hội đồng cổ đông để thực hiện.
Mở rộng ra, kế hoạch trên phản ánh bức tranh thị trường tài chính quốc tế đã có thay đổi lớn so với năm 2019. Covid-19 tác động.
Năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có ba lần liên tiếp giảm lãi suất, rồi dừng lại. Tín hiệu này có thể xem là một trong những động lực để doanh nghiệp “bắt đáy lãi suất” khi cân đối chi phí huy động vốn.
Thế nhưng, Covid-19 xẩy ra, tạo ảnh hưởng lớn trên toàn cầu và trở thành “cú hích bất thường” đối với chính sách lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương. Điển hình như Fed, hai quyết định giảm thêm và khá mạnh lãi suất được thực hiện nhanh, bất ngờ mà không qua một phiên họp định kỳ với tính định hướng thường thấy.
Lãi suất giảm thêm và giảm mạnh khiến lãi suất phải trả cho những kế hoạch vừa huy động vốn có thể “việt vị” với chi phí trong tương lai. Phản ứng nhanh, doanh nghiệp tiến hành mua lại.
Trong năm 2019, không chỉ VPBank mà một số ngân hàng khác như TPBank, SeABank và SHB cũng dự kiến huy động vốn qua phát hành trái phiếu quốc tế. Dù đến nay các kế hoạch này vẫn chưa rõ tính khả thi thế nào.
Câu hỏi đặt ra, khi mua lại, kế hoạch sử dụng vốn và cân đối vốn của doanh nghiệp có vì thế mà bị thay đổi, xáo trộn hay không, nguồn ngoại tệ đối ứng? Đây là điểm VPBank chưa giải thích trong văn bản xin ý kiến đại hội đồng cổ đông.
Trả lời tham vấn của BizLIVE, chuyên gia tài chính Huy Nam cũng lưu ý về mục đích sử dụng vốn khi huy động trước đó. Mục đích này có thay đổi theo hay không.
Mục đích đó đã từng tính toán đến các yếu tố kỹ thuật như tỷ giá, lãi suất trong tương lai, cũng như nhu cầu và năng lực chủ động ngoại tệ của doanh nghiệp khi thực hiện hoặc khi đáo hạn sớm.
“Cũng nên lưu ý, lý lẽ của một quyết định đối với một thương vụ, nhất là về thương vụ tài chánh, người ngoài cuộc sẽ khó nói được đúng/sai, kể cả chuyên gia”, ông Huy Nam lưu ý thêm khi nói về kế hoạch “rà phanh” của VPBank.
Dù vậy, như trên, với những lý giải đưa ra, cân nhắc lại lợi ích, hẳn có lợi và có tính chủ động thì VPBank mới trình xin ý kiến đại hội đồng cổ đông để thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận