VPBank, lãi cao nhưng “vướng rào”?
Đi cùng với lợi nhuận tăng mạnh, VPBank phải đánh đổi khi nợ xấu ở mức khá cao.
Lợi nhuận tăng mạnh nhờ các mảng kinh doanh tốt
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (mã VPB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2019 với kết quả khá ấn tượng.
Theo đó, riêng mảng tín dụng trong quý III mang về cho ngân hàng khoản lãi lên tới 7.976 tỷ đồng, tăng trưởng tới 32,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần đạt 22.428 tỷ đồng, tăng trưởng 23,3%.
Hoạt động dịch vụ cũng có một kỳ kinh doanh khả quan khi đạt lợi nhuận 708 tỷ đồng, tăng trưởng 77% so với cùng kỳ, nâng lợi nhuận 9 tháng mảng này lên 1.942 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi kết quả đạt được 9 tháng đầu năm 2018.
Các mảng mua bán chứng khoán kinh doanh, mua bán chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 2, 3 lần so với cùng kỳ, đạt lần lượt 145 tỷ đồng và 200 tỷ đồng trong riêng quý III và 201 tỷ đồng và 476 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối tiếp tục có dấu hiệu đi xuống khi ghi nhận lỗ 81 tỷ đồng trong kỳ, so với mức lãi gần 218 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, mảng này lỗ 117 tỷ đồng.
Cũng theo BCTC công bố, riêng trong quý III/2019, nhân sự tại VPBank đã giảm 304 người và tính từ đầu năm, số lượng nhân viên của nhà băng này đã giảm 696 người, xuống còn 26.733 người (so với mức tuyển mới hơn 2.000 nhân viên trong 9 tháng đầu năm 2018).
Cũng nhờ việc cắt giảm nhân viên, nên chi phí hoạt động của ngân hàng trong kỳ chỉ tương đương cùng kỳ năm trước.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 28,2% so với cùng kỳ, lên 3.522 tỷ đồng.
Theo đó, kết thúc quý III/2019, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.856 tỷ đồng, tăng trưởng tới 63,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 7.199 tỷ đồng, tăng trưởng 17,5% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành 76% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của VPBank ở mức 358,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt gần 254,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,5% so với đầu năm.
Tiền gửi khách hàng ở mức gần 205,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,3%, tuy nhiên vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tín dụng khi tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng của ngân hàng ở mức rất cao, tới 123,7%.
Theo đó, trong kỳ, ngân hàng đã phát tăng phát hành giấy tờ có giá thêm 18,2% so với đầu năm, lên 57,5 nghìn tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, tại thời điểm 30/9, VPBank đang có 8.901 tỷ đồng nợ xấu, tăng 14,6% so với đầu năm. Dù vậy, do tăng trưởng tín dụng khá tốt nên tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của ngân hàng vẫn giữ nguyên ở mức 3,5%, không đổi so với đầu năm.
Khẩu vị rủi ro cao
Như trên, tính tới thời điểm hiện tại, trong số các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh thì VPBank đang nằm trong top những thành viên có lợi nhuận cao nhất, cũng là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đây cũng là một trong số ít nhà băng có tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng ở mức trên 3%. Điều này cũng phần nào phản ánh khẩu vị rủi ro của nhà băng, khi tập trung mạnh mảng cho vay tiêu dùng (FE Credit).
Dù vậy, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ trên 3% sẽ bị giới hạn một số hoạt động quan trọng như giới hạn về mở rộng chi nhánh, giới hạn ở một số nghiệp vụ hoặc sản phẩm cho vay... Theo đó, VPBank sẽ phải kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của ngân hàng mẹ trước giới hạn này và hiện đang dưới 3%; xa hơn là mục tiêu tất toán nợ xấu đã bán tại VAMC, có thể thực hiện được vào cuối năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận